Môi trường

Hà Nội chống ngập đến năm... 2030

Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030 dự kiến sẽ được triển khai với tổng kinh phí đầu tư lên tới 117.000 tỷ đồng. Trong thời gian này, người dân vẫn phải “sống chung với ngập”.

Quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030 dự báo sẽ đáp ứng nhu cầu dân số của khoảng 10,8 triệu người trên tổng diện tích khoảng 334.470 ha, trong đó dân số đô thị chiếm khoảng 70 - 80%.

 

Càng chống, càng ngập



Hà Nội mới trải qua vài cơn mưa lớn nhưng đã chứng kiến tình trạng ngập lụt và ùn tắc do ngập gây ra ở hàng loạt tuyến đường. Trong khi hàng chục “điểm đen” thường xuyên xảy ra ngập úng chưa khắc phục được thì lại xuất hiện nhiều điểm ngập mới.



Ông Nguyễn Lê, Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thoát nước Hà Nội, thừa nhận hiện ở các quận nội thành gồm Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình vẫn còn tồn tại hàng chục điểm thường xuyên xảy ra ngập úng. Hầu  hết các điểm úng ngập này vẫn là những điểm do quá trình cải tạo còn gặp nhiều khó khăn. Đây là những tuyến phố có mật độ người tham gia giao thông khá lớn. Vì thế, khi xảy ra úng ngập sẽ ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông của các phương tiện giao thông.

 

Do công tác thoát nước nội thành phụ thuộc lớn vào công tác điều hòa nước giữa nội thành và khu vực lân cận. Việc một số hồ đã cải tạo, các tuyến cống hóa mương, các tuyến cống lớn được đầu tư theo dự án giao thông có khả năng điều hòa nước chưa được giao cho Công ty Thoát nước vận hành để phục vụ công tác thoát nước. Đặc biệt, công tác phối hợp với các chủ đầu tư, đơn vị thi công trong việc thỏa thuận thoát nước, thanh thải dòng chảy…, nên đợt mưa vừa qua thành phố đã xuất hiện nhiều điểm úng ngập mới.



Sau trận lụt lịch sử năm 2008, mặc dù đã được nâng cấp, cải tạo nhưng hệ thống thoát nước cũng chỉ có thể đáp ứng được lượng mưa 172mm/2 ngày. Trong đó, những điểm ngập úng nặng với lượng mưa 120 - 200mm, ngành thoát nước cũng bó tay và chỉ có cách phân luồng giao thông cho người đi đường.

 

Để giải quyết bài toán “mưa là ngập”, Dự thảo Quy hoạch thoát nước thành phố đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đã đề ra giải pháp vùng tiêu thoát lũ là vùng tiêu tả Đáy: Sông Nhuệ, sông Hồng, sông Ðáy; vùng hữu Ðáy: sông Tích, sông Ðáy, sông Bùi. Vùng tiêu phía bắc là sông Hồng, sông Ðuống. “Bên cạnh đó, quy hoạch còn đề xuất giải pháp tiên tiến của thế giới đó là thoát nước bền vững, thân thiện với môi trường, áp dụng hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng cho các đô thị xây dựng mới, dự kiến sẽ đáp ứng được trận mưa lặp lại chu kỳ 10 năm, đồng thời tính toán đến kịch bản biến đổi khí hậu khi lượng mưa tăng lên 5%...”, ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban quản lý Dự án thoát nước Hà Nội, cho biết.

 

Lưu ý biến đổi khí hậu



TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng việc cấp bách đối với thành phố là phải rà soát lại những điểm thường xuyên úng ngập, tìm ra nguyên nhân và giải quyết dứt điểm.



Mặc dù dự kiến tốn tới 117.000 tỷ đồng nhưng ông Cường vẫn băn khoăn, biến đổi khí hậu đã và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tiêu cực đến công tác thoát nước. Lượng mưa trung bình năm và lượng mưa trong các tháng cao điểm mùa mưa có xu hướng tăng dần 5 - 10%, ảnh hưởng lớn đến việc thoát nước. Bên cạnh đó, do nội thành mở rộng, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, việc khớp nối hạ tầng kỹ thuật của các dự án đô thị mới và khu vực lân cận còn nhiều bất cập, nên việc chống úng ngập của thành phố vốn đã khó lại càng khó hơn.



Phó chủ tịch Hội Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm bức xúc, vấn đề thoát nước, bao năm nay đây vẫn là vấn đề thời sự của Hà Nội. Thành phố đã hai lần có quy hoạch thoát nước, nghĩa là trong tay có phương án, kế hoạch chống ngập, “nhưng bao nhiêu năm nay có làm được gì đâu”, nên giờ vẫn ách tắc, úng ngập. Dù đã hai lần vạch kế hoạch, nhưng hiện nay thành phố vẫn chưa xác định được vấn đề nào phải ưu tiên thực hiện. Do đó, để có giải pháp tốt, phải thực hiện theo lộ trình, phải tìm ra nguyên nhân để cụ thể mới biết việc gì phải làm trước, việc gì làm sau, chứ đừng nhìn quá dài mà quên cái trước mắt. 



Cái khó trong công tác chống úng ngập của thành phố hiện nay là điểm úng ngập luôn luôn biến động. “Vì vậy, việc trước mắt phải thực hiện là khai thông dòng chảy chính của các dòng sông, đặc biệt những khu vực úng ngập nhiều”, ông Nghiêm đề nghị.

 

Theo ĐV

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo