Hà Nội chơi sang làm hầm vượt sông: Lợi ích cho ai?
Hà Nội cũng đừng cố chứng tỏ mình, xét một cách toàn diện thì VN đã có một cái hầm là hầm Thủ Thiêm rồi.
Mới đây, Bộ Xây dựng cho biết đã trình Chính phủ phê duyệt báo cáo thẩm định đồ án quy hoạch giao thông Thủ đô Hà Nội. Theo đó, Hà Nội sẽ làm 15 cầu và một hầm vượt sông Hồng. Trong đó có tám cầu vượt sông Đuống, ba cầu vượt sông Đà và các cầu vượt sông Đáy.
Đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã từng được đưa ra thảo luận từ trước đó 2 năm, tuy nhiên hầu hết các kiến trúc sư đều không đồng ý lựa chọn phương án xây hầm vượt qua sông Hồng vì tốn kém, phức tạp và chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Tại sao người Pháp không làm?
KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết ông không tán thành phương án làm hầm vượt sông Hồng. Ông cho biết, muốn biết lựa chọn phương án hầm hay cầu phải căn cứ vào khảo sát thực tiễn.
"Tôi chỉ nói một ví dụ, trước đây người Pháp khi khảo sát từ đường Trần Hưng Đạo sang sân bay Gia Lâm, quy hoạch của họ là làm cầu chứ không phải hầm. Vì vậy, phải xem xét lại tại sao người Pháp lại làm cầu mà không phải là hầm".
Thứ nhất, phải xem phần kết nối giữa hầm với phần mạng giao thông trên mặt đất xem vấn đề giải phóng mặt bằng thế nào, chi phí bao nhiêu.
Thứ hai phải khảo sát địa chất, thủy văn, vì sông Hồng là dòng sông đã qua 4 lần biến đổi thế sông nên phải nghiên cứu xem độ sâu thực của sông là bao nhiêu để xác định độ sâu của hầm.
Khi nghiên cứu địa chất, thủy văn có khi người ta phải tiến hành cả thế kỷ mới xác định được vị trí cụ thể. Hơn nữa, phải xem khả năng kỹ thuật có đảm bảo không. Bài học từ hầm Thủ Thiêm, hiện đại nhất mà giờ vẫn phải sửa đi sửa lại.
Cuối cùng là phải lên phương án xem xét cân nhắc giữa làm hầm và làm cầu. Xem xét về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, chi phí cụ thể. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay thì phải khảo sát, xác định rõ vị trí hầm chui qua là đoạn nào không thể nói chung chung là từ đường Trần Hưng Đạo chui qua sông Hồng được.
KTS Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, mọi lý do để làm bằng được hầm chỉ là bao biện, vì hầm hay cầu cũng chỉ tạo cảnh quan chứ không có tác dụng giải quyết giao thông trên khu vực này.
"Hiện nay, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Chương Dương còn chưa sử dụng hết công suất, vì vậy tôi cho rằng, phương án lựa chọn nên tạo đường vành đai đủ quy mô, đủ mặt cắt để tạo kết nối giữa các cầu, nâng cao hiệu suất sử dụng tại các cây cầu này. Như vậy về kinh phí vừa đỡ tốn kém, lại đơn giản, hiệu quả hơn nhiều", ông Nghiêm đề xuất.
Theo các tác giả của bản quy hoạch giao thông, đường hầm vượt sông Hồng sẽ gián tiếp tạo động lực để người dân sống trong khu phố cổ hiện nay sang phía Bắc sông Hồng sinh sống (ước tính khoảng 700.000 dân). KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh đừng lấy lý do giãn dân, lý do này không hề liên quan gì tới hầm này cả.
Lý giải đó là không có nghĩa lý, thực chất cái hầm này là nhằm kết nối giữa trung tâm nội đô lịch sử với trung tâm đô thị mới của Long Biên. Trong khi nhiều cây cầu còn chưa sử dụng hết, vì vậy không bao giờ nên đặt mục tiêu là giãn dân ra. Đó là hai mục tiêu xa vời nhau.
"Tóm lại, điều tôi muốn nói, làm hầm sẽ phức tạp hơn nhiều về kỹ thuật, chắc chắn tốn kém hơn làm cầu. Bên cạnh đó phải đo sự kết nối giữa hầm với mảng giao thông trên. Hà Nội phải cân nhắc, không nên vội vàng quyết định", KTS Đào Ngọc Nghiêm chốt lại.
Hà Nội đừng cố…
Trong khi đó, KTS Ngô Doãn Đức cho rằng xây đường hầm vượt sông Hồng xét về quy mô cục diện là đúng, nhưng nên để trong tương lai còn với hiện tại thì chưa cần.
"Tôi không đồng ý lý do làm hầm vượt để giãn dân phố cổ, vì làm hầm cực kỳ tốn kém, phức tạp. Tôi rất nghi ngờ mục đích này hay đây chỉ là cái cớ để phục vụ mục đích cho lợi ích của một số người.
Hà Nội cũng đừng cố chứng tỏ mình, xét một cách toàn diện thì VN đã có một cái hầm là hầm Thủ Thiêm rồi", ông Đức nói.
Ông Đức cũng nhấn mạnh: "Tất nhiên, tôi không nói là không nên làm, mà trong quy hoạch một thủ đô hiện đại thì cũng nên có một cái hầm, nhưng phải nhìn vào thực trạng nền kinh tế của chúng ta hiện nay. Chúng ta là nền kinh tế đi vay, nên phải có sự cân nhắc, xem xét theo thứ tự ưu tiên trước làm sao để sử dụng một cách hiệu quả nhất đồng vốn của ngân sách.
Không có một yêu cầu bắt buộc nào phải có một cái hầm nào vào lúc này, còn rất nhiều cầu hiện nay chưa được khai thác hết. Tôi cho rằng, vấn đề giao thông hiện nay là do chúng ta giải quyết tồi chứ không phải do chúng ta thiếu cái hầm. Mà nếu có thiếu là thiếu cầu chứ không phải hầm.
Chưa nói tới khoảng cách giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy là khá gần (khoảng 2,5 km). Do vậy việc xây dựng hầm đường bộ ở vị trí nằm giữa hai cây cầu này là chưa hợp lý, chưa kể cầu Thanh Trì cũng nằm gần đó".
Đồng tình với quan điểm của các KTS trên, KTS Nguyễn Tấn Vạn cũng cho rằng nếu đưa ra lý do xây hầm đường bộ để giãn dân là không cần thiết. Vì hầm này sẽ không đạt được mục đích, có hầm không khiến người dân thích thú qua bên kia sinh sống.
"Vấn đề của người dân phố cổ là việc làm, họ muốn bám vào phố cổ để kiếm tiền vì vậy nếu giãn dân mà không đảm bảo yếu tố dân sinh thì khó có thể khiến họ sẵn sàng dời trung tâm ra ngoại thành sinh sống", ông Vạn nói.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo