Xã hội

Hà Nội: Thí sinh thích thú với đề thi tổ hợp Khoa học Xã hội

DNVN- Ngày thi cuối cùng (27/6), hết giờ thi nhiều thí sinh phấn khởi ra khỏi trường thi và cho biết đề vừa phải, các kiến thức bám sát chương trình sách giáo khoa và có liên hệ thú vị đến thực tế. Mặc dù thời tiết mưa cũng không ngăn được nụ cười rạng ngời của các em.

Buổi thi cuối với tổ hợp Khoa học Xã hội, thời tiết mưa cũng không ngăn được nụ cười rạng ngời của các em. Ảnh: Ánh Tuyết.

Đề các môn thi trong bài thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội có các câu hỏi gây nhiễu tốt, ngoài đánh giá được kiến thức còn đánh giá được cả kỹ năng của thí sinh - đó là nhận xét của nhiều thí sinh được P.V ghi nhận tại điểm thi trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.

Nguyễn Thị Ngọc Anh - học sinh THPT Nguyễn Tất Thành, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào Học viện Báo chí và tuyên truyền, chia sẻ: Em làm bài khá tốt, đề Lịch sử ra nhiều trong giai đoạn từ 1945 – 1975. Chỉ có một số câu hơi gây nhiễu đáp án, nhưng đọc kỹ sẽ làm được. Em nghĩ mình chắc chắn được 7 – 8 điểm, nhưng mục tiêu của em đề ra cao hơn.

Còn thí sinh Dương Quỳnh Anh (THPT Nguyễn Tất Thành) nhận xét, đề thi môn Lịch sử rải đều kiến thức của lớp 12, ngoài đòi hỏi lượng kiến thức nhiều buộc thí sinh phải hiểu sâu các sự kiện, diễn biến của lịch sử, có khả năng phân tích, tổng hợp từ những dữ kiện trong câu hỏi mới có thể chọn được đáp án đúng.

“Các đáp của câu hỏi, trong 4 phương án, ngoài 2 phương án sai thì phương án đúng sẽ na ná phương án còn lại, nếu thí sinh không nắm được bản chất của sự kiện lịch sử thì rất dễ bị nhầm lẫn. Nếu bạn nào chỉ trông chờ vào học tủ, học thuộc lòng thì khó có điểm cao” - Quỳnh Anh cho hay.

Atlat không chỉ là trợ thủ đắc lực trong phòng thi mà còn là vị cứu tinh khi ra khỏi phòng thi của thí sinh Hà Nội. Ảnh: Ánh Tuyết.

Với môn Địa lý, theo thí sinh Nguyễn Phương Anh (THPT Lý Thái Tổ), ở một số câu hỏi nếu thí sinh không nắm vững kiến thức và kỹ năng thì dù có Atlat cũng không thể khai thác được để làm bài. Dù không phải bẫy nhưng nếu không đọc kỹ đề, thí sinh có thể bị nhầm lẫn.

 

Hầu hết các HS có học lực khá trở lên đều thích thú với cách gây nhiễu này của đề thi, cho rằng đó cũng là cách để đánh giá khả năng và tư duy của thí sinh. Đó cũng là lý do mà thí sinh Nguyễn Minh Anh (THPT Cầu Giấy) nhận xét rằng, đề thi môn Địa lý dễ lấy điểm hơn do thí sinh có thể tận dụng Atlat để làm khoảng 40% câu hỏi, thêm sự hiểu biết và vận dụng kiến thức xã hội nữa là đã làm được ít nhất 70% nội dung đề.

Với đề thi môn Giáo dục Công dân, hầu hết các thí sinh có chung nhận định rằng các câu hỏi tình huống là những câu hỏi có tính chất phân loại, nếu thí sinh không chú ý đọc kỹ thì sẽ dễ bị nhầm lẫn và mất điểm đáng tiếc.

Kết thúc buổi thi, các thí sinh nhận định đề tổ hợp Khoa học Xã hội vừa sức, nhẹ nhàng. “Đề thi môn Lịch sử có sự phân hóa cao, nhưng không quá khó. Những thí sinh chỉ thi lấy điểm xét tốt nghiệp THPT hoàn toàn có thể đạt điểm trung bình. Đề thi Địa lý vừa phải, còn đề môn Giáo dục công dân theo em thấy là khá dễ, nằm trong chương trình sách giáo khoa”, em Nguyễn Thanh Hà (THPT Lương Thế Vinh) cho biết.

Nên đọc
 
Hoàng Tuyết
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo