Pháp luật

Hà Nội: Hơn 14.000 điện thoại bị nghe lén

Điện thoại bị theo dõi tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị, quay phim, chụp ảnh... toàn bộ dữ liệu được gửi về máy chủ của C.ty Việt Hồng.

Đó là kết quả thanh tra của đoàn thanh tra liên ngành gồm thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao- PC50 (Công an Hà Nội).

Theo đó, mới đây đoàn thanh tra đã thanh tra tại Công ty TNHH công nghệ Việt Hồng (đường Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) và phát hiện công ty này kinh doanh phần mềm ptraker.
Đây là phần mềm giúp người dùng có thể xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật- tắt 3G/GPRS của điện thoại bị giám sát.
 
Thậm chí người sử dụng còn có thể ra lệnh điều khiển từ xa điện thoại bị cài ptracker bằng cách nhắn tin tới điện thoại này.
 
Phần mềm theo dõi điện thoại quảng cáo tràn lan trên mạng
 
Nghiêm trọng hơn, toàn bộ dữ liệu sau khi được lấy từ điện thoại bị cài phần mềm đã được gửi về máy chủ của Công ty Việt Hồng. Tại đây, người công ty có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó.
 
Dù khách hàng có mua phần mềm hay chỉ cài bản dùng thử của phần mềm ptracker thì điện thoại đều bị chiếm quyền điều khiển.
 
Nếu khách hàng nộp tiền cho Việt Hồng công ty này sẽ cấp tài khoản để khách hàng xem, khai thác nội dung dữ liệu đó trên máy chủ.
 
Theo đại tá Lê Hồng Sơn- trưởng phòng PC50, số lượng tài khoản đã từng bị cài phầm mềm giám sát ptraker là khoảng 14.140 tài khoản. Trong đó, 7.447 tài khoản chưa bị xóa dữ liệu trong máy chủ của Công ty Việt Hồng; 670 tài khoản vẫn đang còn trong thời gian giám sát.
 
Đến nay, Công ty Việt Hồng đã thu lợi bất chính từ hoạt động phạm pháp này gần 1 tỷ đồng. Hiện nay cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra hoạt động của nhiều tổ chức, cá nhân nghi vấn khác.
 
Mới đây, Công ty an ninh mạng của Đức G Data cũng phát hiện ra mẫu điện thoại Star N9500 - một smartphone Android giá rẻ được sản xuất tại Trung Quốc có cài sẵn phần mềm gián điệp để đánh cắp thông tin của người dùng.
 
Công ty G Data cho biết sau khi nhận được nhiều lời than phiền từ người sử dụng smartphone, họ đã nghiên cứu và phát hiện sản phẩm này được cài sẵn Usupay.D, một phần mềm gián điệp Trojan nguy hiểm. Theo G Data, đây là trường hợp đầu tiên họ phát hiện phần mềm Trojan được cài trên một sản phẩm di động.
 
Trong giai đoạn thử nghiệm, G Data đã phát hiện phần mềm độc hại này gửi nhiều thông tin đến một máy chủ tại Trung Quốc nhưng G Data vẫn chưa đủ bằng chứng chắc chắn để khẳng định có nguồn gốc Trung Quốc, cũng như không rõ làm thế nào phần mềm Trojan này được cài lên smartphone.
 
Smartphone Star N9500 được thử nghiệm tại G Data.
 
Phần mềm này còn có thể điều khiển từ xa nhiều tính năng của smartphone nói trên, bao gồm việc kích hoạt camera, lại được cài đặt vào Firmware nên rất khó bị xóa khỏi điện thoại.
 
Hiện tại, thiết bị đang được bán với giá chỉ 217 USD (khoảng 4,5 triệu đồng) nhưng sở hữu cấu hình khá mạnh bao gồm chip lõi tứ MTK6589, màn hình 5 inch, camera chính 12 Mpx, chạy Android 4.2 trên nguồn pin 2100 mAh
 
Hồi cuối tháng 4, thượng tá Thành Kiên Trung - phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội - cho biết đơn vị này vừa triệt phá một ổ nhóm sử dụng phần mềm gián điệp tự động nhắn tin đến các đầu số của nhà mạng viễn thông để chiếm đoạt tiền của người sử dụng điện thoại di động.
 
Vị đại diện phòng PC50 cho biết, chiếm đoạt tiền trong tài khoản điện thoại bằng thủ đoạn lừa cài ứng dụng có chức năng tự động nhắn tin là thủ đoạn rất mới của loại tội phạm công nghệ cao. Đây cũng là vụ đầu tiên được cơ quan công an phát hiện, điều tra, làm rõ tại Việt Nam.
Báo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo