Phân tích

Hạ trần lãi suất gửi đôla không gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp

(DNVN) - Đó là nhận định của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) về quyết định điều chỉnh lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm của Ngân hàng Nhà nước vừa qua.

Vào tối muộn ngày 27/9, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo điều chỉnh lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm. Đồng thời, áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/9/2015 và thay thế Quyết định số 2172/QĐ-NHNN ngày 28/10/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014.

Ảnh minh họa.

Đánh giá về tác động của việc điều chỉnh lãi suất gửi USD này, Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất USD không gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp và người dân vì với mức chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi VND và USD trên 5% như hiện nay, việc chuyển dịch sang nắm giữ VND rõ ràng có lợi hơn.

Cụ thể, đối với khách hàng có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ trong tương lai, thay vì găm giữ ngoại tệ và  mất chi phí cơ hội lớn, khách hàng có thể  bảo hiểm rủi ro tỷ giá thông qua bán ngoại tệ lấy VND để gửi lấy lãi rồi mua ngoại tệ kỳ hạn. Như vậy, thu nhập của khách hàng từ lãi VND không những có thể đủ bù đắp chi phí mua kỳ hạn mà còn có thể đem lại lợi nhuận cho khách hàng.

Ví dụ: Trường hợp doanh nghiệp có 1 triệu USD và sẽ phải thanh toán sau 1 tháng. Nếu doanh nghiệp lựa chọn giữ USD trên tài khoản cho đến hạn thanh toán, doanh nghiệp sẽ mất chi phí cơ hội khoảng 84 triệu VND (tương đương mức lãi suất 4,5%/năm trên số tiền 1 triệu USD quy đổi ra VND).

Kể cả trường hợp lãi suất USD vẫn ở mức 0,25%/năm như trước đây, doanh nghiệp cũng chỉ được hưởng lãi USD khoảng 5,6 triệu VND, như vậy chi phí tổng vẫn khoảng 78,4 triệu VND. Nếu doanh nghiệp bán 1 triệu USD lấy VND gửi lấy lãi và mua USD kỳ hạn 1 tháng với điểm kỳ hạn 2,5 đồng/ngày thì doanh nghiệp được hưởng lãi VND là 84 triệu VND và mất thêm chi phí mua kỳ hạn là 75 triệu VND, như vậy vẫn được hưởng lợi 9 triệu VND. Nếu doanh nghiệp chờ càng đến gần thời hạn thanh toán để mua ngoại tệ, chi phí mua kỳ hạn càng thấp và lợi nhuận của doanh nghiệp có thể lên tới 84 triệu VND.

Ngoài ra, với các tập đoàn, doanh nghiệp còn được lợi từ việc vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn đáng kể so với vay VND trong suốt thời gian qua và nếu làm phép tính cộng dồn từ năm 2012 đến nay thì khoản lợi chênh lệch lãi suất lớn hơn hẳn khoản lỗ điều chỉnh tỷ giá. Chưa kể bên cạnh các khoản vay USD tập đoàn còn vay EUR, JPY và việc đồng EUR, JPY giảm giá liên tục từ nửa cuối năm 2014 đến nay thực tế vẫn đang đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

 

Hơn nữa, đối với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) thì tỷ giá tăng lại làm tăng doanh thu từ bán dầu, khí, có thể bù đắp cho phần tăng chi phí do lỗ tỷ giá. Và cuối cùng, cần chú ý rằng lỗ/lãi do chênh lệch tỷ giá thực chất chỉ lỗ/lãi hạch toán, chưa phát sinh thực tế và có thể đảo chiều theo sự đảo chiều của tỷ giá trong những năm tới.

Về phía NHNN, với việc điều chỉnh tăng 1% tỷ giá BQLNH và với biên độ +/-3% hiện nay, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

NHNN sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Tuy nhiên, những diễn biến vừa qua cũng cho thấy đối với các doanh nghiệp, tập đoàn có vay nợ bằng ngoại tệ nhưng doanh thu bằng VND sẽ luôn phải đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá.

Vì thế, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận công cụ phái sinh tại hệ thống ngân hàng để bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Thay vì găm giữ ngoại tệ và phải chịu chi phí cơ hội lớn, doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ trong tương lai có thể mua ngoại tệ kỳ hạn, như vậy, thu nhập của doanh nghiệp từ lãi VND đối với khoản tiền chưa đến hạn thanh toán không những có thể đủ bù đắp chi phí mua kỳ hạn mà còn có thể đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 29/9 vừa qua, lý giải về quyết định hạ lãi suất gửi USD, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong quá trình chỉ đạo điều hành chính sách, NHNN đã luôn quán triệt phương châm nâng cao vị thế của VND và thực hiện từng bước việc hạn chế đôla hóa theo chủ trương của Chính phủ.

 

Theo đó, những năm qua, NHNN đã giảm dần trần lãi suất huy động ngoại tệ xuống còn 0,25%/năm áp dụng đối với tổ chức và 0,75%/năm áp dụng đối với cá nhân. Với cách thức điều hành này, cùng với sự phối hợp đồng bộ các giải pháp công cụ về tiền tệ và ngoại hối đã đem lại sự ổn định cho thị trường tiền tệ và ngoại hối trong những năm qua. Thời gian qua, mặc dù trên thị trường tiền tệ và ngoại hối có biến động nhưng về cơ bản là ổn định. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận tổ chức, cá nhân có biểu hiện găm giữ ngoại tệ.

Chính vì thế, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động ngoại tệ về 0%/năm áp dụng với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng với cá nhân kể từ ngày 28/9. Giải pháp này sẽ giúp cho việc nâng cao sức hấp dẫn của VND và từ đó hạn chế tình trạng đôla hóa theo đúng phương châm điều hành mà NHNN đã đề ra.

Nên đọc
VĂN HẢI
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo