Hai "đại gia" vàng phải nộp tiền nợ thuế mới cho hoạt động trở lại
Sáng 10/7, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam.
Báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác về một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là tình hình hoạt động và nợ thuế của Công ty khai thác vàng Bồng Miêu. Ông Đinh Văn Thu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Công ty này hiện đã bị đình chỉ hoạt động do hết thời hạn giấy phép khai thác.
Trước đó, Công ty này đã hết hạn giấy phép khai thác từ 5/3/2016 nhưng vẫn cố tình khai thác vàng không phép, tỉnh Quảng Nam đã phải có hai văn bản liên tiếp yêu cầu dừng khai thác, Công ty này mới tạm dừng.
Đối với Công ty vàng Phước Sơn, giấy phép khai thác còn đến tháng 4/2017 nhưng trước đó Công ty đã dừng khai thác vàng hơn một năm vì nợ nần. Hiện Công ty này cũng đã chuẩn bị tái khởi động hoạt động vào tháng 8/2016 với sự bảo lãnh nợ của Ngân hàng Việt Á. Tổng số thuế mà Công ty này nợ lên tới 430 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khi tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ, quyết định cấp giấy phép, gia hạn giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản cần phối hợp chặt chẽ với địa phương để đánh giá toàn diện các tác động, ảnh hưởng đến môi trường, đời sống nhân dân, an ninh trật tự và những vấn đề có thể phát sinh để giải quyết phù hợp, tránh tình trạng sau khi đã cấp phép lại tác động xấu đến kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời, kiên quyết đình chỉ hoạt động các tổ chức, cá nhân vi phạm trong khai thác khoáng sản.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, phải kiên quyết với các vấn đề nhức nhối của hai công ty khai thác vàng này, xử lý triệt để theo đúng quy định của pháp luật, không để kéo dài như hiện nay.
Nhấn mạnh về vấn đề này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho hay, đối với hai công ty khai thác vàng là Bồng Miêu và Phước Sơn, phải nộp đầy đủ thuế cho ngân sách, có công nghệ xử lý môi trường bảo đảm tiêu chuẩn, được cấp phép lại thì mới được xem xét hoạt động trở lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo