Hà Nội yêu cầu các trường hát quốc ca trực tiếp
Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường phải tổ chức hát quốc ca trong các buổi chào cờ và lễ kỷ niệm thay vì nghe hát quốc ca như hiện nay. Đồng tình với chủ trương này của Sở Giáo dục, trước đấy nhiều nhà văn, nhạc sĩ... bày tỏ quan điểm nên hát trực tiếp thay vì được nghe từ đĩa.
Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn việc chào cờ và hát quốc ca tại các cơ sở giáo dục. Văn bản này nhấn mạnh: hiện nay, ở nhiều trường học và cơ sở giáo dục - đào tạo không hát quốc ca hoặc thay hát bằng nghe nhạc hay nghe lời bài quốc ca. Điều đó làm giảm tính trang nghiêm và ý nghĩa của lễ chào cờ tổ quốc.
Sở yêu cầu các trường, trong lễ chào cờ đầu tuần và các buổi lễ kỷ niệm, tất cả giáo viên, cán bộ công nhân viên và học sinh, sinh viên đều hát quốc ca (có hoặc không có nhạc đệm).
Đối với các trường mầm non, khuyến khích dạy hát quốc ca cho trẻ mẫu giáo và tổ chức sinh hoạt tập thể có hát quốc ca.
Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng, mục đích của việc làm trên là để việc chào cờ và hát quốc ca trở thành nề nếp, có tác dụng giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ giáo viên, công nhân viên và học sinh, sinh viên.
Trước đó, nghị định 145/2013 được Chính phủ ban hành nhấn mạnh vào việc bắt buộc phải hát quốc ca trong các ngày lễ kỷ niệm.
Ông Phan Đình Tân - Phó Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL, cho biết việc hát quốc ca lâu nay đã được “số hóa”, nghĩa là phát từ băng đĩa thu âm sẵn chứ người tham dự trực tiếp không hát.
Ông Tân chia sẻ, việc hát quốc ca thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc: “Trong những chuyến công tác ở nước ngoài, khi cử quốc thiều mà chỉ nghe lí nhí vài người cất lời hát quốc ca thì cảm thấy xấu hổ lắm”.
Theo ông Phan Đình Tân, những quy định tại Nghị định 145 có tính chất bắt buộc đối với một số đối tượng chính như cán bộ, đảng viên…, còn vấn đề xử phạt cũng rất khó thực hiện.
“Ví dụ trong một buổi lễ có 10 người nhưng chỉ ba người hát quốc ca thì làm sao chúng ta giám sát được để xử phạt. Thế nên vẫn phải đề cao vấn đề giáo dục là chính, xử phạt cũng phải có thời gian, đi từ vận động đã, đòi hỏi sự đồng bộ của nhiều yếu tố nữa, trong đó điều kiện để xử phạt phải phụ thuộc vào bối cảnh xã hội và nhận thức của người dân” - ông Tân giải thích.
Từng đặt vấn đề hát quốc ca vào Quốc hội, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc hoan nghênh quy định này tại Nghị định 145. Ông Quốc nêu thực tế nhiều nơi việc hát quốc ca vẫn chỉ để cho có.
“Tôi nhớ nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng kể câu chuyện khi ông đến một quốc gia Đông Âu, người ta cử nhạc quốc ca hai nước. Quốc ca nước ta không thấy hát, trong khi nước chủ nhà họ hát rất nghiêm túc, người đứng đầu nước bạn hỏi nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: “Quốc ca các bạn không có lời à?”. Nguyên Chủ tịch nước nói đây là bức xúc phải được khắc phục” - ông Quốc kể.
Sao lại chỉ nghe mà không hát?
Hát Quốc ca là nghi thức thiêng liêng không chỉ thể hiện niềm tự hào và lòng yêu nước mà còn là quyền, nghĩa vụ của mỗi công dân
Đồng tình với quyết định này, nhà văn Chu Lai bày tỏ quan điểm đây là một quyết định rất hay. "Quốc ca là mạch đập của dân tộc, là chiều sâu số phận của từng con người trải qua chiều dài lịch sử giông bão đã biến thành trái tim của mình. Quốc ca chính là sự chân thật từ trong lòng mình nên việc bỏ các bản thu âm sẵn là hoàn toàn đúng đắn.
Lâu nay có một thực tế là không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người già cũng lười hát Quốc ca, thậm chí còn không thuộc Quốc ca. Chúng ta cần phải biết rằng những năm tháng hào hùng trong quá khứ đã đẻ ra những khẩu khí lịch sử trong bài hát Quốc ca. Là người Việt, phải biết tự hào về dân tộc mình chứ".
Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, "quy định mới được Bộ VH-TT&DL đưa ra theo tôi bắt nguồn từ việc nhiều nơi hiện nay chỉ “nghe” Quốc ca, chứ không hát, hoặc có thì chỉ mấp máy môi. Trước đây tôi thấy không ít trường hợp hát nhầm lời Quốc ca, không chỉ trong các lễ kỷ niệm, mà nhiều sự kiện văn hóa, xã hội khác.
Một trong những nguyên nhân của việc này là chúng ta đang phần nào phụ thuộc vào các bản thu âm sẵn. Bởi vậy, theo tôi quy định này cần được phổ biến trước hết là cho thế hệ thanh thiếu niên, những người trẻ mà làm tốt thì sẽ tạo được hiệu ứng rộng rãi trong xã hội".
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo