Bốt thông tin du lịch tiền tỷ, nhà vệ sinh tiền tỷ và đề án tinh thần thể dục cho thấy rằng Hà Nội ngày càng lãng phí.
Nhằm mục đích cung cấp thông tin cho du khách khi đến Thủ đô, các điểm tra cứu thông tin du lịch đều được trang bị màn hình cảm ứng hiện đại với các tiện ích như bản đồ, tìm kiếm nhà hàng, khách sạn, địa điểm vui chơi giải trí, vị trí cây ATM, trạm xe bus... Tuy nhiên, rất ít người dân và du khách để ý đến sự tồn tại của những bốt thông tin du lịch này.
Sở VH-TT&DL Hà Nội đã đầu tư một số tiền không nhỏ để đưa các bốt thông tin du lịch đi vào vận hành. Kinh phí lắp đặt lên tới 10.000 USD/chiếc, chưa kể chi phí bảo dưỡng, thay mới. Tổng cộng, đã có hơn 40 bốt thông tin đã được lắp đặt để phục vụ du khách, tiêu tốn gần nửa triệu đô.
Tốn kém là thế nhưng từ khi chính thức ra mắt vào năm 2006, sau 8 năm tồn tại, đến nay có tới 80% số cây thông tin du lịch ngừng hoạt động. Giờ, các bốt thông tin dường như chỉ để lắp đặt biển quảng cáo, vẽ bậy của lũ trẻ hay may mắn hơn, là nơi trú mưa che nắng cho khách bộ hành.
Trước đó, khi phản ảnh về tình trạng này, đại diện Sở VH-TT&DL Hà Nội cho hay sẽ sửa chữa các bốt thông tin hư hỏng. Song, xem ra, kể cả khi các bốt này có được sửa chữa thì hiệu quả nó mang lại cũng không xứng với số tiền TP. Hà Nội đã đầu tư. Cũng may, dự án đã dừng lại (giai đoạn I dự kiến sẽ lắp đặt 70 trạm và giai đoạn II là 130 trạm), nếu không sự lãng phí sẽ vô cùng lớn.
Không chỉ thế, Hà Nội vẫn tiếp tục lãng phí đầu tư vào những đề án như xây nhà vệ sinh tiền tỷ và cần 19.500 tỷ cho tinh thần thể dục.
Hồi tháng 10/2013, Hà Nội đã quyết định đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng. Toàn bộ chi phí lấy từ tiền ngân sách của thành phố.
Trong khi đó, trên thành phố Hà Nội có 340 nhà vệ sinh công cộng trong đó có 236 nhà vệ sinh xây cố định, phân bố trong các ngõ xóm, khu tập thể cũ và 104 nhà vệ sinh bằng thép được đặt tại nơi công cộng, vui chơi giải trí, điểm chờ xe buýt...
Nhiều nhà vệ sinh không hoạt động hết công suất , khóa cửa cả ngày. Vậy nên dự án nhad vệ sinh đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận.
Mới đây, Hà Nội lại một lần nữa ghi dấu ấn về sự lãng phí của mình khi phê duyệt Quy hoạch phát triển Thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với kinh phí lên tới 19.500 tỷ đồng.
Trong đó, thành phố sẽ triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp, giải pháp để huy động các nguồn vốn, có cơ chế, chính sách cụ thể đối với từng phân đoạn đầu tư, các hình thức đầu tư, sử dụng có hiệu quả nguồn ODA và trợ giúp quốc tế.
Quyết định chiến lược này để thể hiện rõ quan điểm "Phát triển thể dục thể thao là một nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhằm tăng cường thể lực, nâng cao vóc dáng, giáo dục nhân cách, phát triển con người toàn diện, làm phong phú, lành mạnh đời sống tinh thần và lối sống của người dân Thủ đô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống".
Theo đó, tổng nhu cầu đất quy hoạch cho thể dục thể thao của Hà Nội đến năm 2020 là 1.834 ha và đến năm 2030 vào khoảng 4.000 ha. Đến năm 2020, đất dành cho hoạt động thể dục thể thao đạt chỉ số 2,3-2,5m2/người, đến năm 2030 khoảng 4m2/người.
Hà Nội cũng phấn đấu đạt mức 46% dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên vào năm 2030; đạt mức 40% tổng số hộ gia đình thể thao vào năm 2030.
Báo Đất Việt