Hà Nội sẽ xử lý ô nhiễm môi trường ở 50 làng nghề
Tin tức trên báo Pháp luật& Xã hội, TP Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề phân bố không đều. Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của nhân dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề.
Kết quả quan trắc, phân tích chất lượng môi trường tại 22 làng nghề với tần suất 2 đợt/năm cho thấy hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn.
Những năm gần đây, khu vực làng nghề của TP Hà Nội gia tăng nhanh chóng về số lượng. Riêng giai đoạn 2010- 2015, Hà Nội đã có thêm 70 làng nghề. Sự phát triển nhanh của các làng nghề đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội chung của Thủ đô. Tuy nhiên, ngược với sự tăng trưởng về số lượng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn chưa cải thiện.
Theo quan sát thực tế, hàng loạt các con sông chảy qua làng lụa Vạn Phúc, xã nghề dệt Dương Nội (Hà Đông) như sông Nhuệ, sông Đáy đã trở thành sông chết. Nước thải có chứa hóa chất như sút, jave… trong các công đoạn dệt, nhuộm, in hoa không được xử lý, xả thải trực tiếp ra hệ thống cống, sông, ngòi, sau nhiều năm tích tụ và không được xử lý triệt để khiến nước đổi màu, bốc mùi.
Tại làng nghề Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín không chỉ nguồn nước bị ô nhiễm mà không khí của làng nghề cũng bị ô nhiễm. Là làng nghề chuyên chế tác sừng, xương mỹ nghệ, người dân thu mua da, sừng, xương, móng trâu, bò khắp mọi nơi, thậm chí nhập khẩu từ châu Phi về chế biến.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nặng nề, Hà Nội đang tập trung thực hiện bảo vệ môi trường làng nghề nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 50 làng nghề. Báo Vietnamplus thông tin.
Trước mắt, thành phố bố trí, huy động vốn để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án xử lý nước thải làng nghề; xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ để từng bước cải thiện chất lượng môi trường.
Đồng thời, thành phố quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư; xây dựng kế hoạch triển khai chính sách khuyến khích phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2016-2020; nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình “Hệ thống quản lý môi trường tại làng nghề” và hoàn thành “Đề án bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.”
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Phạm Văn Khánh cho biết từ năm 2016, thành phố sẽ xem xét đưa các điều kiện vệ bảo vệ môi trường đã được quy định là tiêu chí bắt buộc trong việc công nhận các làng nghề và coi công tác bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí để đánh giá việc phát triển của làng nghề.
Thành phố khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; triển khai thu các loại phí bảo vệ môi trường đối với các hộ, cơ sở trong làng nghề nhằm tạo nguồn thu cho việc khắc phục ô nhiễm môi trường và xây dựng các công trình xử lý chất thải trên địa bàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo