Xã hội

Hà Nội sẽ bán đấu giá gỗ thu hồi khi cắt sửa, thay thế cây xanh

(DNVN) - UBND TP. Hà Nội vừa ban hành công văn 1403/UBND-XDGT, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã xử lý gỗ, củi thu hồi khi thực hiện cắt sửa, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố.

Theo nội dung công văn, UBND TP nhận được tờ trình của liên Sở Tài chính - Xây dựng về việc xử lý gỗ, củi thu hồi khi thực hiện cắt sửa, thay thế cây xanh trên địa bàn thành phố. Sau khi xem xét, UBND TP chấp thuận nguyên tắc đề nghị của liên sở, đồng thời giao Sở Xây dựng, UBND quận, huyện, thị xã khi thực hiện cắt sửa, thay thế cây xanh trên địa bàn theo phân cấp quản lý có trách nhiệm tổ chức thu hồi, đo đạc khối lượng, phân loại gỗ, củi và xử lý gỗ, củi.

Hà Nội sẽ bán đấu giá nộp ngân sách gỗ thu hồi khi cắt sửa, thay thế cây xanh. Nguồn: Internet.

Cụ thể, đối với gỗ thu hồi (gỗ tròn nguyên khai có đường kính đầu nhỏ từ 10cm đến dưới 20cm, chiều dài từ 1m trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20cm trở lên, chiều dài từ 30cm trở lên), Sở Xây dựng, UBND quận, huyện, thị xã theo phân cấp có trách nhiệm tổ chức bán đấu giá.

Riêng đối với gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm, không phân biệt kích thước giao Sở Xây dựng thu hồi, đo đạc khối lượng, bảo quản và tổ chức bán đấu giá trên toàn địa bàn thành phố; trình tự, thủ tục bán đấu giá thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về bán đấu giá tài sản nhà nước.

Đối với củi thu hồi (củi được khai thác từ thân gỗ, là bộ phận của thân gỗ, có kích thước nhỏ hơn đối với gỗ thu hồi hoặc là gỗ phế liệu, không có giá trị sử dụng, chỉ có thể sử dụng làm nhiên liệu), cho phép Sở Xây dựng, UBND quận, huyện, thị xã tổ chức bán thanh lý, xử lý như vật tư, phế liệu thu hồi ngay sau khi cắt sửa, thay thế cây xanh để giảm thiểu thời gian xử lý, tiết kiệm chi phí vận chuyển, bảo quản, tổ chức bán đấu giá. Các Sở Xây dựng, Tài chính thống nhất ban hành công bố giá củi hàng quý làm cơ sở xác định giá bán theo quy định.

UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng, UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thành lập các bộ phận kiểm tra, giám sát, xác định khối lượng gỗ, củi, đảm bảo chính xác, tránh thất thoát.

Liên quan đến số tiền thu được từ bán gỗ, củi thu hồi, sau khi trừ chi phí hợp lý theo quy định của pháp luật phải nộp vào ngân sách thành phố (đối với cây xanh do thành phố quản lý và cây xanh thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm) hoặc ngân sách quận, huyện, thị xã (đối với cây xanh do quận, huyện, thị xã quản lý) theo phân cấp. Sở Tài chính, UBND quận, huyện, thị xã theo phân cấp quản lý có trách nhiệm phê duyệt dự toán chi phí hợp lý làm cơ sở thanh, quyết toán theo quy định.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo