Hạ sát rùa biển bán sang Trung Quốc
Chiều 26-12, thượng tá Lê Như Toản - Trưởng Phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Khánh Hòa - cho biết đang củng cố hồ sơ, giám định số lượng rùa biển tại 3 cơ sở chế tác rùa biển ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang, nếu có dấu hiệu phạm tội sẽ khởi tố vụ án.
Hàng ngàn con rùa bị giết hại
Hiện cơ quan công an đã hoàn tất việc khám xét khẩn cấp tại xưởng chế tác rùa biển và nhà riêng của Hoàng Tuấn Hải (42 tuổi; ngụ xã Phước Đồng, TP Nha Trang; được cho là chủ của 3 cơ sở chế tác rùa biển trên), thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật liên quan. Theo ông Toản, qua gần 7 ngày kiểm đếm, đoàn công tác liên ngành của tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa thống kê xong số lượng rùa biển bị bắt giữ, cất giấu trái phép tại xã Phước Đồng trong trang trại nuôi heo của bà Vũ Thị Hải Thanh (38 tuổi).
Ông Lê Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cho biết số lượng rùa biển bị bắt lần này rất lớn, trọng lượng ước khoảng 6 tấn rùa tươi nên việc kiểm đếm mất rất nhiều thời gian. Khai với cơ quan chức năng, ông Hải thừa nhận toàn bộ số rùa trên là của ông gửi tại trang trại của bà Thanh.
Tại trang trại này, những con rùa lớn, đường kính mai lên đến 70-80 cm nằm xếp đống lên nhau dài cả trăm mét. Mùi hóa chất xộc lên nồng nặc. Trong các bể formol là những con rùa còn nguyên vẹn hình hài. Theo nhận định ban đầu, rùa biển ở đây gồm vích, tráng bông và đồi mồi. Đây là những loài bị cấm săn bắt, buôn bán, vận chuyển và sử dụng.
Trước đó, vào ngày 19-11, tại 2 kho hàng khác của ông Hải, cũng nằm trên địa bàn xã Phước Đồng, xác rùa biển vứt la liệt, chất đống cao lên gần nóc nhà. Hàng ngàn con rùa nằm chỏng chơ khắp nơi trong xưởng đang được cắt ra để nhồi bông hoặc bị dìm trong những thùng formol bốc mùi nồng nặc. Lực lượng chức năng phải điều 6 chuyến xe tải mới chở hết 4,4 tấn rùa về kho tạm giữ.
Theo ông Lê Văn Dũng, hiện cơ quan chức năng đang lúng túng vì không biết chứa số rùa này ở đâu bởi kho của Viện Hải dương học đã hết chỗ trong khi xác rùa vẫn còn tươi, bốc mùi kinh khủng nên không doanh nghiệp nào đồng ý tiếp nhận.
Đường dây săn bắt, mua bán chuyên nghiệp
Ông Hoàng Tuấn Hải khai với cơ quan công an ông là chủ của các kho rùa trên. Ông mua gom rùa của ngư dân với giá từ 200.000 - 800.000 đồng/con, tùy trọng lượng, sau đó ngâm hóa chất để chế tác thành đồ mỹ nghệ.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ thực sự của các cơ sở này là một người tên Hoàng Minh C. hay còn gọi là C. “đồi mồi”. Các cơ sở chế tác rùa này tồn tại hàng chục năm nay, lúc cao điểm ông C. thuê vài chục nhân công làm việc. Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, cho hay ông không hề biết gì. Còn ông Lê Văn Dũng cho rằng các cơ sở này nằm lẩn khuất trong khu dân cư nên rất khó phát hiện. Chỉ khi lực lượng của Bộ Công an “nằm vùng” trinh sát mới phát hiện được.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), nhiều năm qua, ENV nghiên cứu khoa học về rùa biển và phát hiện nhiều chip gắn trên rùa tập trung ở TP Nha Trang. Trong quá trình tìm hiểu từ đầu mối thu gom tại cảng Sa Kỳ hay huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ENV xác minh ngư dân thường bán cho một người tên C. tại TP Nha Trang. Ông này còn hỗ trợ tài chính, ứng trước tiền cho các đối tượng săn bắt trái phép rùa biển.
Theo bà Dung, ông C. “đồi mồi” rất ít khi trực tiếp thu mua rùa biển mà thông qua những đầu nậu ở các tỉnh ven biển thu mua từ ngư dân đánh bắt được, sau đó chở bằng xe đông lạnh về Nha Trang bán lại cho ông C. Tại đây, sau khi chế tác, ngâm tẩy, đánh bóng, rùa được chất lên xe đi bằng đường bộ hoặc đường thủy ra cửa khẩu Móng Cái để xuất sang Trung Quốc.
“Nhu cầu dùng rùa làm vật trang trí trong nước rất ít. Do đó phải có đường dây vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm sang Trung Quốc và một số nước khác. Bên cạnh đó, ông Hoàng Tuấn Hải không phải là “nhân vật chính”, người đứng sau “đạo diễn” là ông C. “đồi mồi”. Hiện ENV đã chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu thu thập được về đường dây tổ chức đánh bắt, thu gom, chế tác, tiêu thụ trái phép rùa biển này cho cơ quan chức năng” - đại diện ENV cho biết.
Cấm săn bắt, buôn bán và sử dụng
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, rùa biển là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam. Mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi, nhốt rùa biển hoặc vận chuyển, buôn bán sản phẩm, bộ phận của loài này đều bị xem xét xử lý hình sự. Mức án tối đa lên đến 7 năm tù bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật theo Bộ Luật Hình sự.
End of content
Không có tin nào tiếp theo