Hà Nam: Nhà đầu tư chính là kênh xúc tiến thu hút FDI
Đây là một giải pháp quan trọng góp phần giúp tỉnh Hà Nam không ngừng tăng hiệu quả thú hút FDI, kể cả trong bối cảnh khó khăn.
(VOV) Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung toàn cầu, thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên cả nước cũng có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kết quả thu hút vốn FDI của tỉnh Hà Nam vẫn rất tích cực, nhờ Hà Nam đã có nhiều cách làm sáng tạo trong thu hút dòng vốn này.
Bứt phá trong thu hút vốn FDI...
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam, trong 6 tháng đầu năm 2013, tỉnh đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 11 dự án, vốn đầu tư đăng ký 78,4 triệu USD. Lũy kế đến tháng 6 năm nay, trên địa bàn tỉnh có 77 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 669,6 triệu USD; riêng vốn đầu tư thực hiện qúy II vừa qua là 21,27 triệu USD, vốn thực hiện 6 tháng là 60,89 triệu USD, nâng tổng số vốn đầu tư thực hiện lên 511,69 triệu USD, đạt 76,4% vốn đăng ký.
So với cùng kỳ năm 2012, nửa đầu năm nay, thu hút FDI trên địa bàn đã tăng 5 dự án. Nhiều nhà đầu tư lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc có dự án triển khai tại Hà Nam. Có được kết quả này, theo ông Bùi Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở KHĐT Hà Nam, là do công tác xúc tiến, thu hút đầu tư luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp ngành. Đặc biệt, cùng với việc vận dụng các chính sách chung của nhà nước về thu hút vốn FDI, Hà Nam đã sớm xác định không thể ngồi chờ nhà đầu tư đến mà phải chủ động đi tìm và dùng nhiều phương thức xúc tiến đầu tư khác nhau...
Nhờ đó, những năm qua, vốn FDI vào Hà Nam đã thực sự bứt phá và không ngừng tăng. Ông Thanh dẫn chứng: Nếu giai đoạn 2001-2005, thời kỳ khởi đầu thu hút FDI của tỉnh, mới chỉ có 5 dự án đăng ký với số vốn 7,5 triệu USD. Mặc dù vậy, do thị trường đầu tư còn mới mẻ với các nhà đầu tư nước ngoài, nên số dự án đầu tư vào tỉnh còn ít, quy mô nhỏ, chủ yếu họ chỉ đến tìm hiểu. Đến giai đoạn 2006-2010, số dự án được cấp phép đầu tư đã tăng lên 39, với tổng số vốn đăng ký 267,8 triệu USD.
Giai đoạn này đã có một số dự án quy mô lớn, tác động thúc đẩy mạnh đến phát triển KT-XH của tỉnh, như: Công ty TNHH Frieslandcampina Hà Nam chuyên sản xuất sữa, với vốn đăng ký 40 triệu USD; Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam, chuyên sản xuất dây dẫn điện sử dụng trong ô tô xe máy, vốn đăng ký 29 triệu USD; Chinh nhánh Công ty TNHH Cargill Việt Nam tại Hà Nam, chuyên sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản, vốn đăng ký 15 triệu USD...
Đặc biệt, giai đoạn từ 2011 đến nay, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Hà Nam thực sự khởi sắc. Số dự án thu hút được 33 dự án, nhưng số vốn đăng ký lên tới 394,3 triệu USD. Trong đó, riêng năm 2011, số vốn thu hút được tăng gần gấp 2 lần các năm trước đó; điển hình có dự án của Honda Việt Nam với số vốn 120,5 triệu USD.
Tính đến tháng 6/2013, khối doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm cho 15.600 lao động, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp FDI đã nộp ngân sách 12,15 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ 2012; bản thân các doanh nghiệp FDI cũng có doanh thu ước đạt 293 triệu USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2012. Các dự án mới như: Sản xuất dây tai nghe điện thoại di động của Công ty TNHH Myeongsung Vina tại Phủ Lý; Dự án sản xuất màn hình cảm ứng (TSP) và sản phẩm ánh sáng ngược (BLU) của Công ty TNHH Finetek Việt Nam và Dự án sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao - Micro Speaker, Dynamic Receiver của Công ty TNHH Keyrin Telecom Việt Nam tại Duy Tiên.... Hiện, bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc, còn có các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Australia, Hà Lan, Singapore, Đài Loan... đầu tư tại Hà Nam.
Trên đà tăng trưởng này, Hà Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2013 thu hút khoảng 15-20 nhà đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký khoảng 120 triệu USD; số lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI khoảng 18.200 người; nộp ngân sách của khối DN FDI ước đạt 24,9 triệu USD, tăng 27,6% so với năm 2012.
Nhà đầu tư chính là kênh xúc tiến hữu hiệu
Để có được những thành quả trên, theo ông Thanh, một phương thức khá hữu hiệu là dùng sự lan tỏa sức hấp dẫn của môi trường đầu tư thông qua chính các nhà đầu tư đang có dự án hoạt động trên địa bàn. Với cách làm này, Hà Nam đặc biệt chú trọng vào các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc. Đơn cử, Hà Nam đã chọn một giám đốc doanh nghiệp Nhật Bản (là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hiroshima, đang có dự án tại tỉnh) làm đầu mối dẫn dắt, kết nối với các doanh nghiệp khác của Nhật Bản. Từ năm 2011, Hà Nam đã đặt văn phòng đại diện xúc tiến đầu tư tại Hiroshima do chính vị giám đốc này điều hành.
Tại địa phương, Ban quản lý các KCN đã xây dựng và đưa vào sử dụng một website riêng của Ban quản lý nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin về KCN, cơ chế chính sách, thủ tục, ưu đãi đầu tư giúp nhà đầu tư thuận tiện khi tìm kiếm thông tin đầu tư tại tỉnh Hà Nam.
Cùng với đó, đích thân lãnh đạo tỉnh và các cán bộ chủ chốt các sở, ngành liên quan tham gia đi xúc tiến tại nước ngoài; và thường xuyên có sự theo dõi, trao đổi với các nhà đầu tư để nắm rõ tâm tư, nguyện vọng, kịp thời điều chỉnh chính sách, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn...
Một trong những yếu tố quan trọng Hà Nam đã làm tốt và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, theo ông Phạm Bá Tùng (Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam), đó là không để xảy ra mất điện tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp FDI; cung ứng đủ lao động phục vụ sản xuất; không để xảy ra tình trạng bãi công của người lao động.
Đồng thời, tỉnh đã giao Sở Giao thông-Vận tải cùng các cơ quan liên quan phối hợp với các doanh nghiệp để mở nhiều tuyến xe buýt dành riêng đưa đón công nhân với giá cả hợp lý. Bước đầu hệ thống này đã vận hành tốt và tăng an toàn cho người lao động, tăng hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp...
Đáng chú ý nữa, một chính sách có tính chất khích lệ, động viên thiết thực với các nhà đầu tư và người làm xúc tiến đầu tư là tỉnh Hà Nam có quy định riêng về chính sách thưởng đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có công mời gọi, xúc tiến vận động các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư và hoàn thành đầu tư dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Số tiền thưởng dao động từ 40 đến 200 triệu đồng, tùy giá trị vốn đầu tư của dự án (từ 40 đến trên 100 tỷ đồng).
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam khẳng định, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm 10 cam kết đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư; tích cực cải cách hành chính trong thu hút đầu tư, đảm bảo các thủ tục hải quan thông thoáng, thuận lợi, giảm tối đa thời gian đăng ký, cấp giấy chứng nhận đầu tư, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng.../.
Ngọc Tú
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Cột tin quảng cáo