Hải Dương muốn trụ sở nguy nga:Đừng tiêu tiền dân tùy tiện!
"Xây trụ sở bằng tiền dân phải tính toán cho hợp lý, phải gắn với quy hoạch, gắn với tầm nhìn không phải tùy tiện"...
UBND tỉnh Hải Dương vừa xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung của tỉnh. Hải Dương có đang chạy theo "mốt" hoành tráng?
Khu hành chính Hải Dương đề xuất rộng 19,15 héc ta, tại khu đô thị mới phía đông thành phố Hải Dương với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng.
Nói về chủ trương này, ông Hoàng Mai Khương - Chánh văn phòng UBND tỉnh Hải Dương cho biết, đó mới chỉ là quy hoạch. Vị đại diện lãnh đạo này đánh giá quyết định xây dựng khu hành chính tập trung này là cần thiết. Nhất là trong tương lai, để đảm bảo nhu cầu quản lý hiện đại, dựa trên công nghệ thông tin việc xây trụ sở là yêu cầu cần phải làm.
Ông Khương chia sẻ thêm, tỉnh đã có ý định xây dựng khu hành chính tập trung từ năm 2008, tuy nhiên do nhiều lý do nên chưa thực hiện được.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng, xây trụ sở phải có sự tính toán dựa trên công năng, quy hoạch, quy định mỗi người bao nhiêu mét vuông. Hơn nữa, Chính phủ cũng cần phải có tính toán chung cho mỗi địa phương áp dụng.
Xây dựng trụ sở to, hoành tráng ai cũng muốn nhưng có phù hợp với thời điểm này không khi nguồn thu ngân sách ngày càng giảm, đầu tư công còn lãng phí, chưa hiệu quả. Theo báo cáo mới đây, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương chiếm tới 39,8% trong tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của cả nước. Cho thấy, công tác quản lý, xây dựng còn nhiều bất cập dẫn đến lãng phí, tiêu tốn nguồn lực quốc gia.
Hay như công năng của nó có phù hợp không, ông chia sẻ: "Tôi từng qua một số các công trình thấy rõ công năng của nhiêu công trình này còn chưa hợp lý, lãng phí, xây dựng mang tính chất làm hào nhoáng, hình thức, làm đẹp cho diện mạo địa phương. Không nên chạy theo thành tích, theo tư duy nhiệm kỳ mà phải làm cho được, như vậy rất lãng phí".
Dù Hải Dương có giải thích tổng mức đầu tư công trình khoảng 2.060 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đã phải chi khoảng 1.000 tỉ đồng.
Ngoài ra còn các nguồn vốn khác như vốn sau khi bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các công sở cũ khoảng 200 tỉ đồng, các nguồn thu sử dụng đất của một số dự án trên địa bàn tỉnh cùng vốn được hỗ trợ từ trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác thì cũng phải hiểu đó là tiền của dân.
"Sử dụng tiền của dân phải tính toán cho hợp lý, phải gắn với quy hoạch, gắn với tầm nhìn không phải tùy tiện", Chủ nhiệm Ksor Phước thẳng thắn.
Trước Hải Dương, các tỉnh, thành như Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa...
Theo thống kê, trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng được xây dựng trên diện tích 56.000m2 với tổng vốn đầu tư là 1.014 tỉ đồng, trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rộng khoảng 2 ha có mức tổng đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, Khánh Hòa 5.500 tỷ đồng, trung tâm chính trị - hành chính mới của tỉnh Bình Dương với tổng diện tích rộng hơn 20 ha và trị giá tới 140 triệu USD....
Các tỉnh, thành có dự án xây trung tâm hành chính tập trung đều cho rằng xây dựng trung tâm hành chính mới là cần thiết, hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi cho dân cũng như công tác quản lý.
Tuy nhiên, ngay khi vừa đi vào hoạt động, nhiều bất cập đã xảy ra. ĐBQH Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã nói về những trụ sở hành chính được xây dựng hiện đại như cung điện khiến người dân e dè mỗi khi bước chân đến.
Nhìn từ trường hợp của Bình Dương, có thể là một bài học cay đắng cho lãnh đạo tỉnh này. Từ một địa phương liên tục đứng trong top tốt nhất về năng lực cạnh tranh Bình Dương bất ngờ tụt dốc xuống vị trí 30.
Khi Bình Dương tuột khỏi top 10 PCI, đã có ý kiến rằng, các DN ở đây, cũng như ở tỉnh lớn khác, có quy mô khá lớn, tầm hoạt động rộng, nhất là DN xuất khẩu, nên chịu tác động tiêu cực nhiều hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và trong nước. Chính tình hình kinh doanh không mấy khả quan ảnh hưởng tới đánh giá của họ về môi trường kinh doanh địa phương.
Tuy nhiên, mọi việc dường như đã khác khi nhìn vào sự giảm điểm không phanh của Bình Dương. Ông Đậu Anh Tuấn phân tích, Bình Dương năm nay không giữ được chất lượng điều hành ở hầu hết cả chỉ số thành phần của PCI. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký DN trung bình ở Bình Dương mà DN trải nghiệm vẫn là 15 ngày, trong khi thời gian này tiếp tục được rút ngắn đi ở các địa phương khác. Bình Dương chỉ đạt được điểm trung bình trong các tiêu chí đo lường hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa. Ở chỉ số tiếp cận đất đai và tính minh bạch, điểm số của Bình Dương cũng sụt giảm, dù không đáng kể.
Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo