Xã hội

Hà Nam chuẩn bị lao động đón làn sóng công nghiệp

Gần đây, nhiều doanh nghiệp dùng giải pháp nhắn tin trên mạng di động, về tận các thôn, xóm ở Hà Nam thông báo tuyển dụng lao động, với số lượng hàng chục nghìn người. Nhưng, một nghịch lý đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đó là nguồn lao động thì có, song nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuyển đủ nhân lực. Trước tình trạng này, Hà Nam đang cân đối nguồn nhân lực để hoạch định chiến lượng thu hút đầu tư và phân bố lao động cho từng lĩnh vực kinh tế bảo đảm hiệu quả bền vững.

 

Thị trường lao động dồi dào

 

Nhiều tỉnh thành trên toàn quốc đang thiếu nghiêm trọng nguồn lao động phục vụ cho các Khu Công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh đã về ‘’vùng sâu, vùng xa’’ ở Hà Nam để tuyển dụng lao động, với số lượng hàng chục nghìn người. Thực tế  nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh Hà Nam cũng đã dùng phương pháp liên kết với các xã về tới thôn xóm tuyển lao động, trong đó ngành Lao động Thương binh và Xã hội hỗ trợ rất tích cực. 

 

Về nguồn lực lao động ở tỉnh Hà Nam, qua khảo sát của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có khoảng 26.500 lao động cần giải quyết việc làm. Nhu cầu tuyển dụng, đến cuối năm 2014 có 1.057 doanh nghiệp cần tuyển thêm 8.334 người.

 

Như vậy, nếu so sánh giữa số người đăng ký tìm việc và số lao động các doanh nghiệp cần tuyển thì hiện nay nguồn lao động ở tỉnh Hà Nam cần tìm việc làm vẫn còn nhiều.

 

Trước kia ở Hà Nam có hiện tượng “chảy” nguồn lao động, do làm công nghiệp sau, nhưng giờ thì khó xảy ra chuyện đó. Nếu có biến động thì chỉ phụ thuộc vào một bộ phận lao động hợp lý hóa gia đình. Một số doanh nghiệp ở các tỉnh bạn cần tuyển lao động như SamSung Việt Nam cần tuyển 30.000 lao động với đối tượng tốt nghiệp cấp 2 năm ( 1997 – 2011) và tốt nhiệp cấp 3 năm ( 2000 – 2014), thì những nhóm lao động này, doanh nghiệp ở Hà Nam cũng rất cần và họ sẽ chọn làm việc ở gần nhà.

 

Nhiều doanh nghiệp ở Hà Nam rất cần lao động có tay nghề

 

Thiếu lao động có kỹ thuật cao

 

Nguồn thì nhiều, song thực tế hiện nay, doanh nghiệp ở Hà Nam vẫn “hay kêu’’ thiếu lao động. Chứng kiến nhiều phiên giao dịch việc làm của Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc  Sở Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện, rất nhiều lao động đến tham gia, nhưng số lượng lao động các doanh nghiệp tuyển dụng được rất ít.

 

Lý giải về hiện tượng này, Ông Phạm Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết: Nguồn lao động trên địa bàn tỉnh không đồng đều về trình độ văn hóa, trình độ kỹ thuật, sức khỏe, ý thức tác phong công nghiệp và khoảng cách chênh lệch về độ tuổi. 

 

Tại mỗi phiên giao dịch việc làm do Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức thu hút được rất đông lao động và các doanh nghiệp tham gia. Có những phiên thu hút được 300 - 500 lao động và hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự, song số lượng lao động tìm kiếm được việc làm ngay trong lần giao dịch chiếm tỷ lệ không cao. Nhiều doanh nghiệp chỉ ghi nhớ lao động đến đăng ký, sau đó không biết có liên hệ lại với lao động nữa hay không. 

 

Nguyên nhân, doanh nghiệp đòi hỏi cao, song thực tế, nhiều lao động đến tham gia phiên giao dịch lại không đáp ứng được yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp dệt may thông báo cần tuyển nhiều lao động, với mức lương hấp dẫn từ 3,5 – 4 triệu đồng/tháng, song thực tế khi vào làm việc, công nhân phải làm từ 12 – 14 giờ/ngày mới đạt mức lương trên, thế là họ lại bỏ, doanh nghiệp vẫn thiếu lao động. 

 

Một nghịch lý đang diễn ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đó là nguồn lao động thì có, song nhiều doanh nghiệp chưa tuyển đủ nguồn nhân lực.

 

Cần có chính sách thu hút lao động

 

Ông Phạm Hùng, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Để thu hút nguồn lao động có tay nghề vững vàng, trình độ cao về làm việc, tỉnh Hà Nam cần phối hợp với các nhà đầu tư đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại lao động, thu hút các nhà đầu tư có công nghệ sản xuất hiện đại, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, quan tâm đến đời sống người lao động.

 

Các doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến đời sống của người lao động, có chính sách phối hợp với các đơn vị dạy nghề, chính quyền địa phương trong công tác đào tạo tuyển dụng lao động. Quá trình tuyển dụng, nâng mức tuổi của người lao động trên 30 tuổi, thay bằng hiện nay chỉ tuyển từ 18 – 30 tuổi.

 

Các ngành chức năng, tổ chức công đoàn cần tăng cường giám sát việc doanh nghiệp thực hiện các chế độ chính sách quy định của Nhà nước đối với người lao động. Có như vậy mới đáp ứng đủ nguồn lao động cho các doanh nghiệp và hạn chế tình trạng lao động “nhảy việc’’.

 

Quy hoạch lại nguồn lao động

 

Tại tỉnh Hà Nam hiện nay có khoảng 60 nghìn lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, tại các Khu công nghiệp có hơn 36 nghìn người, còn lại lao động làm việc ở trong các Cụm tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề.

 

Thiết nghĩ, để phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp đến năm 2020 và những năm tiếp theo, các ngành chức năng tỉnh Hà Nam cần quy hoạch lại nguồn lao động, xác định từng nhóm ngành để xây dựng kế hoạch đào tạo theo từng giai đoạn. 

 

Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư sao cho phù hợp với nguồn nhân lực và quá trình thu hút đầu tư cần tính đến phân bố các doanh nghiệp về từng vùng, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đưa về vùng nông thôn, thu hút nguồn lao động nông nhàn, không có điều kiện đi làm ăn xa nhà.

 

Hà Nam phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020

 

Trước mắt, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục duy trì tốt hoạt động của sàn giao dịch việc làm, trong việc hỗ trợ tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp. Tiếp tục khảo sát nhu cầu tìm việc làm của người lao động và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó, kết nối hỗ trợ cả người lao động và doanh nghiệp. Việc này có thể thông báo tuyển dụng lao động tới từng thôn, xóm. 

 

Ngoài ra, các trường dạy nghề trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thực hiện nhiệm vụ của tỉnh, phối hợp với các doanh nghiệp đào tạo và đào tạo lại nguồn lao động phục vụ cho các khu Công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc.

 
Hà Hương Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo