Hà Nội: Siết chặt quản lý hoạt động mua bán động vật hoang dã
Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã (ĐVHD) tại các thành phố như Hà Nội ngày càng lớn, đặc biệt trong dịp tết Nguyên Đán đang đến gần. Chính vì vậy, thời gian qua, Hà Nội đã tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu và đẩy lùi các hoạt động làm gia tăng tội phạm về buôn bán trái phép ĐVHD.
Nhiều cơ sở ăn uống vi phạm
Theo Kết quả khảo sát các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa công bố, năm 2014 mức độ các vi phạm về tiêu thụ ĐVHD tại Hà Nội được đánh giá là khá phổ biến. Theo đó, trong tổng số 1.921 cơ sở kinh doanh đã khảo sát trên địa bàn 6 quận của Hà Nội (bao gồm: Quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm,Tây Hồ, Cầu Giấy và Long Biên) phát hiện 408 cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm (chiếm 83%), chủ yếu tại các nhà hàng.
Qua đó, cơ quan chức năng tại 6 quận trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xử lý thành công 209 trong tổng số 408 cơ sở có dấu hiệu vi phạm tại Hà Nội, đạt tỷ lệ 51%. Trong đó, quận có số lượng các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm về ĐVHD cao nhất là Long Biên (chiếm 42%). Quận Cầu Giấy đứng thứ hai với tỷ lệ là 28%, cao hơn nhiều so với các quận được khảo sát năm 2013. Như vậy, cứ 10 cơ sở kinh doanh tại Hà Nội thì có tới 2 cơ sở có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ ĐVHD.
Cùng với đó, báo cáo của ENV cũng cho thấy, năm 2014 có 29 vụ việc có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hành vi nuôi nhốt, bán hoặc quảng cáo các cá thể ĐVHD còn sống được đơn vị này thông báo tới cơ quan chức năng thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ 31% số vụ việc nêu trên được xử lý thành công, dù các cơ quan chức năng đã có phản hồi cho toàn bộ các vụ việc được thông báo. Như vậy, tỷ lệ các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống được xử lý thành công thậm chí còn thấp hơn so với kết quả tương tự trong năm 2013 (34,7%).
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, dấu hiệu vi phạm phổ biến nhất liên quan đến các cá thể ĐVHD còn sống là hành vi nuôi nhốt một số loài như cu li, khỉ và mèo rừng. Một số trường hợp người vi phạm đã kịp thời tẩu tán hoặc cất giấu cá thể ĐVHD khi cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra.
Trước tình trạng trên, các chuyên gia môi trường cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của thủ đô làm gia tăng nhu cầu sử dụng và chuyển đổi tài nguyên trong đó có tài nguyên sinh vật (động thực vật hoang dã, gỗ quý..). Điều này dẫn đến việc săn bắn và buôn bán trái phép ĐVHD vẫn diễn ra khiến nhiều loài ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng.
Xử lý “mạnh tay” với hành vi phạm tội
Theo ông Hoàng Đức Vĩnh, Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, qua nắm tình hình và điều tra cơ bản cho thấy Hà Nội có nhiều tuyến phố giao thông huyết mạch, là địa bàn gây nuôi, trung chuyển, đồng thời cũng là địa bàn tiêu thụ ĐVHD quý hiếm lớn trong cả nước. Đây cũng chính là địa bàn các đối tượng lợi dụng hoạt động buôn bán, vận chuyển ĐVHD quý hiếm với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho công tác phòng ngừa đấu tranh trong lĩnh vực này. Trong khi đó, lực lượng cán bộ chiến sĩ trong lĩnh vực này còn mỏng, dàn trải, kinh nghiệm còn hạn chế dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.
Mặt khác, các loại sản phẩm, chế phẩm từ ĐVHD là mặt hàng đem lại lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng phạm tội đã bất chấp khung xử phạt và vẫn vi phạm. Cùng với đó, hệ thống các văn bản pháp luật mặc dù được sửa đổi, bổ sung nhưng thực tế còn thiếu và chưa đồng bộ đã tạo nhiều lỗ hổng để đối tượng lợi dụng hoạt động.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT hà Nội cho rằng: Để ngăn chặn tình trạng gia tăng buôn bán, sử dụng các loài ĐVHD cần tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền; thiết lập quy định chặt chẽ, cấm xuất khẩu, mua bán một số loài ĐVHD quý hiếm và các chế phẩm của chúng. Các cơ quan quản lý cần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng như công an, kiểm lâm, quản lý thị trường trong việc xử lý các dấu hiệu vi phạm được thông báo từ người dân. Đồng thời, xây dựng các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức nhằm giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ ĐVHD qua các kênh truyền thông đại chúng như tivi, đài, báo…
Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, việc buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD vẫn là vấn nạn không của riêng quốc gia nào, nhất là những nước có nguồn sinh học đa dạng như ở Việt Nam. Chính lợi nhuận khổng lồ này đã khiến cho việc chống lại các hoạt động buôn bán bất hợp pháp các ĐVHD nguy cấp ở Việt Nam trở nên phức tạp. Tuy nhiên, để xử lý triệt để tình trạng trên không phải dễ, bởi các văn bản pháp luật về bảo tồn ĐVHD nguy cấp, quý hiếm đang có những vướng mắc nên việc xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm còn ít so với số lượng các vụ vi phạm được phát hiện.
Bởi vậy, để làm tốt công tác quản lý và ngăn chặn loại tội phạm này, ngoài biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức, cùng với đó là kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có chế tài xử phạt mạnh mới góp phần ngăn chặn được nạn buôn bán, vận chuyển ĐVHD trái phép. Đồng thời, cần sửa đổi và có các quy định chặt chẽ về tội phạm buôn bán các loài trong Bộ luật Hình sự để xử lý triệt để các vi phạm, góp phần bảo vệ có hiệu quả các loài ĐVHD tại Việt Nam.
Theo Tài nguyên và Môi trường
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo