Xã hội

Hà Nội: Tổng kết 5 năm thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của người lao động

Ngày 15/8, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm công tác tổ chức đại hội công nhân viên chức (CNVC), hội nghị cán bộ công chức (CBCC) và hội nghị người lao động (NLĐ) tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô

Hội nghị nhằm tổng kết những kết quả đạt được, phân tích những khó khăn, tồn tại để từ đó đề ra các giải pháp nhằm thực hiện các quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, xây dựng và phát triển doanh nghiệp bền vững

 
Trong những năm qua, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Thủ đô và đất nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó nhân dân và CNVCLĐ Thủ đô đã vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá. Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao ở tất cả các ngành, các khu vực.
 
Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội thành phố có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ CNVCLĐ, trong đó có sự phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người lao động. UBND và Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố đã chỉ đạo các cấp chính quyền, công đoàn và các đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện việc tổ chức đại hội CNVC, hội nghị CBCC và hội nghị NLĐ theo qui định của Chính phủ nhằm huy động trí tuệ tập thể của CNVCLĐ giúp các đơn vị, doanh nghiệp có các giải pháp khắc phục khó khăn, từng bước ổn định, phát triển và góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
 
Theo báo cáo của LĐLĐ thành phố Hà Nội, hàng năm, trên địa bàn thành phố có gần 90% đơn vị tổ chức đại hội CNVC, hội nghị CBCC và hội nghị NLĐ. Trong đó có trên 96% đơn vị tổ chức đại hội CNVC, hơn 99% đơn vị tổ chức hội nghị CBCC và gần 62% đơn vị tổ chức hội nghị NLĐ. Trong quá trình tổ chức đại hội và hội nghị, các đơn vị đã gắn với việc phát động thi đua, trọng tâm là các phong trào thi đua giành danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Người tốt – Việc tốt”… hướng vào việc giải quyết khó khăn, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh, chỉ tiêu kinh tế, xã hội hàng năm.
 
Hội nghị NLĐ tại các công ty cổ phần, công ty TNHH giai đoạn 2009 – 2013 đã có nhiều chuyển biến. Tuy các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng số lượng các đơn vị tổ chức hội nghị NLĐ năm sau đều cao hơn năm trước. Tại thời điểm năm 2008, trước khi có sự phối hợp giữa UBND và LĐLĐ thành phố, hầu như không có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nào tổ chức hội nghị NLĐ, nhưng đến năm 2013 con số này đã là 48,4%. Chất lượng các hội nghị NLĐ ngày càng được nâng cao. Tại nhiều đơn vị, bầu không khí dân chủ thực sự được xây dựng, NLĐ nhiệt tình tham gia đóng góp ý kiến, trong đó tập trung thảo luận các biện pháp, đề xuất các sáng kiến nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, kiến nghị các biện pháp nhằm nâng cao các chế độ phúc lợi, đề đạt tâm tư, nguyện vọng với người sử dụng lao động… Các ý kiến của NLĐ đều đã được lãnh đạo doanh nghiệp tiếp thu, giải đáp đầy đủ và đưa ra lộ trình thực hiện các kiến nghị khi đã được nhất trí.

Mặc dù đã đạt được những chuyển biến tích cực, song theo đánh giá của LĐLĐ thành phố Hà Nội, công tác chỉ đạo, tổ chức đại hội CNVC, hội nghị CBCC và hội nghị NLĐ trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và đưa pháp luật vào cuộc sống, Chính phủ cần sớm ban hành chế tài đủ mạnh đối với các đơn vị không thực hiện đúng qui định về thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, nhất là đối với các công ty cổ phần, công ty TNHH ngoài Nhà nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 71/1998/NĐ-CP ngày 8/9/1998 của Chính phủ ban hành qui chế thực hiện dân chủ trong cơ quan vì văn bản pháp luật này đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân tại đơn vị hành chính sự nghiệp (trong đó có cơ quan xã, phường, thị trấn) và các đơn vị có vốn thuộc sở hữu Nhà nước trên 50% ./.
 
 
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo