Hà Tĩnh: “Cán bộ ngồi cơ quan làm việc, vẫn điểm danh đầy đủ ở trường” là đúng sự thật
Công văn Sở y tế Hà Tĩnh trả lời báo chí liệu đã chính xác?
Theo Giám đốc Sở y tế Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu, sau loạt bài phản ánh của báo, Sở đã cho cán bộ ra xác minh sự việc, thu thập kết quả học tập của cán bộ Hoàng Tùng, sau khi từ trường về, cán bộ đã trình báo cáo.
Nội dung báo cáo, cũng như theo công văn số 2039/SYT-VP, ngày 29/10/2015 của Sở y tế “về việc trả lời nội báo phản ánh” thì Y sỹ Hoàng Tùng về làm việc tại BVĐK huyện Đức Thọ chủ yếu vào các dịp nghỉ hè, nghỉ tết, nghỉ lễ, các ngày được nghỉ thứ 7, CN và các ngày được nghỉ để ôn thi hoặc do trường không bố trí được giáo viên.
Nhưng theo tài liệu PV thu thập được thì đồng chí Hoàng Tùng có mặt tại BVĐK huyện Đức Thọ 14-15 ngày/ tháng. Vậy theo báo cáo trả lời nội dung báo phản ánh của Sở y tế Hà Tĩnh thì có bao nhiêu ngày nghỉ thứ 7, CN, nghỉ lễ, nghỉ ôn thi hoặc do trường không bố trí được giáo viên/ tháng?
Từ tập chứng từ mà PV thu thập được thì chỉ tính riêng từ 01/01/2015 đến 30/6/2015, trung bình đồng chí Hoàng Tùng có mặt công tác tại BVĐK huyện Đức Thọ khoảng 14-15 ngày/tháng. Tổng số trong khoảng thời gian đó, đồng chí Hoàng Tùng có mặt tại khoa gây mê hồi sức 95 ngày/183 ngày.
Có sự bao che của trường Đại học Y Hà Nội phân hiệu tại Thanh Hóa hay không?
Để hiểu hơn về việc học viên Hoàng Tùng theo học tại lớp như thế nào thì Nhóm PV đã có mặt tại Phân hiệu trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa. Thời gian PV có mặt là lúc các học viên đang ôn thi tại BV Phụ sản Thanh Hóa, học viên Hoàng Tùng thuộc tổ 1 gồm 29 người nhưng không có mặt của học viên này ở đây.
Khi nhắc đến Hoàng Tùng thì các học viên này tỏ vẻ bức xúc: “Hoàng Tùng ở đây ai mà không biết, người Hà Tĩnh, có phải chỉ mỗi trong tổ mới biết đâu. Học bình thường trên lớp không có mặt thì ôn thi làm gì nó đến.
Một tuần nó mới ra học một buổi là ấy lắm rồi, chỉ có thi là nó ra thi thôi. Ở đây nhiều học viên thiếu 1, 2 buổi đã phải học lại, không được thi còn Hoàng Tùng nó không học mà thi ngon lành” .
Trao đổi với PV cô Võ Thị Huyền Trang, thuộc phòng đào tạo cho rằng: “Tôi cũng có nghe đến việc khiếu kiện, tuy nhiên không có đơn nào gửi đến đây, quá trình anh ta học thái độ ý thức tốt, tuy nhiên anh Hoàng Tùng này cũng có môn thi lại, có môn không được thi vì không đủ điều kiện dự thi, ở đây cũng có nhiều học viên không được thi, quy định là nghỉ không quá 20 số tiết với hình thức học cuốn chiếu, về việc ôn thi tốt nghiệp không điểm danh, không bắt buộc, học viên có thể ở nhà ôn.
Vừa qua thì cán bộ Sở y tế, đơn vị quản lý Sở y tế cử người đi học cũng có ra trường nhưng kết quả kiểm tra tốt cả”. Khi PV nói về chứng từ chứng minh học viên Hoàng Tùng không theo học mà thường xuyên làm việc ở BVĐK huyện Đức Thọ-Hà Tĩnh thì cô lại cho hay: “Thì có thể người ta quan hệ tốt nơi công tác nên được hưởng tiền phúc lợi, trợ cấp ấy, mà tôi nghĩ không nên đi sâu vào việc người ta được nhận tiền trợ cấp, phúc lợi, đó là người ta quan hệ tốt… Đây là hình thức ghen ăn tức ở…”.
Nếu như cô Trang nói vậy thì việc anh Hoàng Tùng này ‘quan hệ” với phía BVĐK huyện Đức Thọ tốt nên được hưởng các trợ cấp cho các phẫu thủ thuật, còn học vẫn đi.
Nếu theo cô Trang thì thiết nghĩ việc thanh tra chứng từ chống tham nhũng là sự cần thiết. Bên nào cũng bao che về hành động không học về làm việc, nhận hưởng tiền phụ cấp, được điểm danh đầy đủ rồi vẫn được thi thì có lẽ học viên Hoàng Tùng này có “phép phân thân”.
Về việc đồng chí Hoàng Tùng làm ở cơ quan và được điểm danh đầy đủ, sau đó vẫn được dự thi khiến rất nhiều học viên bức xúc và mong muốn được báo chí phản ánh và nhà trường, các cấp, các ngành liên quan làm rõ.
Được biết, khóa học liên thông này có 263 học viên gồm 1 lớp học tại Đại học y Hà Nội, Phân hiệu tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, nhiều giáo viên ở trường Y Hà Nội về dạy vì đông quá hoặc vì lí do khác không điểm danh nên thường xuyên nhờ Phân hiệu Thanh Hóa điểm danh, theo học viên học ở đây thì hầu như là cô Trang điểm danh.
Và hơn nữa theo như cô Trang thì theo quy định không được nghỉ quá 20 số tiết học, nhưng đồng chí Hoàng Tùng có mặt tại BVĐK huyện Đức Thọ khoảng 14-15 ngày/ tháng thì số tiết học liệu có thiếu không?
Nếu Nhà trường quản lí chặt chẽ hơn có lẽ học viên này sẽ không nghỉ học kéo dài nhưng vẫn được điểm danh đầy đủ. Khi cán bộ đã được cử đi học mà không theo học, về làm tại bệnh viện trong thời dài, liên tục, phía bệnh viện nên có những động thái liên hệ với nhà trường.
Khi đã có đơn khiếu nại dù không thuộc phải thanh tra, xác minh nhưng khi đã cử cán bộ về kiểm tra thì phía Sở y tế cũng nên có một sự nhìn nhận, nhắc nhở bệnh viện, cán bộ…thì có lẽ việc đào tạo bác sỹ sẽ đúng trình độ, đúng chuyên môn hơn.
Phải chăng cần sự nhìn nhận khách quan, nghiêm minh giữa các bên liên quan (Nhà trường, BVĐK huyện Đức Thọ, Sở y tế) và cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt tránh sự bao che ở đây. Sớm chấm dứt tình trạng “không học mà vẫn cứ được thi”, đẩy lùi tình trạng “mua bằng cấp”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo