Pháp luật

Hà Văn Thắm và thuộc cấp nói lời sau cùng, tống đạt kết luận điều tra lần 2 vụ siêu lừa Huyền Như

Hà Văn Thắm và thuộc cấp nói lời sau cùng, tạm giữ hình sự 18 người tổ chức ổ cờ bạc tiền tỉ, tống đạt kết luận lần 2 vụ siêu lừa Huyền Như, đề nghị truy tố 3 cựu lãnh đạo Agribank Cần Thơ... là nội dung chú ý tuần qua.

Hà Văn Thắm và thuộc cấp nói lời sau cùng

Hà Văn Thắm nói lời sau cùng. Ảnh: PL TP. HCM.

Chiều 24/9, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm kết thúc phần tranh luận, các bị cáo được nói lời sau cùng, theo tin tức trên báo PL TP. HCM.

Là bị cáo nói đầu tiên, Hà Văn Thắm đã cảm ơn HĐXX vì tạo ra một phiên tòa dân chủ, công bằng. Về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong việc chi lãi ngoài, bị cáo Thắm tha thiết xin HĐXX tuyên cho bị cáo theo đúng bản chất của sự việc xem có thiệt hại không.

Với hành vi tham nhũng, Thắm nói vì bị quy kết tội này, bị cáo sẽ bị cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội. Vì vậy, Thắm cho rằng mình không phải chủ thể của tội tham nhũng, nếu có vai trò đồng phạm cho Sơn thì cũng rất mờ nhạt. Thắm xin HĐXX xem xét không xử phạt mức án cao nhất.

Thắm cũng dành thời gian gửi lời tới cấp dưới. Thắm cho rằng các nhân viên vẫn thường gọi mình là thuyền trưởng. "Thưa các bạn từ miền bắc tới nam, các bạn ngồi cùng tôi ở đây, các bạn từng ngồi cùng tôi trên một con thuyền mà tôi là thuyền trưởng. Tôi lại ngã xuống đầu tiên và nhiều bạn phải rơi xuống giống tôi. Tôi xin lỗi vì đã làm liên lụy các bạn. Có người nói ba năm nay em không còn được nghe anh mắng, ánh mắt có sự nhớ nhung làm tôi áy náy. Có nhiều điều đáng làm tôi lại không làm và có thể không bao giờ làm lại được nữa. Mong các bạn vững vàng, mong HĐXX phán quyết thấp cho các bạn", Thắm nói.

Với gia đình, Thắm nói mình từng là niềm tự hào của gia đình, vậy nhưng hiện đã trở thành sự đau xót và gánh nặng của mọi người, Thắm hứa sẽ cố gắng sống tốt dù ở trong tù.  Lời cuối, Thắm mong HĐXX xem xét xem có cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội hay không.

 

Tạm giữ hình sự 18 người tổ chức ổ cờ bạc tiền tỉ

Đối tượng người Trung Quốc (bìa trái) được cho là người điều hành tụ điểm cờ bạc trá hình bị công an tạm giữ để điều tra - Ảnh: Tuổi trẻ

Chiều 24/9 Công an TP Biên Hoà (Đồng Nai) cho biết đã ra quyết định tạm giữ hình sự 18 người tại ổ game bắn cá ở Công ty TNHH một thành viên Tia Chớp Bạc (số 8A đường Đồng Khởi) để làm rõ hành vi "tổ chức đánh bạc", theo báo Tuổi trẻ. 

Cụ thể, ngoài việc tạm giữ ông Quang Vũ (quốc tịch Trung Quốc, điều hành ổ game) và Hồ Văn Đạt, công an còn tạm giữ 16 phụ nữ có liên quan đến hành vi trên, gồm: Bùi Lê Trúc Kiều, Thái Thị Quỳnh Loan, Trần Thị Ngọc Thu, Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Thị Minh Thùy, Trần Thị Thao, Đoàn Thị Hiền, Vũ Thị Nhài, Hồ Thị Hoàng Triều, Nguyễn Vũ Thùy Trang, Nguyễn Thị Bảo Châu, Trần Thị Mỹ Kiều, Trần Thị Kim Hiền, Trần Thị Phượng, Trần Thị Thiên Hương, Trần Thị Kim Khánh. 

Ngoài ra, công an còn tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Trọng Dũng và Đỗ Văn Duẩn để làm rõ về hành vi "đánh bạc". Theo công an, qua điều tra bước đầu đã xác định Công ty Tia Chớp Bạc do một người tên Thái (quốc tịch Trung Quốc) để cho người Việt tên là Hoàng Nguyễn Tùng Anh (22 tuổi, quê Hải Phòng) đứng tên giấy phép kinh doanh. 

 

Để tổ chức đánh bạc bằng hình thức game bắn cá, Thái đã cho lắp đặt máy bắn game, tuyển nhân viên quản lý người Trung Quốc là ông Quang Vũ. 

Khi nhập cảnh vào VN,  Vũ đã đứng ra điều hành, giám sát ổ game bắn cá, đồng thời quản lý cả những nhân viên người Việt Nam đang đứng thu đổi tiền, mua đổi điểm trong đường dây tổ chức đánh bạc ở Công ty Tia Chớp Bạc. Tại đây, Vũ đã tổ chức thành 2 ca để nhân viên phục vụ cho con bạc đến bắn cá suốt ngày đêm.

Công an cũng cho hay, sau khi bị bắt quả tang những người tổ chức đánh bạc khai mỗi ngày thu lợi từ ổ game bắn cá bình quân 500 triệu đồng. Hiện công an đang tiếp tục "giải mã" nhiều máy móc, thẻ đổi điểm… đang bị niêm phong để tiếp tục điều tra mở rộng.

Tống đạt kết luận điều tra lần thứ 2 vụ siêu lừa Huyền Như

Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro VietinBank, Chi nhánh TP HCM. Ảnh Vietnamnet
 

Liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro VietinBank, Chi nhánh TP HCM, cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã tống đạt kết luận điều tra lần thứ 2, đồng thời đề nghị truy tố 10 bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank), về tội “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, theo tin tức trên báo Công an Nhân dân.

 

Các đối tượng bị Cơ quan điều tra đề nghị truy tố gồm: Lê Quang Trí, nguyên Tổng Giám đốc và nguyên Phó Tổng Giám đốc: Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn. 6 bị can còn lại nguyên là trưởng các phòng ban thuộc ngân hàng này.

Theo kết luận điều tra bổ sung lần thứ hai, từ tháng 4/2011, ông Trí họp thống nhất chủ trương để nhân viên đứng tên, gửi hơn 1.500 tỷ đồng vào VietinBank chi nhánh Nhà Bè và TP HCM nhằm được nhận gần 76 tỷ đồng tiền lãi.

Tháng 7/2011, VietinBank Nhà Bè quyết toán cho Navibank hơn 1.000 tỷ đồng, còn 500 tỷ chưa đến hạn. Sau đó, 500 tỷ đồng được Navibank gửi vào VietinBank TP HCM bằng 18 hợp đồng. Ngày 7/9/2011, Huyền Như đã tất toán 12 hợp đồng với tổng số tiền 300 tỷ đồng, đồng thời chiếm đoạt số tiền còn lại khoảng 200 tỷ.

Theo kết luận, việc Navibank khi gửi tiền vào VietinBank vi phạm các quy định pháp luật, tạo điều kiện để Huyền Như chiếm đoạt. Hành vi của 10 bị can trên là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, tháng 1/2014, Huyền Như bị TAND TP HCM tuyên phạt tù chung thân tổng hợp cho cả hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (số tiền gần 4.000 tỷ đồng) và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

 

Tháng 2/2015, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên hủy một phần bản án nêu trên để điều tra lại nhằm làm rõ hành vi tham ô tài sản của Huyền Như trong việc chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng. Cấp phúc thẩm cho rằng, số tiền này bị Huyền Như tham ô của VietinBank chứ không phải chiếm đoạt tài sản của khách hàng gửi vào ngân hàng.

Vụ VN Pharma: Đề nghị hủy án, điều tra lại

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh Dân trí.

Chiều 22/9, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TPHCM đã có quyết định kháng nghị, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 25/8 của TAND TPHCM về vụ án VN Pharma, báo Dân trí đưa tin. 
Theo đó, Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo quy định.
Viện KSND cấp cao nhận định, bản án sơ thẩm của TAND TPHCM xử phạt nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường và 9 đồng phạm về tội buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức là chưa đầy đủ, toàn diện và chưa phản ánh đúng bản chất của vụ án.
Theo cơ quan này, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội, từ đó dẫn đến hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội đã thực hiện, gây dư luận bất bình trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, Viện KSND cấp cao còn chỉ ra trong vụ án này có nhiều vấn đề cần được điều tra làm rõ nhằm xử lý toàn diện, đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh.
Theo nội dung kháng nghị, Viện KSND cấp cao tại TPHCM đề nghị TAND cấp cao tại TPHCM xem xét 4 vấn đề chính, gồm: tội danh, án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội, lọt hành vi phạm tội, kết quả giám định của Bộ Y tế có mâu thuẫn, không phù hợp với quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án, làm rõ số tiền 7,5 tỉ đồng chi hoa hồng trong các bệnh viện.
Đề nghị truy tố 3 cựu lãnh đạo Agribank Cần Thơ

Bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân khi bị bắt có thái độ rất ngạo mạn. Ảnh Dân trí
 

Ngày 18/9, thông tin từ Cơ quan điều tra Công an TP.Cần Thơ cho biết cơ quan này vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp, đề nghị truy tố Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam (gọi tắt là Công ty Tây Nam, trụ sở tại tỉnh Hậu Giang); Phạm Tường Thi, Nguyễn Văn Đạt, giám đốc và phó giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến (gọi tắt là Công ty Tân Tiến); 

 

Lê Thanh Hải (nguyên giám đốc ), Trần Huy Liệu (nguyên phó giám đốc), Bùi Tuấn Anh( nguyên trưởng phòng tín dụng doanh nghiệp) cùng thuộc Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ), cùng về tội danh "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" xảy ra tại Agribank Cần Thơ.

Theo kết luận điều tra, qua công tác xác minh, Cục An ninh Nông nghiệp nông thôn - Bộ Công an phát hiện trong các khoản vay hỗ trợ lãi suất của Công ty Tây Nam tại Agribank Cần Thơ có nhiều dấu hiệu nghi vấn trong việc sử dụng vốn vay sai mục đích.

Bộ Công an đã kết hợp với lực lượng chức năng Công an TP.Cần Thơ tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan đến các khoản vay trên.
Tháng 12/2015, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP.Cần Thơ đã khởi tố vụ án hình sự để làm rõ vụ việc. Đến ngày 18/8/2017, Cơ quan ANĐT ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, đồng thời ra quyết định nhập vụ án hình sự, thay đổi quyết định khởi tố các bị can, trong vụ án "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Kết luận điều tra nêu rõ, Hải, Liệu, Tuấn Anh đã bỏ qua các quy định, thiếu kiểm tra, giám sát dự án, nguồn vốn phát vay, tiến độ thực hiện dự án, thông đồng nâng khống giá trị thế chấp, thông đồng lập hồ sơ chứng từ khống để tiếp tay cho Nhân và các đồng phạm rút 259 tỉ đồng từ Agribank Cần Thơ, theo gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi trong việc tiêu thụ hàng hóa nông thủy sản, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo