Hà Nội tập trung giải quyết ô nhiễm sông Nhuệ, Đáy
Từ nay đến cuối năm, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các ngành chức năng rà soát, lập danh mục 15 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (trong đó có 7/15 cơ sở là bệnh viện) để tổng hợp, báo cáo thành phố chỉ đạo, xử lý triệt để trong các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án giải quyết nạn ô nhiễm môi trường tại khu vực này.
Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thực hiện "Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2008-2012, Hà Nội đã hoàn thành công tác điều tra cơ bản, kiểm soát ô nhiễm trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; khảo sát, đánh giá hiện trạng chất lượng nguồn nước và đo đạc, cắm mốc giới lưu vực sông.
Đối với công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 582 dự án, cơ sở hoạt động trên lưu vực sông; đồng thời ủy quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục xác nhận việc thực hiện các yêu cầu tại quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 34 dự án; phê duyệt 171 đề án bảo vệ môi trường và đề án bảo vệ môi trường chi tiết. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tiến hành kiểm tra sau phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của 210 cơ sở.
Từ năm 2009-2011, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra, thanh tra 1.100 cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý vi phạm hành chính 415 cơ sở với tổng số tiền xử phạt gần 9,4 tỷ đồng.
Qua kiểm tra cho thấy, ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các chủ doanh nghiệp trên địa bàn còn chưa cao. Không ít doanh nghiệp chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất mà chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, trong khi đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các dự án xử lý nước thải tập trung còn hạn chế. Việc huy động các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng công trình xử lý nước thải còn nhiều khó khăn, điều kiện cho vay phức tạp nên tiến độ thực hiện các dự án này còn rất chậm.
Về kết quả xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn thành phố có 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để (trong đó có 19 cơ sở nằm trên lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy).
Đến nay, 24 cơ sở đã cơ bản khắc phục được tình trạng ô nhiễm và đã có quyết định chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để, chỉ còn hai cơ sở (Bệnh viện Đống Đa và Công ty cồn rượu Hà Nội) đang trong quá trình vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước thải và lập hồ sơ chứng nhận hoàn thành theo quy định.
Trần Nguyên (Theo Vietnam+)
End of content
Không có tin nào tiếp theo