Hà Nội không được phép làm hỏng trục đường mang tính quốc thể
Thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý nguyên tắc cho Thành phố Hà Nội phát triển đồ án quy hoạch trục Nhật Tân - Nội Bài để triển khai đầu tư cũng như quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, đất đai hai bên tuyến đường theo quy hoạch, tạo dựng một trục đường mới hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế quan trọng cho phía Bắc sông Hồng nói riêng và Thủ đô nói chung đang lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận.
Giá đất tăng, người mua giảm
Sau khi cầu Nhật Tân khánh thành, nhà đất tại khu vực này đang có xu hướng tăng giá. Nay, giá nhà đất lại tiếp tục nóng lên bởi thông tin trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt thành phố Hà Nội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và quy hoạch, cơ chế đầu tư trục Nhật Tân - Nội Bài. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện đồ án quy hoạch chi tiết.
Theo khảo sát của PV vào ngày 6.3, tại một số xã của huyện Đông Anh giá nhà đất vẫn đang ở mức “hót”. Bà Nguyễn Thị Lợi (thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) cho biết, từ đầu năm đến nay đất khu vực này cũng đã có khách hỏi mua. “Hàng hot” vẫn thuộc về các ô đất trên mặt đường gom lên cầu Nhật Tân như thôn Ngọc Chi, Ngọc Giang (xã Vĩnh Ngọc) hiện có giá chào bán từ 50 - 70 triệu đồng/m2. Giá đất trong làng thuộc khu vực này cũng có giá trên 30 triệu đồng/m2. Cũng theo đánh giá của bà Lợi, từ ngày cầu Nhật Tân khánh thành thì lượng người đi mua nhà đất tại khu vực này ít đi. Một phần do số người có nhu cầu bán không cao, một phần người có đất đang chờ giá cao hơn mới rao bán.
Anh Hoàng Mạnh Hưng - một nhân viên môi giới nhà đất ở trên địa bàn - cho biết: Mặt bằng giá bất động sản khu vực này có cải thiện hơn khi những công trình hạ tầng đi vào sử dụng. Giá chào bán tăng so với năm 2014 vào khoảng trên 10%. Tuy nhiên, thị trường chưa thực sự khởi sắc trở lại. Nguyên nhân là do khu vực này còn hạn chế về các công trình tiện ích xã hội, công trình thương mại dịch vụ, trường học, bệnh viện chất lượng cao, công viên vui chơi giải trí…
Để đáp ứng cuộc sống đô thị hiện đại của huyện Đông Anh như khu ven trung tâm như Hà Đông, Mỹ Đình là chưa thể hình thành ngay trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, với sự quy hoạch đồng bộ về hạ tầng, các dự án chạy dọc tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp sắp thông xe, thì Đông Anh vẫn được xem là khu vực có nhiều tiềm năng trong tương lai không xa.
Đây là trục đường không được phép làm hỏng
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chiều tối ngày 6.3.2015, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN - đã khẳng định như vậy. Theo ông Chính, năm 2011 khi quy hoạch chung của Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt trên cơ sở đã mời và tham vấn các tư vấn nước ngoài cùng các chuyên gia tư vấn của VN để xây dựng quy hoạch thủ đô Hà Nội. Trong quy hoạch đó có bộ khung quy hoạch và hệ thống giao thông, từ giao thông hướng tâm đến giao thông vành đai. Tuyến được coi là quan trọng là tuyến Nhật Tân - Nội Bài, đây là tuyến nối quốc tế với Hà Nội, là trục cửa ngõ. Chính vì vậy nghiên cứu trục đường đó như thế nào để phù hợp với không gian của khu vực phía Bắc, phù hợp với tuyến giao thông đối ngoại quan trọng, một trung tâm mà Việt Nam có thể khoe được với thế giới về quy hoạch và kiến trúc của mình. Trục Nhật Tân - Nội Bài phải thể hiện được điều đó. Chính vì vậy khi thiết kế xây dựng trục này cần phải tạo được một không gian uyển chuyển, mà trong quy hoạch gọi là “Rồng chầu ngọc”.
Về triển vọng và cơ hội của trục đường Nhật Tân - Nội Bài, Giám đốc Sở KHĐT Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, hiện đã có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tìm hiểu đến việc đầu tư và các dự án thành phần của đô thị Nhật Tân - Nội Bài như bất động sản, trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, thậm chí ông này còn khẳng định: “Đây sẽ là khu vực rất hấp dẫn các nhà đầu tư”.
Đồng tình với quan điểm cơ hội mở ra với trục đường này là rất lớn, nhưng ông Trần Ngọc Chính cho rằng, Hà Nội cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quy hoach, đặc biệt là từ thực tế việc quy hoạch xây dựng các khu đô thị vệ tinh như Xuân Mai - Hòa Lạc; Sơn Tây - Miếu Môn… thời gian qua.
“Nên nhớ cái mà Thủ tướng xem xét chấp thuận mới chỉ là dự án quy hoạch thôi, để trở thành hiện thực thì phải xây dựng dự án cụ thể, trong dự án đó còn có nhiều hợp phần dự án khác nhau. Chính vì vậy, Hà Nội phải có sự tính toán kỹ, trên tinh thần phải làm sao có quy hoạch thật tốt, thống nhất quy hoạch, các dự án phải kết nối với nhau và đặc biệt là sau khi có quy hoạch được duyệt rồi mới được xây dựng dự án. Ở đây, câu chuyện về giải tỏa, đền bù, bảo vệ làng xã, tái định cư… như thế nào là cả một vấn đề lớn mà Hà Nội phải quản lý thật tốt, tránh trường hợp lợi dụng các chủ trương đầu tư để trục lợi. Cần phải quản lý chặt chẽ từng dự án một, từ công tác quy hoạch và lập kế hoạch đầu tư. Ban Quản lý dự án phải hoạt động hiệu quả, cơ chế chính sách phải hết sức rõ, phải làm thế nào để người dân hiểu được chính sách đó để ủng hộ và làm tốt trục đường này vì đây là trục đường có một không hai. Hà Nội không được phép làm hỏng, nếu chúng ta làm hỏng là có lỗi với đất nước vì trục đường này là trục đường mang tính quốc thể” - ông Chính nói.
Về lo ngại liệu có sự phát triển ồ ạt, thiếu hệ thống ở các khu đô thị men theo trục Nhật Tân - Nội Bài dẫn đến sự lãng phí như từng xảy ra với trục Thăng Long nối Hà Nội mới với Hà Nội cũ, ông Chính cho rằng, không đáng ngại. Theo ông Chính, trong tương lai trục Thăng Long vẫn rất cần nhưng hiện tại do khu vực Hòa Lạc chưa phát triển theo đúng nhịp độ quy hoạch, vì vậy dẫn đến tất cả các dự án bất động sản trên khu vực đó bị “chìm xuồng”. Trong khi đó trục không gian Nhật Tân - Nội Bài thì khác, đây là trục cửa ngõ đang ngày càng phát triển với một ga hành khách hơn hai chục triệu lượt hành khách mỗi năm và ngày càng tăng trong thời gian tới. Việc dự án quy hoạch tính đến trục Nhật Tân - Nội Bài là hiện thực rất rõ ràng.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo