Hà Nội nóng nhất trong hơn 40 năm qua
- Ông đánh giá thế nào về đợt nắng nóng hiện nay ở miền Bắc và miền Trung?
- Theo chuỗi số liệu cùng thời kỳ tháng 5 từ năm 1971 đến nay tại Trung Bộ, những năm có số ngày nắng nóng nhiều là 1977, 1983 (20-22 ngày), 1987 (22-24 ngày), 1997 (15-17 ngày), 2005 (19-21 ngày). Các năm này đều xảy ra hiện tượng El Nino làm thay đổi đáng kể nhiệt độ mặt nước biển ở vành đai nhiệt đới của Thái Bình Dương.
Miền Trung đến hôm nay đã trải qua 28 ngày nắng nóng (ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35 độ C) và dự kiến còn kéo dài. Như vậy có thể khẳng định từ năm 1971 đến nay, đây là đợt nắng nóng dai dẳng nhất diễn ra trong tháng 5. Xét về giá trị nhiệt độ cao nhất thì trong các ngày vừa qua, cao nhất mới đo được trong ngày 28/5 là 41,5 độ tại Tây Hiếu (Nghệ An), trong khi đó giá trị nhiệt độ cao nhất cùng thời kỳ tháng 5 trong lịch sử tại đây là 41,6 độ C. Tại miền Bắc, nhiệt độ cao nhất ngày 28/5 tại trạm Láng (Hà Nội) là 40,3 độ C. Đây là giá trị cao nhất trong chuỗi số liệu từ năm 1971 tới nay. Tuy nhiên, kỷ lục ghi nhận tại Hà Nội trong cùng thời kỳ tháng 5 là 42,7 độ C, xảy ra năm 1926.
- Nhiệt độ cao nhất cơ quan khí tượng ghi nhận là 40-41 độ C, nhưng người dân đo thực tế luôn cao hơn. Theo ông, vì sao có sự chênh lệch này?
- Chúng tôi xin nhấn mạnh, nhiệt độ cơ quan khí tượng thông báo là căn cứ vào số liệu được đo kỹ thuật trong lều khí tượng, cách mặt đất khoảng 2 m. Do vậy nếu đo ở ngoài trời, đặc biệt là ở các khu đô thị, nơi mặt đệm có nhiều bê tông sắt thép thì nhiệt độ sẽ cao hơn so với đo trong lều khí tượng khoảng 3-4 độ C.
- Tại sao năm nay miền Bắc và miền Trung lại nóng như vậy?
- Nguyên nhân của đợt nắng nóng hiện nay là hoạt động của áp thấp nóng phía tây, có vùng trung tâm ở khu vực Ấn Độ và Myanmar. Không riêng gì nước ta mà các nước như Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan và một số nước lân cận cũng chịu ảnh hưởng của nắng nóng. Còn nguyên nhân sâu sa của nắng nóng là hiện tượng El Nino đang diễn ra khiến nhiệt độ mặt nước biển ở Thái Bình Dương ấm lên, gây ra thời tiết nóng nực, khô hạn khắp châu Á.
- Dự báo những ngày tới mức độ nóng sẽ như thế nào?
- Trong các ngày 29-30/5, Bắc Bộ duy trì tình trạng nắng nóng gay gắt với mức nhiệt cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Ngày 31/5 nắng nóng sẽ tạm thời gián đoạn, nhưng sang đến 1/6 sẽ gia tăng trở lại với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C. Khu vực Trung Bộ trong các ngày 29-30/5 tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ phổ biến từ 37-40 độ C, vùng núi trên 40 độ C. Từ ngày 31/5 nhiệt độ ở các tỉnh Trung Bộ có xu hướng giảm nhẹ, nhưng cao nhất ngày vẫn phổ biến 35-38 độ C. Sau đó, từ ngày 3/6 nhiệt độ lại có xu hướng tăng lên từ 1-2 độ C. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ không còn nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C.
- Tháng 5 thường nóng nhất, sang tháng 6 và 7 sẽ như thế nào?
- Theo nhận định của chúng tôi, nền nhiệt độ trung bình trong tháng 6/2015 trên phạm vi toàn quốc sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 1 đến 2 độ C, trong đó tại các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ sẽ là những nơi cao nhất so với các khu vực khác. Do vậy, khả năng trong tháng 6, Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ tiếp tục có số ngày nắng nóng nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, trong tháng 6 và tháng 7, các tỉnh Trung Bộ sẽ còn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng (ngày có nhiệt độ trên 35 độ C), có thể kéo dài liên tục, hoặc chỉ có thể giảm nhẹ cường độ trong 1-2 ngày sau đó quay trở lại. Để chủ động phòng tránh các hiện tượng thời tiết nguy hiểm bất thường, chúng tôi khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo và dự báo thời tiết được phát liên tục trên phương tiện thông tin đại chúng. Bởi những hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc… thường xuất hiện rất nhanh, từ lúc hình thành đến lúc kết thúc chỉ khoảng vài giờ và ở quy mô nhỏ, nếu không chủ động cập nhật thông tin thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo