Xã hội

Hà Nội: Hàng trăm người bỗng dưng thành "dân nhảy dù" suốt 20 năm

Do sự tắc trách của lãnh đạo chính quyền xã Khương Đình thời bấy giờ đã gián tiếp đẩy hàng trăm người dân phải sống trong cảnh không hộ khẩu và luôn lo lắng bị mất đất.
Quan phụ mẫu gây tai họa... dân phải chịu
 
Ít ai biết rằng, đã 20 năm nay, hàng trăm người dân sinh sống tại khu vực Đầm Hồng, Đầm Sen thuộc phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội vẫn chưa hề được cấp giấy sử dụng đất để làm hộ khẩu.
 
Theo phản ánh của gần 300 hộ dân (khoảng 800 người) ở tổ dân số 19, ngày 12/2/1992, Chủ tịch UBND xã Khương Đình (nay là phường Khương Đình) đã triệu tập một cuộc họp liên tịch để bàn việc bán đất trên địa bàn với giá 8.000 đồng/m2 đối với người trong xã và 10.000 đồng/m2 với người ngoài xã.
 
Hay tin như vậy, nhiều người đã đến mua đất để làm nhà ở. Tuy nhiên, đến năm 1995, cơ quan điều tra đã phát hiện hành vi của chính quyền xã Khương Đình là vi phạm pháp luật và tiến hành truy tố.
 
Giấy tờ lập sai quy định của chính quyền xã Khương Đình vào năm 1992
 
Bản án số 757 ngày 28-29/9/1995 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã truy tố bị cáo Nguyễn Sỹ Sơn (chủ tịch xã Khương Đình) và các đồng phạm về hành vi vi phạm các Quy định và quản lý đất đai quy định tại khoản 2 điều 180 bộ luật hình sự.
 
Đồng thời bản án còn quyết định thu hồi toàn bộ số đất đai mà các bị cáo đã tiến hành bán bất hợp pháp nhưng không chỉ rõ diện tích và mốc giới thu hồi. Đến lúc này, nhiều người dân mới “ngã ngửa” khi hay biết số đất tưởng trừng mua bán hợp pháp có dấu đỏ của chính quyền lại là đất phi pháp và bị thu hồi.
 
Người dân bức xúc vì phải chịu tai họa từ việc làm sai của chính quyền
 
Một điều khiến người dân bức xúc đó là, trong vụ việc trên, hàng trăm người dân là bị hại của việc làm sai quy định về đất đai của cán bộ chính quyền xã Khương Đình nhưng khi diễn ra phiên xét xử người dân lại không được hay biết và không ai được triệu tập, tham gia quá trình tố tụng.
 
Chính điều này đã gây ra sự không rõ ràng gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho các hộ dân sống trong khu vực Đầm Hồng, Đầm Sen. Và chính trong giải trình của UBND TP Hà Nội trước Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp thứ 14 ngày 12/6/2008 cũng đã nêu rõ tình trạng bất cập trong việc thực hiện nêu trên của bản án.
 
Nhiều gia đình mua đất nhưng chưa kịp xây nhà, sau khi sự việc vỡ lở phải dựng những căn nhà lụp xụp ở tạm bợ trong nhiều năm trời
 
Bởi vậy, đã 20 năm, người dân sống giữa Thủ Đô sống trong tình trạng người có đất thì không được làm nhà, người đã có nhà ở xây kiên cố từ khi mua, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân thì vẫn “nhà không số, phố không tên”. Hàng trăm hộ dân không được đăng ký hộ khẩu, các trẻ nhỏ phải học trái tuyến, trai gái đến tuổi lấy vợ lấy chồng không cho đăng ký kết hôn, đẻ con không được làm giấy khai sinh vì lý do “đất thuộc bản án 757”.
 
Khu vực Đầm Hồng, Đầm Sen xuất hiện nhiều căn nhà như
 
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên ở thời điểm hiện tại, nhiều gia đình sau khi mua đất từ năm 1992 nhưng chưa kịp xây nhà ở, sau sự việc năm 1995 đã không thể xây dựng được nhà nữa mà phải dựng thành các ngôi nhà cấp 4 lụp xụp để ở tạm.
 
Đặc biệt, một số hộ đang nằm trong dự án hồ điều hòa Khương Trung còn sắp bị thu hồi với giá đền bù 250.000 đồng/m2. Như trường hợp của nhà bà Đỗ Thị Hòa, bà Hòa cũng là nạn nhân từ việc làm sai quy định của chính quyền xã Khương Đình trước kia. Mảnh đất của bà Hòa không được xây dựng do nằm trong bản án 757, cả gia đình bà phải dựng lều lán ở tạm bợ như một khu “ổ chuột” hết sức nhếch nhác, bẩn thỉu.
 
Hiện hàng trăm hộ dân đã làm đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ việc vi phạm của bản án 757 trả lại quyền lợi ích hợp pháp cho người dân.

“Sơ suất của bản án”
 
Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Đặng Hồng Thái – Phó chủ tịch quận Thanh Xuân, ông Thái cho biết: “Câu chuyện ở Đầm Hồng đã kéo dài suốt 20 năm nay chúng tôi đã có kiến nghị lên thành phố, sở, ngành xem xét, Thực chất người dân ở đây là những người bị hại”.
 
Theo ông Thái, hiện khu vực Đầm Hồng có khoảng 300 hộ dân, khoảng 800 người đang sinh sống. Tất cả đều chưa ai được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất chứ chưa nói đến việc cấp sổ hộ khẩu. Chính điều này dẫn tới những khó khăn và bức xúc của người dân.
 
Ông Thái nhận định rằng, nguyên nhân của vụ việc kéo dài chính là do sơ suất của bản án 757, “Bản án tuyên thu hồi nhưng phải giao cho cấp thẩm quyền để thực hiện việc trả lại tiền cho người dân đã mua đất sai quy định của chính quyền xã Khương Đình. Vì không làm điều đó nên mới dẫn tới sự việc kéo dài và gây phức tạp. Nếu có thể sửa được bản án thì phải sửa”, ông Thái nói.
 
Cũng theo vị lãnh đạo quận Thanh Xuân, trong bản án có nói rằng thu hồi toàn bộ khu vực Đầm Sen, Đầm Hồng nhưng lại không rõ từng vị trí mốc giới, điều này cũng là sự bức xúc của hàng trăm hộ dân.
 
Hiện tại, phía quận Thanh Xuân đang rất tích cực đề nghị cơ quan cấp trên giải quyết vấn đề sử dụng đất tại khu vực Đầm Hồng cũng như kiến nghị quy hoạch lại khu vực hồ điều hòa và công viên cây xanh cho phù hợp với tình hình dân cư hiện tại.
 
 
Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo