Hà Tĩnh: Điều động giáo viên lên làm việc tại Phòng GD&ĐT bằng "lệnh miệng"?
Lãnh đạo UBND huyện chỉ đồng ý bằng miệng?
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã nêu trong bài viết “Hà Tĩnh: Giáo viên không giảng dạy tại trường vẫn được nhận lương và tiền đứng lớp” nêu lên thực trạng 7 giáo viên và nhân viên của các trường mầm non, tiểu học và THCS tại huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) được điều động lên làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên nhiều năm liền nhưng vẫn hưởng lương, tiền đứng lớp và các phụ cấp khác tại trường. Lệnh điều động các giáo viên, nhân viên này chỉ có thời gian lên làm việc chứ không có thời điểm kết thúc là bao giờ và không ghi rõ vị trí làm việc.
Để làm rõ vấn đề trên chúng tôi đã làm việc với ông Đặng Quốc Hiền - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên. Tại buổi làm việc ông Hiền thừa nhận, sự việc điều động giáo viên, nhân viên các trường lên làm việc tại Phòng nhưng vẫn hưởng lương, phụ cấp khác tại trường là có thật.
Theo giải thích của ông Hiền về việc điều động này là vì định biên, Phòng GD&ĐT Cẩm Xuyên chỉ được 14 biên chế, trong lúc công việc của đơn vị này quá nhiều. Một người phụ trách quá nhiều lĩnh vực, anh em làm quá vất vả nên nhiều năm nay đã phải điều động giáo viên tại các trường lên phòng làm việc.
Về việc điều động này ông Hiền cho biết, đã được Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên kết luận và đồng ý từ mấy năm trước. Tuy nhiên, khi được hỏi có văn bản quyết định nào liên quan đến việc này không từ phía UBND huyện thì ông Hiền lại cho biết là không có.
“Nhiều lần họp Hội đồng nhân dân huyện tôi cũng đã đề xuất việc tăng thêm số lượng định mức cho Phòng GD&ĐT vì ngành đang phải triển khai quá nhiều việc theo các mô hình, chương trình trường học mới nhưng đến nay vẫn chưa được chấp nhận”, ông Hiền cho biết thêm.
Để làm rõ hơn về vấn đề này chúng tôi đã nhiều lần liên lạc và lên trực tiếp UBND huyện Cẩm Xuyên nhưng Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên liên tục báo bận, các cán bộ khác trả lời “không đủ thẩm quyền trả lời vì chưa có chỉ đạo trả lời báo chí”.
Trao đổi về vấn đề này ông Bùi Khắc Phước - Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội Vụ Hà Tĩnh) cho biết: “Mỗi Phòng GD&ĐT trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đều có định mức 13 công chức. Muốn điều động giáo viên lên Phòng GD&ĐT thì phải có quyết định của Chủ tịch UBND huyện và sự đồng ý của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Các giáo viên được chọn điều động lên Phòng GD&ĐT làm việc phải là người có kinh nghiệm, hoặc là hiệu phó, hiệu trưởng của các trường học. Giáo viên là viên chức nên khi muốn chuyển đổi sang công chức thì phải trải qua kỳ thi”.
Như vậy, theo như ông Phước cho biết thì hiện Phòng GD&ĐT đang làm trái hoàn toàn với quy định của UBND tỉnh. Bởi số giáo viên, nhân viên được điều lên phòng làm việc hầu hết chưa đảm nhiệm chức vụ hiệu phó hay hiệu trưởng các trường. Việc điều động cũng chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Còn quyết định của UBND huyện như ông Hiền cho biết thì không có văn bản cụ thể nào. Như vậy, phải chăng Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên đang làm việc theo lệnh điều động miệng?
“Chúng tôi cũng chỉ muốn ổn định nơi làm”!
Gặp những giáo viên và nhân viên các trường được điều động lên Phòng GD&ĐT làm việc thì đều cho biết cấp trên điều động thì phải theo sự phân công, sắp xếp của cấp trên. Còn họ cũng mong muốn có quyết định cụ thể để ổn định nơi làm việc.
Cô Võ Thị Anh – Phó Hiệu trưởng trường mần non Cẩm Minh người thường được điều động lên Phòng GD&ĐT Cẩm Xuyên làm việc cho biết, cô được Trưởng phòng điều động lên phụ trách các công việc mảng mầm non, các đợt thanh tra kiểm tra lĩnh vực mầm non mấy năm nay và theo từng thời điểm.
Các công việc thường làm các báo cáo tổng hợp về lĩnh vực mầm non của Phòng, những lúc làm báo cáo thì cũng có thể làm việc ở trường chứ không nhất thiết phải lên Phòng. Năm 2013-2014 cô được điều động nhiều nhất theo từng tuần, có tháng đi, có tháng không đi. Sau đó kế toán trường có ý kiến về việc làm lương nên cô từ chối nhiều việc để tập trung cho công việc ở trường vì làm cả 2 nơi cũng vất vả.
Thầy Lương Song Hoành cũng cho biết, thầy đã được điều chuyển lên làm việc trước năm 2005, công việc chủ yếu là mảng công nghệ thông tin, thanh tra lĩnh vực CNTT.... Thời gian gần đây thì phải cả dạy ở trường và làm việc ở phòng nên cũng rất vất vả. Việc sinh hoạt Đảng của thầy đã tạm thời chuyển về Phòng.
Cuối năm bình xét thi đua, hoặc báo cáo công việc thì có nhận xét của Phòng giáo dục rồi đem về trường làm căn cứ bình xét. Bản thân thầy Hoành cũng mong muốn làm việc ổn định một nơi để khỏi vất vả và có thời gian lo cho gia đình.
Như vậy, việc điều động giáo viên và nhân viên các trường lên làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên không những sai so với quy định cấp trên mà còn gây vất vả cho các cá nhân được điều động. Vậy nhưng khi nói về việc làm sai quy định này ông Đặng Quốc Hiền - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên vẫn chống chế, nếu Phòng GD&ĐT Cẩm Xuyên làm sai thì các Phòng GD&ĐT trong toàn tỉnh này đều sai. Vì đây là tình trạng chung tại các Phòng GD&ĐT vì công việc của ngành trong quá trình đổi mới trong những năm gần đây rất nhiều.
Vậy phải chăng đây là cách chống chế của ông Hiền về việc làm sai quy định của mình hay đúng là thực trạng chung của toàn tỉnh Hà Tĩnh chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết sau.
End of content
Không có tin nào tiếp theo