Hà Tĩnh: Giáo viên không giảng dạy tại trường vẫn được nhận lương và tiền đứng lớp
Ăn lương của trường làm việc cho phòng GD&ĐT?
Tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đã có 5 giáo viên và 2 nhân viên ở các trường mầm non, tiểu học và THCS đang nhận biên chế lương và các tiền phụ cấp khác của các trường nhưng lại đang được “điều” lên làm việc cho Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên. Số giáo viên và nhân viên này người mới được điều lên ít thì 2 năm, còn số lớn đã được điều lên đã 10 năm nay. Việc làm trái quy định này của Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên đã gây xáo trộn không ít trong công tác quản lý và giảng dạy tại các trường học.
Theo đơn khiếu tố của các giáo viên tại huyện Cẩm Xuyên thì đối chiếu bảng phân công công tác, bảng lương và thừa nhận của các hiệu trưởng thì việc điều động 7 giáo viên, nhân viên của các trường học lên làm tai Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên không ghi rõ vị trí làm việc, chỉ có ngày bắt đầu đến làm việc mà không có thời gian kết thúc.
Như Trường THCS Phan Đình Giót có 2 giáo viên và nhân viên được điều lên làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên 10 năm nay nhưng vẫn ăn lương, chế độ đứng lớp và các phụ cấp khác tại trường là thầy Lương Song Hoành (giáo viên môn Toán tin) và cô Lê Thị Thúy Hằng (nhân viên thư viện thiết bị). Hiện thầy Hoành đang làm Chuyên viên Công nghệ - Thông tin và cô Hằng làm nhân viên Văn thư Lưu trữ - thủ quỹ phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên.
Hay như cô Võ Thị Anh hiện theo quyết định vẫn đang đảm nhiệm chức vụ Phó Hiệu Trưởng trường mần non xã Cẩm Minh và hưởng lương cùng các chế độ phụ cấp khác theo quy định tại trường này. Tréo ngheo hơn khi Cẩm Minh các giáo viên vẫn đang ăn lương của cán bộ làm việc tại vùng 135 nhưng cô Anh đã được điều lên làm như một Chuyên viên mầm non tại Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên từ hơn 2 năm nay.
Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên còn điều động các giáo viên tại các trường khác lên làm các vị trí khác tại Phòng GD &ĐT Cẩm Xuyên như thầy Ngô Văn Doanh – Giáo viên Thể dục THCS thị trấn Cẩm Xuyên lên làm Chuyên viên Giáo dục thể chất hơn 7 năm nay. Ông Võ Trọng Thể nhân viên kế toán tại trường THCS Cẩm Thịnh lên làm Kế toán phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên. Cô Vũ Thị Lan Phương - nhân viên thư viện thiết bị Trường TH thị trấn Cẩm Xuyên lên làm chuyên viên phụ trách bậc tiểu học của phòng GD&ĐT từ năm 2014-2015. Thầy Dương Quang Lộc - Giáo viên Âm nhạc Trường TH thị trấn Cẩm Xuyên lên làm Chuyên viên phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên từ năm học 2015-2016.
Hiện toàn bộ số giáo viên, nhân viên trên theo sổ sách vẫn đang hưởng lương và các chế độ phụ cấp khác cũng như quyết định vị trí làm việc như chỗ cũ tại các trường chứ không hề có quyết định nào đưa số giáo viên, nhân viên trên đảm nhiệm các chức vụ như hiện tại tại Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên. Vậy tại sao có sự trái khoáy trên khi được trả lương làm việc một nơi số giáo viên, nhân viên các trường này lại làm việc một nơi? Phải chăng có sự điều động “vượt rào” nào đó của Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên?
Trên bảo dưới phải nghe...
Để làm rõ vấn đề trên chúng tôi đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các trường có giáo viên và nhân viên được điều lên làm việc tại Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên nhưng vẫn ăn lương của các trường này.
Tại Trường THCS Phan Đình Giót nơi có 2 giáo viên, giảng viên được điều lên Phòng GD&ĐT theo cô Hoàng Thị Nga - Hiệu trưởng trường THCS Phan Đình Giót chia sẻ: “Tôi về làm hiệu trưởng tại đây mới được gần 5 năm. Khi đó cả thầy Hoành và cô Hằng đều đã được điều lên Phòng GD&ĐT làm việc rồi. Nhưng từ đó đến nay cả thầy Hoành và cô Hằng vẫn hưởng lương, chế độ đứng lớp và các phụ cấp khác tại trường. Nhà trường cũng đã có đem vấn đề này trao đổi với lãnh đạo phòng nhưng thầy Trưởng phòng GD&ĐT có nói tạo điều kiện giúp phòng nên trường cũng chưa có ý kiến gì thêm”.
“Cách đây mấy năm UBND huyện cũng đã có quán triệt về việc này và giao từ năm học 2014-2015 thầy Hoành vừa về trường dạy, vừa làm việc ở Phòng GD&ĐT. Việc này cũng ảnh hưởng không ít đến lịch phân công, công tác tại trường”, cô Nga cho biết thêm.
Cùng chung hoàn cảnh như cô Nga, thầy Hoàng Văn Hạnh - Hiệu Trưởng trường THCS Thị Trấn Cẩm Xuyên thừa nhận: “Năm 2005, khi tôi về làm hiệu trưởng tại đây thì thầy Ngô Văn Doanh cũng đã được điều động lên làm việc ở phòng nhưng vẫn lương cùng các phụ cấp khác tại trường cho đến bây giờ. Mấy năm gần đây trường có nhiều công việc cần triển khai nên ban giám hiệu nhà trường cũng đã nhiều lần đề nghị thầy Doanh trở về trường làm việc nhưng vẫn chưa có kết quả”.
Oái oăm hơn là tại Trường TH thị trấn Cẩm Xuyên, theo như cô Đặng Thị Hoa Lý - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thị Trấn Cẩm Xuyên cho biết, thì việc điều 2 giáo viên, nhân viên lên làm việc tại Phòng GD&ĐT nên thành ra thiếu giáo viên giảng dạy. Để có giáo viên dạy thì trường phải nhờ giáo viên khác dạy và trường trả thêm tiền đứng lớp cho nhưng giáo viên này. Còn giáo viên và nhân viên được điều lên Phòng làm việc do lãnh đạo Phòng nói cho phép nên trường vẫn đành để các giáo viên, nhân viên đang hưởng lương nhà trường làm việc cho Phòng.
Theo lãnh đạo các trường có giáo viên, nhân viên đang hưởng lương cùng các phụ cấp tại trường nhưng được điều lên Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên thì, ông Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên cũng có trao đổi riêng với những trường có giáo viên điều động lên làm việc. Trưởng phòng trả lời việc điều động này đã được Chủ tịch UBND huyện cho phép. Tuy nhiên, đến nay tất cả các trường vẫn chưa hề nhận được thông báo nào của UBND huyện Cẩm xuyên về việc điều động này.
Vậy phải chăng đã có sự "vượt rào" của lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên trong việc điều động giáo viên một cách tùy tiện như trên? Về vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết sau.
End of content
Không có tin nào tiếp theo