Pháp luật

Hà Nội: Lộ nhiều sai phạm tại Trung tâm GDTX&DN quận Cầu Giấy

(DNVN) - Việc hợp tác giữa Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy với trường Đại học Sư phạm Hà Nội có nhiều khuất tất từ lúc chiêu sinh, ra văn bản sai thẩm quyền, vượt mặt cấp trên gây bức xúc dư luận.

Ra văn bản sai thẩm quyền

Năm 2015 các Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ đã ký các Thông tư liên tịch số 20, 21 và 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên của các hệ mầm non, tiểu học và trung học cơ sở là để phân cấp, thứ hạng giáo viên đánh giá theo tiêu chuẩn chung. Theo đó, các giáo viên muốn đạt tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì nhất thiết phải có chứng chỉ tiếng Anh A2 và chứng chỉ Ứng dụng Công nghệ thông tin.

Nhận thấy nhu cầu cần học và bồi dưỡng của cán bộ giáo viên, trường ĐHSP Hà Nội và Trung tâm GDTT&DN quận Cầu Giấy (TTGDTX&DN Cầu Giấy) đã ký kết với nhau Hợp đồng (HĐ) bồi dưỡng thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh A2 và chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin. Sau khi bản HĐ được ký kết trường ĐHSP Hà Nội đã ủy quyền Trung tâm GDTX&DN quận Cầu Giấy sẽ là đơn vị trung gian trong việc chiêu sinh cũng như tổ chức các lớp học cho người có nhu cầu.

Cùng với đó, trường ĐHSP Hà Nội đã ra văn bản số 1305/ĐHSPHN do GS, TS Nguyễn Văn Minh ký với nội dung: Trường ĐHSP Hà Nội đồng ý phối hợp với TTGDTX&DN Cầu Giấy tổ chức các lớp đào tạo và thi cấp chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin. Đối tượng tuyển sinh là Học sinh, sinh viên, cán bộ viên chức, công chức. Địa điểm học tại TTGDTX&DN Cầu Giấy và học vào các buổi tối.

Và chỉ bằng một thông báo như trên của Trường ĐHSP Hà Nội, Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy đã lấy đó làm “bùa hộ mệnh” để gửi cho các Phòng giáo dục các quận huyện trên địa bàn TP Hà Nội để “hợp thức hóa” các công văn mang tính chất “mệnh lệnh hành chính” của cơ quan quyền lực nhà nước gây bức xúc cho dư luận.

Theo đó, tại Công văn (CV) số 36/CV-GDTXCG do ông Đỗ Phú Việt-Giám đốc Trung tâm ký gửi cho Phòng Giáo dục quận Nam Từ Liêm với nội dung: Về việc rà soát nhu cầu học lớp bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và Tiếng Anh bậc 2 (A2).

Chỉ là đơn vị giáo dục sự nghiệp nhưng Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy lại "ngang nhiên" ra văn bản đề nghị cơ quan hành chính phải thực hiện (?!)

CV nêu “Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề Cầu Giấy kính đề nghị Phòng Giáo quận Nam Từ Liêm có ý kiến về các Trường mầm non, Tiểu học, THCS đồng ý để Trung tâm được phối hợp với các đơn vị rà soát những cán bộ, giáo viên chưa đạt điều kiện nâng ngạch…”

Vậy, Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy chỉ là một đơn vị giáo dục sự nghiệp không phải là một cơ quan quyền lực nhà nước thì việc ra văn bản đề nghị một đơn vị khác rà soát hay yêu cầu thì liệu có đúng luật?

Cụ thể, tại Quyết định số 01/2007-BGDĐT về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDTX của Bộ trưởng Bộ GDĐT đã nêu rõ nhiệm vụ của Trung tâm giáo dục thường xuyên là “Điều tra nhu cầu học tập trên địa bàn, xác định nội dung học tập, đề xuất với Sở giáo dục, chính quyền địa phương việc tổ chức các chương trình và hình thức học phù hợp với từng loại đối tượng”…

Trả lời cho vấn đề này, ông Đỗ Phú Việt Giám đốc trung tâm cho rằng: “Trung tâm hoạt động theo quyết định thành lập của UBND TP Hà Nội”. Nhưng khi PV hỏi lại về chức năng và nhiệm vụ chính của Trung tâm thì ông Việt lại viện dẫn những điều mà PV vừa đọc tại cho Quyết định số 01 như ở trên.

Ngoài CV gửi cho phòng Giáo dục quận Nam Từ Liêm thì TTGDTX&DN Cầu Giấy còn gửi CV tới các Phòng giáo dục quận huyện khác trong TP Hà Nội như: quận Thanh Xuân, quận Bắc Từ Liêm, quận Hoàng Mai, quận Tây Hồ, huyện Đông Anh…

 

CV của Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy gửi cho Phòng giáo dục 2 quận Bắc Từ Liêm và Tây Hồ.

“Mập mờ” sử dụng phiếu thu

Theo bản Hợp đồng được ký kết giữa Trường ĐHSP Hà Nội với TTGDTX&DN Cầu Giấy đã ghi rõ các điều khoản cũng như trách nhiệm thuộc về mỗi bên tham gia ký kết. Trong đó, việc thu kinh phí cũng đã được nêu rõ tại các điều khoản được quy định trong Hợp đồng. Và như thế, kinh phí mà mỗi học viên phải đóng khi tham gia lớp Bồi dưỡng và thi cấp chứng chỉ A2 tiếng Anh sẽ là 3,100,000 đồng. 

Cụ thể, trường ĐHSP Hà Nội là đơn vị đào tạo sẽ thu 2,700,000 đồng/người, là tiền mà mỗi học viên phải nộp,bao gồm các khoản chi cho Kinh phí bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ. Theo đó, biên lai thu tiền này là do trường ĐHSP Hà Nội cung cấp cho Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy thu dưới sự ủy quyền của trường ĐHSP Hà Nội (?!)

Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy lại “ngang nhiên” sử dụng các phiếu thu do mình xuất ra cho cho 3,100,000 đồng/người thay vì phiếu thu cho 400,000 đồng/người theo đúng hợp đồng đã ký. (?!)

Đối với Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy là đơn vị liên kết với trách nhiệm tổ chức lớp học, lo cơ sở vật chất, khai giảng, bế giảng, văn phòng phẩm, phối hợp quản lý, xác nhận giờ giảng… sẽ được hưởng 400,000 đồng/người là tiền thu để phục phụ cho các công tác nói trên. Và phiếu thu cho những kinh phí này sẽ do Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy xuất ra.

Nhiều nghi vấn có hay không sự “mập mờ” trong việc xuất phiếu thu để nhằm mục đích “trục lợi” cá nhân (?!)

Mặc dù những điều khoản này đã được quy định rất rõ trong Hợp đồng nhưng Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy lại “ngang nhiên” sử dụng các phiếu thu do mình xuất ra cho cho 3,100,000 đồng/người thay vì phiếu thu cho 400,000 đồng/người theo đúng quy định.

 

Việc xuất phiếu thu này của Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy là sai với những điều khoản đã được ghi trong HĐ số 1591/HĐĐT-BD và gây ra nhiều nghi vấn có hay không sự “mập mờ” trong việc xuất phiếu thu để nhằm mục đích “trục lợi” cá nhân. (?!)

Vượt mặt cấp trên?

Tại Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong đó quy định rõ Sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, chỉ đạo trung tâm giáo dục thường xuyên.

Việc “cố tình vượt mặt cấp trên” này là nhằm mục đích gì? Hay CV này chỉ nhằm đối phó với cơ quan ngôn luận?

Theo HĐ liên kết đào tạo giữa Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy với trường ĐHSP Hà Nội đã được triển khai từ cách đây mấy tháng. Cụ thể đối với HĐ Bồi dưỡng và thi cấp chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin số 1379/HĐĐT-BD được ký ngày 5/10/2016 và thời gian thực hiện của HĐ là từ ngày 10/10/2016 – 30/20/2016.

 

Thế nhưng, theo văn bản PV được Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy cung cấp thì đến ngày 27/10/2016 Trung tâm mới gửi CV số 25/CV-GDTXCG tới Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội do Giám đốc Đỗ Phú Việt ký. 

Ông Đỗ Phú Việt Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề Cầu Giấy trong buổi làm việc với PV.

Nội dung văn bản nêu rõ, “Trung tâm báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về công tác quản lý đào tạo, thực hiện tiến độ, nội dung và chương trình bồi dưỡng thi và cấp chứng chỉ với Trường ĐHSP Hà Nội, rất mong nhận được sự đồng ý, tạo điều kiện của Sở GD&ĐT Hà Nội”.

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy lại cho rằng đây chỉ là văn bản báo cáo để Sở nắm được còn Sở không cần phải ra văn đồng ý hay không. (?!)

Như vậy, Trung tâm GDTX&DN đã cố tình “vượt mặt” cấp trên trong việc liên kết đào tạo với trường ĐHSP Hà Nội cụ thể là tại CV số 25 do Giám đốc Đỗ Phú Việt ký. Việc liên kết đào tạo giữa TTGDTX&DN Cầu Giấy với Trường ĐHSP Hà Nội đã thực hiện trước đó gần một tháng trời và HĐ bồi dưỡng môn Ứng dụng Công nghệ thông tin chỉ còn 3 ngày nữa là hoàn thành khóa học. Và việc “cố tình vượt mặt cấp trên” này là nhằm mục đích gì? Hay CV này chỉ nhằm đối phó với cơ quan ngôn luận?

 

Với hàng loạt sai phạm diễn ra tại Trung tâm GDTX&DN Cầu Giấy, Doanh nghiệp Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng TP Hà Nội vào cuộc làm rõ có hay không lợi ích nhóm và trách nhiệm của Giám đốc TTGDTX&DN Cầu Giấy trong việc ra văn bản sai thẩm quyền, vượt mặt cấp trên, thu tiền sai nguyên tắc…

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin ./.

Hoàng Nguyên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo