Hà Nội dị hình: Bộ Xây dựng soạn "văn bản gây hại"
Những văn bản thiếu thực tế, không khả thi sẽ là điều tai hại...
Văn bản gây hại
Chiều ngày 21/3, ông Phan Đăng Long - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ có ý kiến, liên quan tới nội dung Dự thảo quy chuẩn Việt Nam về quy hoạch đô thị và thiết kế cảnh quan với nội dung kích thước tối thiểu lô đất xây dựng nhà ở liền kề là 25m2 (rộng 2,5m, dài 10m)” của Bộ Xây dựng ban hành.
Ông Long cho biết, hợp thức hóa nhà siêu mỏng, siêu méo là một chủ trương không được Hà Nội tán thành.
Bộ Xây dựng cũng không thể lấy lý do tạo điều kiện thuận lợi cho những người dân có thu nhập thấp được mua nhà để đưa ra một quy chuẩn mang tính chất thụt lùi, không phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Lý do này hoàn toàn không thuyết phục, bởi lẽ nhà nước đã có rất nhiều chính sách ưu đãi, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, các gói hỗ trợ cho phân khúc này.
“Hà Nội sẽ có ý kiến vì đây là một quy định bộc lộ quá nhiều bất cập”, ông Long nói.
Không chỉ thông tư này, trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 02/2014, nhiều ý kiến không đồng tình với quy định phạt tiền và cho tồn tại đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép với quan ngại rằng việc này có thể làm gia tăng các trường hợp sai phạm.
Theo đó, những công trình xây dựng sai phép, không phép… ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại 40% giá trị phần xây dựng trái phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.
Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Ông Long cho rằng, với quy định này không khác nào Bộ Xây dựng đang gợi ý, khơi mào, khuyến khích người dân vi phạm pháp luật.
“Tôi cho rằng, tuy duy của những người ban hành văn bản này là tư duy của người nông dân mới bước ra đô thị. Những văn bản thiếu thực tế, không khả thi như vậy sẽ là điều tai hại”.
Bí thư Hà Nội thị sát nhà siêu mỏng, siêu méo
Trong khi Hà Nội đang quyết liệt chỉ đạo xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo thì thông tư của Bộ Xây dựng lại lộ rõ nhiều bất cập.
Chiều ngày 21/3, đích thân Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị thị sát những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên tuyến đường Vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu). Nhiều nhà mặt tiền đang xây dựng dở đang được che chắn cẩn thận nhưng bằng mắt thường cũng có thể thấy rõ những ngôi nhà kỳ dị được xây lên từ những mảnh đất không đủ điều kiện. Những ngôi nhà đã hoàn thành nhìn như những tổ chim, nhiều ngôi nhà nhìn cao vút trên mảnh đất chạy sâu vào trong chỉ vài mét khiến người đi qua cảm thấy bất an.
Báo Dân Trí cho biết, Bí Thư Phạm Quang Nghị đã chỉ đạo: “Từ hôm nay tôi lấy đường Vành đai 1 để đánh giá chất lượng lãnh đạo Bí thư, Chủ tịch quận Đống Đa. Xem lãnh đạo quận xử lý được đến đâu thì ghi nhận đến đó. Chỗ nào còn siêu mỏng, siêu méo, chỗ nào thò ra, thụt vào thì phải chịu trách nhiệm”.
Ông Nguyễn Song Hào - Chủ tịch UBND quận Đống Đa - cho biết hiện nay có 58 trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” trên tuyến đường Vành đai I (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu), trong đó 20 hộ đã hợp thửa, 7 hộ đã thu hồi xong, 2 hộ thành phố đã đồng ý cho tồn tại (đã cấp phép), 9 hộ hiện đang công khai phương án, 3 trường hợp vướng mắc, 2 trường hợp có tên trong diện giải phóng mặt bằng như hình thửa đất không hợp lý nên xin ý kiến thu hồi…
Sau khi đi thực địa trên con đường “đắt nhất hành tinh”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo ngoài việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa quận Đống Đa còn có trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc do chỉ ngồi văn phòng làm quy hoạch trên giấy.
“Làm quy hoạch trên giấy thì rất đúng, nhưng không kết hợp với kiểm tra thực địa do vậy không lường hết những vấn đề phát sinh. Còn nếu kết hợp cả quy hoạch trên giấy và trên thực tế phát hiện ngay ra chỗ thừa, chỗ thiếu để phê duyệt thu hồi ngay từ đầu đỡ tốn kém, không mất thời gian xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo”, ông Nghị nhấn mạnh.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội để xảy ra những công trình sai phép, trái phép một phần có lỗi của người dân, những lỗi của cán bộ quản lý cũng không ít. Vì nếu người dân dù có cố tình vi phạm đi nữa mà cán bộ với thái độ kiên quyết thì sẽ xử lý được.
“Tôi thấy không ít chỗ do cán bộ là chính, dù biết sai phạm vẫn cố tình làm ngơ. Trường hợp còn thỏa thuận ngầm với người làm sai, bắt họ nộp tiền để không bị phá dỡ”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những công trình sai phạm trên địa bàn.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo