Hải Dương theo "mốt" xây khu hành chính ngàn tỷ?
Theo đó, khu hành chính rộng 19,15 héc ta tại khu đô thị mới phía đông thành phố Hải Dương với tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng. Đây sẽ là nơi làm việc tập trung của 19 cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền của tỉnh này, bao gồm 5 khu: khu trụ sở của HĐND, UBND, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; khu làm việc khối các sở, ngành thuộc UBND tỉnh; trung tâm hội nghị; khu sân đường nội bộ, cây xanh, quảng trường, bãi để xe, hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà và khu dịch vụ.
Theo UBND tỉnh Hải Dương, tòa nhà làm việc khối các sở, ngành sẽ cao nhất, nhưng không quá 20 tầng. Tổng mức đầu tư công trình khoảng 2.060 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh chi khoảng 1.000 tỉ đồng.
Ngoài ra còn các nguồn vốn khác như vốn sau khi bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các công sở cũ khoảng 200 tỉ đồng, các nguồn thu sử dụng đất của một số dự án trên địa bàn tỉnh cùng vốn được hỗ trợ từ trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo UBND tỉnh này, một trong những nguyên nhân chính của việc xin chủ trương xây dựng khu hành chính tập trung là trụ sở làm việc của HĐND, UBND tỉnh và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đang xuống cấp.
Theo thống kê, trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng được xây dựng trên diện tích 56.000m2 với tổng vốn đầu tư là 1.014 tỉ đồng, trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rộng khoảng 2 ha có mức tổng đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, Khánh Hòa 5.500 tỷ đồng, trung tâm chính trị - hành chính mới của tỉnh Bình Dương với tổng diện tích rộng hơn 20 ha và trị giá tới 140 triệu USD....Dường như Hải Dương cũng đang theo "mốt" xây trung tâm hành chính chi phí cao, quy mô lớn mà trước đó nhiều tỉnh trên cả nước đã làm. Trước Hải Dương, các tỉnh, thành như Bình Dương, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa...
Các tỉnh, thành có dự án xây trung tâm hành chính tập trung đều cho rằng xây dựng trung tâm hành chính mới là cần thiết, hiệu quả, tiết kiệm, thuận lợi cho dân cũng như công tác quản lý.
Tháng 9 năm ngoái, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, câu chuyện dinh thự các cơ quan công quyền nguy nga tráng lệ khắp 63 tỉnh thành đã được mang ra mổ xẻ, tuy nhiên không có địa phương nào bị nêu đích danh.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước rằng: ông đi nhiều nơi thấy nhiều tỉnh nghiêm túc trong xây trụ sở, nhưng không ít tỉnh xây trụ sở như cung điện, như địa điểm để du lịch.
Và ông Phước cũng nói thẳng: “Dân mình đang nghèo tại sao mình làm to như thế?".
Lý giải điều này, đại biểu QH Nguyễn Văn Hiến, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chia sẻ: “Thực sự các cơ quan công quyền đang quá tải, nhiều việc, nhiều người quá chứ không phải trụ sở cao, to rồi để trống!".
Trong khi đó, trao đổi với Đất Việt GS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho rằng, mọi lý do chỉ là để biện hộ bởi thực chất xây mới cũng thu nhập được tiền, phá cũng có tiền.
“Thực chất đây là hình thức dự án. Qua nhiệm kỳ vị nào cũng cố chạy cho mình vài dự án. Có dự án kiểu gì cũng được cắt 10-20%. Cho nên trước đã phá nhiều công trình như trạm máy kéo, nhà văn hóa… thấy rằng phá không biết bao nhiêu tiền của nhân dân”, ông Tri nói.
Theo ông Tri, sở dĩ việc quyết định xây hay phá trụ sở có đặc điểm chung là sử dụng nguồn chi công không đụng chạm đến túi của từng người nên ít phải suy nghĩ. Nhiều dự án đưa ra chỉ để giải ngân. Vừa rồi có nhiều dự án theo kiểu có dự án có tiền còn thực chất hiệu quả không được bao nhiêu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo