Hà Nội xây dựng bộ quy tắc ứng xử
Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Hà Nội vừa trình UBND TP dự thảo bộ quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư.
Trao đổi với phóng viên ngày 29-10, ông Tô Văn Động, giám đốc Sở VH-TT & DL Hà Nội, cho biết ngày 30-10 UBND TP và các sở, ngành sẽ tiếp tục bàn, cho ý kiến đối với nội dung bộ quy tắc ứng xử.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT & DL, dự thảo bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội gồm các chuẩn mực ứng xử chung và các chuẩn mực ứng xử cụ thể được áp dụng cho sáu nhóm đối tượng khác nhau trên địa bàn TP Hà Nội như cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khu dân cư, nơi công cộng. Đây là đề án từng được trao giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội (giải thưởng Bùi Xuân Phái) năm 2013.
Theo dự thảo bộ quy tắc ứng xử, với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc. Lịch sử thủ đô Hà Nội về cơ bản là “lịch sử quốc gia” thu nhỏ.
Văn hóa thủ đô về căn bản cũng là văn hóa quốc gia kết tinh lại với đủ đặc trưng về đạo đức, nếp sống, phong tục tập quán.
Tuy nhiên, con người ở Hà Nội chưa hình thành được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử trong cộng đồng, các cơ quan, tổ chức và các cá nhân đang xuống cấp.
Theo ông Nguyễn Khắc Lợi - phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, bộ quy tắc ứng xử được xây dựng dựa trên 50.000 trang tài liệu thu thập được, bao gồm 130 đầu sách, 10 luận văn tiến sĩ, hơn 100 bài báo và tạp chí, 30 bộ tài liệu pháp lý và nội quy cơ quan có liên quan bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Ngoài ra còn có 6.000 bảng hỏi chọn mẫu từ 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP và nhiều cuộc hội thảo lớn.
Kết quả khảo sát thực tế cũng đã chỉ ra thực trạng văn hóa ứng xử Hà Nội đang rất báo động. Cụ thể, bệnh viện là nơi “dẫn đầu” về chỉ số các hành vi ứng xử không phù hợp: trong số 6.000 bảng hỏi được phát ra, trên 90% số người được hỏi cho rằng bác sĩ, y tá, điều dưỡng, và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có hành vi ứng xử không phù hợp.
Có đến 95% ý kiến cho rằng công chức, viên chức có hành vi ứng xử không phù hợp. Tương tự, khảo sát thực trạng văn hóa ứng xử tại trường học cũng cho thấy có từ 50-70% lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo, cán bộ quản lý và nhân viên, học sinh, sinh viên... có hành vi ứng xử không phù hợp.
Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, bộ quy tắc ứng xử đang xây dựng hi vọng sẽ góp phần phát triển văn hóa người Hà Nội thanh lịch và hình thành nét văn hóa ứng xử xứng tầm của một thành phố nghìn năm tuổi.
Ông Lợi cũng khẳng định mục đích xây dựng bộ quy tắc ứng xử là góp phần gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, tiêu biểu cho dân tộc VN, xứng tầm thủ đô ngàn năm văn hiến.
Có quy tắc cho từng nhóm
Với lãnh đạo, cán bộ quản lý trong cơ quan hành chính: Tận tâm với công việc; thực hành tiết kiệm; gương mẫu, lắng nghe, chia sẻ; đảm bảo công bằng, dân chủ; công khai, minh bạch; xây dựng tập thể đoàn kết, phát triển. Với cán bộ, công chức: thực hiện đúng trách nhiệm được giao; làm việc với tinh thần trách nhiệm; thẳng thắn, trung thực; thái độ đúng mực, văn minh; chủ động, sáng tạo trong công việc.Với lãnh đạo bệnh viện: tuân thủ y đức, gương mẫu; đảm bảo công bằng, dân chủ; công khai, minh bạch; lắng nghe, thấu hiểu; xây dựng tập thể đoàn kết. Với bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế: thực hiện các chuẩn mực y đức; tận tâm và trách nhiệm với công việc; kiên nhẫn, cảm thông, tận tình, chu đáo; lịch sự, đúng mực trong giao tiếp; cung cấp thông tin và chỉ dẫn đầy đủ, cụ thể; không phân biệt đối xử. Với người dân; ứng xử nơi công cộng được quy định: văn minh, lịch sự, tôn trọng, thân ái, chia sẻ, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ cảnh quan, môi trường.
Theo Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo