Pháp luật

Hà Nội gửi danh sách xử lý cá nhân vụ Cát Tường

Hà Nội đã gửi báo cáo danh sách xử lý cá nhân, tập thể lên Thủ tướng về vụ việc liên quan đến bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng.

Tại buổi giao ban báo chí chiều 12/11, ông Phan Đăng Long, Phó Ban tuyên giáo thành ủy cho biết như vậy. Tuy nhiên, danh sách cụ thể các cá nhân bị xử lý trách nhiệm vẫn chưa được công bố.

Liên quan đến vụ việc, ngày 28/10, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu: "UBND TP Hà Nội phải công bố công khai mức độ kỷ luật đối với cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc tại thẩm mỹ viện Cát Tường, trước 10/11".
 
Xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan đến vụ việc Thẩm mỹ viện vứt xác nạn nhân
 
Phó Thủ tướng yêu cầu “Bộ Y tế cần tăng cường công tác quản lý công chức, viên chức thuộc hệ thống y tế công lập tham gia hành nghề ở khu vực tư nhân, chỉ đạo các bệnh viện, đơn vị phổ biến, quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức”.
 
Bên lề quốc hội ngày 24/10, ông Phạm Quang Nghị, Bí thư thành ủy HN cho rằng: "Vụ án xảy ra trên địa bàn Hà Nội, nhưng trách nhiệm không phải của một vài người mà thuộc về nhiều người".
 
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã có những chỉ đạo cụ thể, với tinh thần chỉ đạo dứt khoát, làm rõ trách nhiệm, thành phố đã yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan. 
 
Ngày 4/11, UBND quận Hai Bà Trưng đã báo cáo thành phố về kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến thẩm mỹ viện Cát Tường. Ông Nguyễn Văn Hiếu – Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, sau vụ việc, tập thể UBND quận đã kiểm điểm và nghiêm túc rút kinh nghiệm vì chưa sâu sát trong công tác chỉ đạo Phòng Y tế, các cơ quan chức năng và UBND phường Đồng Tâm trong quản lý các cơ sở hành nghề y được tư nhân.
 
Phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội
 
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng ngoài trách nhiệm quản lý địa bàn thì cần phải xử lý trách nhiệm quản lý nhà nước.
 
Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi đề nghị quy trách nhiệm cụ thể. Trách nhiệm này là trách nhiệm quản lý nhà nước, trong đó Sở Y tế Hà Nội có trách nhiệm tham mưu cho UBND trong quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế thì phải có trách nhiệm".
 
Bên cạnh đó, theo quan điểm của ông Quyền thì UBND TP HN cũng phải xem xét trách nhiệm tất cả lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, những người được phân công làm nhiệm vụ này. Đặc biệt lực lượng thanh tra chuyên trách là phải kỷ luật, mà phải kỷ luật nặng. Còn vai trò của Bộ trưởng Bộ Y tế trong chuyện này cũng phải xem xét.
 
Trước đó, ngày 25/10, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cũng khẳng định trách nhiệm trong việc để thẩm mỹ viện Cát Tường hoạt động sai phép suốt hơn 6 tháng qua là thuộc về Sở Y tế TP Hà Nội, đặc biệt là UBND quận Hai Bà Trưng và Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng.
 
Theo bà Nguyễn Thị Khá (đại biểu tỉnh Trà Vinh) - Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thì Bộ y tế có trách nhiệm thuộc về chuyên môn nhưng những vụ việc như thế địa phương phải có trách nhiệm về quản lý, đứng đầu là Sở y tế. Dĩ nhiên, Bộ Y tế cũng không thể đứng ngoài.
 
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khẳng định: "Đây là sự buông lỏng quản lý về chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội và buông lỏng quản lý trên địa bàn đó là đơn vị hành chính thuộc về quận hoặc phường sở tại. Và người phải quy trách nhiệm ở đây là lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo UBND TP Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội". 
 
Liên quan đến vụ việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chỉ rõ địa chỉ chịu trách nhiệm trong vụ này.
 
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: "Để một thẩm mỹ viện hoạt động khi chưa có giấy phép hành nghề là lỗi của ngành, là công tác quản lý, thanh tra chưa tốt. Nói không biết nhân viên dưới quyền có thẩm mỹ viện ngay đối diện BV là không hợp lý. Việc một thẩm mỹ viện hoạt động không đúng chức năng trong nửa năm là trách nhiệm trực tiếp của Sở Y tế Hà Nội, cụ thể là Thanh tra Sở Y tế  và Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng".
 
Đồng thời Bộ trưởng cũng yêu cầu thành phố Hà Nội xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể có liên quan.
 
Nên thực nghiệm lại hiện trường
 
Theo diễn biến vụ việc, cho tới ngày 12/11, là 25 ngày sau khi xảy ra vụ án nhưng thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền vẫn chưa nổi lên theo nhận định của Giám đốc CATP Hà Nội.
 
Trước đó, theo nhận định của Thiếu tướng Chung cho biết, theo tổng kết kỹ thuật hình sự thế giới, một người chết đuối dưới nước thông thường thì 5 đến 7 ngày xác sẽ nổi lên, điều này tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Đối với những trường hợp xác chết bị vứt xuống sông, có thể từ 18 - 25 ngày xác mới nổi.
 
Ông Chung quả quyết, chưa có vụ nào mà cơ quan công an không tìm được xác nạn nhân. 
 
Điều quan trọng theo thiếu tướng Chung là phải tìm được xác nạn nhân, lúc đó mới định được đúng tội của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường. 
 
Tuy nhiên, tới thời điểm này sau khi hết hi vọng tìm kiếm dưới nước, người nhà nạn nhân đã chuyển sang tìm kiếm trên cạn nhưng vẫn không mang lại kết quả.
 
Trả lời báo chí, TS. Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia, cho rằng với điều kiện nhiệt độ nước trên sông như hiện tại, có tính tới yếu tố tốc độ dòng chảy, thì lẽ ra tử thi của nạn nhân phải nổi trong vòng 24 giờ.
 
Theo TS Dương, việc tử thi nổi lên là do quá trình bị sình thối. Quá trình này giống như cái phao được bơm không khí, phải nổi lên khỏi nước. Vì thế, những thủ phạm nguy hiểm, có hiểu biết về y học, thì khi muốn giấu xác phi tang, sẽ mổ tử thi, cắt hết những bộ phận giống phao như ruột, phổi. Như thế tử thi sẽ nổi lên chậm hơn. Tôi nhấn mạnh là chậm chứ không phải là không nổi.
 
Nhưng cũng có thể trong quá trình trôi mà thi thể vướng vào vật cản thì cũng không nổi. 
 
TS Dương nhận định, khi các cơ quan chức năng đã thực hiện hết các biện pháp mà vẫn không thấy, thì phải lật lại vấn đề là liệu lời khai đó có đủ tin cậy không?
 
"Tôi nghĩ cơ quan công an nên thực nghiệm lại hiện trường, có dựng lại hiện trường thật chu đáo thì mới xác định được lời khai có vấn đề gì không", TS Dương nói. 
 
Theo ông Dương, việc tìm thấy các chứng cứ càng muộn thì quá trình truy nguyên dấu vết tội phạm càng khó khăn. Vì thế cơ quan pháp y cũng như cơ quan điều tra sẽ phải luôn luôn nỗ lực cao nhất, tinh thần “trực chiến” 24/24h để chiếm lĩnh hiện trường, chiếm lĩnh tang chứng, vật chứng để có thể tìm ra câu trả lời nhanh nhất. 
Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo