Hà Nội dự kiến tăng thu ngân sách 19,6% năm 2016
Sáng nay, tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa XIV, đại biểu HĐND TP đã thảo luận tại hội trường và thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp thành phố năm 2016 của thành phố Hà Nội.
Theo báo của của UBDN TP Hà Nội, năm 2015, thu ngân sách trên địa bàn TP ước đạt 103,5%, vượt gần 5.000 tỷ đồng so với dự toán HĐND TP giao.
Trong đó, đáng chú ý tăng thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh khoảng 4.200 tỷ đồng (tăng 24% so với dự toán). Có 3 khoản thu dự kiến không đạt dự toán, kết quả thu tiền sử dụng đất không đồng đều giữa các địa phương (có 3 huyện, thị xã dự báo không hoàn thành dự toán), đòi hỏi trong những ngày còn lại của năm 2015 cần có những giải pháp cụ thể để cố gắng hoàn thành ở mức cao nhất.
Bên cạnh đó, chi ngân sách địa phương năm 2015 của TP ước đạt 118,4% so với dự toán HĐND giao đầu năm, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 119,7%, chi thường xuyên đạt 121,8%. TP đã cân đối, bố trí vốn đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đầu tư xây dựng nông thôn mới, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, xây dựng hạ tầng giao thông (nhất là là công trình trọng điểm) và một số lĩnh vực dân sinh bức xúc.
Trình bày Tờ trình về Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp thành phố năm 2016 của UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cho biết, năm 2016, UBND TP xây dựng dự toán thu bằng số dự toán Chính phủ giao, bằng 115,6% số ước thực hiện năm 2015 (Chính phủ giao 169.420 tỷ đồng, tăng 19,6% dự toán thu NSNN trên địa bàn năm 2015).
Chi ngân sách địa phương năm 2016 của TP là 73.807 tỷ đồng. Dự phòng ngân sách địa phương năm 2016 của TP là 1.674,09 tỷ đồng, thấp hơn số Thủ tướng Chính phủ giao (520 tỷ đồng), nhưng vẫn bằng 2,2% tổng chi cân đối ngân sách đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2002.
Để thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách, UBND TP sẽ tổ chức triển khai tốt các Luật Thuế sửa đổi, bổ sung; tăng cường kiểm tra thuế và hoàn thuế theo quy định. Tập trung thu hồi các khoản nợ ngân sách (nhất là các khoản nợ có khả năng tăng thu) để giảm nhanh số nợ thuế, phí. Kiên quyết xử lý theo quy định đối với những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chây ỳ.
Về chi ngân sách, TP sẽ tăng cường quản lý nợ công, rà soát kỹ các dự án sử dụng vốn vay để đảm bảo hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên; không phê duyệt dự án, không khởi công dự án khi không xác định được nguồn vốn thực hiện. Không làm phát sinh nợ XDCB mới, đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động các quỹ công của TP. Thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trong báo cáo thẩm tra, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP đề nghị UBND TP trong công tác quản lý, điều hành ngân sách, tài sản nhà nước năm 2016 cần có biện pháp quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất, nhà chuyên dùng, thực hiện các phương án sắp xếp, xử lý nhà, đất theo hướng tăng cường bán đấu giá để tạo nguồn lực đầu tư phát triển, sử dụng hiệu quả tài sản nhà đất.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiến nghị qua giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đối với quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tập trung vào lĩnh vực đất đai, tài sản trên đất, quỹ nhà chuyên dùng, mua sắm ô tô, trang thiết bị y tế.
Sau khi nghe tờ trình nghị quyết do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu trình bày, các đại biểu đã tiến hành thảo luận và biểu quyết. Kết quả, với tỷ lệ 88,04% đại biểu tán thành, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách cấp thành phố năm 2016.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững