Xã hội

Hai bệnh nhân Việt Nam đầu tiên nhiễm virus Zika ở đâu?

(DNVN) - Sáng 5/4, Bộ Y tế vừa công bố hai bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus Zika ở TP. Nha Trang và TP. HCM đều có triệu chứng đau mắt, sốt phát ban.

Tin tức trên báo Zing news sáng 5/4, trong buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế, Bộ Y tế đã chính thức công bố hai bệnh nhân tại Việt Nam nhiễm virus Zika.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ, 64 tuổi, cư trú tịa phường Phước Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; khởi phát ngày 26/3 với các triệu chứng sốt nhẹ, đau đầu, nổi ban ở 2 chân và đau mắt đỏ. Bệnh nhân tự uống thuốc hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ.

Virus Zika gây ra chứng tật đầu nhỏ ở trẻ em. Ảnh Reuters.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ, 33 tuổi, cư trú phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP. HCM, khởi phát ngày 29/3 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa quận 2 cùng ngày do lo ngại bị bệnh rubella, nhập viện, kết quả xét nghiệm ngày 31/3 và 1/4 tại Viện Pasteur TP HCM dương tính với virus Zika.

Sau đó kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 2/4 và Đại học Nagasaki đặt tại Viện ngày 4/4 cũng cho kết quả dương tính với virus Zika. Kết quả giám sát các trường hợp người nhà và các hộ gia đình xung quanh chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm virus Zika.

Như vậy, đây là 2 trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, hiện sức khỏe của cả 2 bệnh nhân ổn định.

Để phòng chống virus Zika, báo Khám phá đã đưa ra khuyến cáo chung cho cộng đồng phòng bệnh Zika: 

- Áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng):
+ Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài kể cả ban ngày, dùng kem xua muỗi, hương muỗi.

 

+ Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng, chống dịch.
+ Loại bỏ bọ gậy (loăng quăng): đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ; thu dọn các vật dụng, lật úp dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Không hạn chế việc đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương. Tuy nhiên, người đi/đến/về từ vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị. 

- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc đi/đến/về từ vùng dịch do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị; sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong ít nhất 28 ngày để phòng lây truyền virus Zika qua đường tình dục.

- Thông tin chi tiết về bệnh do virus Zika tham khảo tại Website Cục Y tế dự phòng: vncdc.gov.vn và Bộ Y tế: moh.gov.vn. Điện thoại đường dây nóng: 0989.671.115.

Khuyến cáo cho phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai:

 

- Phụ nữ có thai cần áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika và khám thai định kỳ.
- Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.

- Đối với phụ nữ có thai tại vùng dịch hoặc/và đi về từ vùng có dịch nếu có triệu chứng như sốt, phát ban hoặc các dấu hiệu khác của bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn.

- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần xét nghiệm để phát hiện virus Zika.

- Vợ, chồng, bạn tình đang sống hoặc trở về từ vùng dịch nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám, tư vấn trước khi quyết định mang thai.
- Người từ vùng dịch trở về cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong quá trình mang thai để tránh lây truyền virus Zika cho mẹ và con.

Nên đọc
Hồng Hà (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo