Hãi hùng lời kể vụ "hôi của" sau tai nạn chết người ở Hòa Bình
Liên quan đến một số thông tin cho rằng, một số người dân ở huyện Tân Lạc đã “hôi của” sau khi xe tải chở cám gặp tai nạn khiến 2 người tử vong, một lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, hiện chưa có báo cáo chính thức về sự việc nhưng theo báo cáo sơ bộ, việc “hôi của” như một số thông tin đưa ra là không chính xác.
Trao đổi với báo chí, Trung tá Bùi Văn Hà - Phó trưởng Công an huyện Tân Lạc cho biết, ông là một trong những người có mặt trong suốt quá trình bảo vệ hiện trường, giải quyết hậu quả của vụ tai nạn giao thông liên quan đến chiếc ô tô chở cám đâm vào vách núi trên QL6 thuộc địa bàn xã Quy Hậu nên toàn bộ diễn biến vụ việc nắm rõ nhất, theo tin tức trên báo Đất Việt.
Theo lời kể của Trung tá Hà, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 0h450 ngày 19/5 và đến tận gần trưa cùng ngày, lực lượng chức năng mới xử lý xong hiện trường.
Vụ tai nạn đã khiến phần đầu xe bị bẹp, hai nạn nhân tử vong bị kẹt trong buồng lái, các bao thức ăn gia súc vương vãi khắp nơi nên phải mất rất nhiều thời gian mới dọp dẹp xong hiện trường.
“Nhận được thông tin, Công an huyện đã cử lực lượng tới hiện trường xử lý nhưng do ít người, chúng tôi phải huy động cả lực lượng dân quân tới hỗ trợ, đến sáng còn phải nhờ cả người dân trong xóm nơi gần hiện trường vụ tai nạn tới giúp sức mới dọn dẹp xong”, Trung tá Hà cho biết thêm.
Bên cạnh đó, do chủ hàng không có mặt ở hiện trường nên mọi người phải bốc dỡ, thu gom toàn bộ tài sản trên xe (21 tấn cám) gọn vào một chỗ để chờ chủ hàng đến nhận.
"Đến khoảng 8-9h ngày 19/5, chủ hàng mới đến và nhờ bà con bốc hàng lên một chiếc xe khác.
Còn lại những bao hàng bị vỡ vụn, rơi vãi tại hiện trường, đích thân chủ hàng cho bà con đem về sử dụng coi như là cảm ơn bà con vì đã vất vả cả đêm dọn dẹp hiện trường.
Do đó bà con mới mang phương tiện ra chở về chứ tuyệt đối không có chuyện người dân xông vào hôi của. Quá trình bà con thu nhặt những bao hàng bị vỡ chúng tôi cũng có mặt tại đó", Trung tá Hà nói.
Theo Phó trưởng Công an huyện Tân Lạc, từ lúc trên mạng xuất hiện thông tin cho rằng người dân lợi dụng tai nạn để ra hôi của khiến dư luận bà con địa phương hết sức bức xúc.
"Họ vất vả cả đêm giúp đỡ lực lượng chức năng với cả tấm lòng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của người dân và cả lực lượng chức năng địa phương", Trung tá Hà cho hay.
Trong khi đó, để tìm hiểu sự thực về câu chuyện, chiều 20/5, PV VTC News đã về tận nơi xảy ra tai nạn để xác minh vụ việc. Một ngày sau vụ tai nạn xảy ra, hiện trường vẫn còn dấu hiệu của vụ va chạm thảm khốc. Vài chiếc bao rách, mùi tanh của cám công nghiệp ngấm vào đất vẫn âm ẩm bốc lên. Chiếc hố sâu, nơi chiếc xe tải cắm đầu xuống khiến hai người đàn ông thiệt mạng cảm giác lạnh lẽo, hoang tàn. Thỉnh thoảng, vài người dân đi đường xuống xe máy, đặt vào trong bát hương ven đường mấy đồng tiền lẻ.
Trở lại hiện trường vụ tai nạn, bà Nguyễn Thị Bình, một người dân địa phương ở đây kể lại: "Nửa đêm, tôi nghe tin có 3 người đi xe mất phanh đâm vào vách núi. Khi ra đến nơi công an đã có mặt để bảo vệ hiện trường. Lúc ấy tôi chỉ biết có 2 người chết và một người bị thương. Duy nhất một người nhảy ra khỏi xe thì còn sống.
Đến sáng hôm sau, hai người chết đã được đưa đi, chỉ người may mắn sống sót vẫn ngồi lại đó, các bà lấy thuốc để sơ cứu cho. Tôi còn hỏi cháu ăn gì để cô lấy? Cậu ấy trả lời cháu còn bồn chồn lắm nên chưa muốn ăn gì. Từ tối hôm trước đến sáng hôm sau, cậu ấy vẫn ngồi như vậy.
Các bà còn hỏi, tí nữa có xe nào về hay không vì lúc đó cứu hộ đã lấy xe tải gặp nạn đi rồi. Cậu ấy bảo còn chờ công ty xuống lấy hơn 20 tấn hàng. Lúc ấy, đống hàng nó nằm dài dọc đường, người dân đã giúp mua bạt che khi trời bắt đầu mưa. Thế thì, ai dám đến đây mà trộm cắp?".
Bà Bình cho rằng, vì chiếc xe chúc xuống dưới hố, để cứu hộ lấy được xác hai nạn nhân thì phải kéo rất nhiều bao cám lên. Trong lúc cứu hộ có rất nhiều bao cám vỡ ra tung tóe, cám chất lên thành đống bị trộn lẫn đất đá và cả máu và những mảnh thủy tinh. Khi xe của công ty cám đến, họ thuê 10 người dân với giá 4 triệu để bốc vác hàng lên xe.
"Khi bốc vác người dân cũng đã nói với chủ hàng, những cái rơi vãi này thì cho bà con nhé. Người của công ty vẫn vâng, ừ, có nói ăn trộm ăn cắp gì đâu. Thế mà bây giờ lên mạng cứ nói là chúng tôi trộm cắp đồ, hôi của. Dân người ta đi qua đường này thấy vương vãi mà lúc ấy trời cũng xầm xì sắp mưa, sợ nước cuốn trôi đi nên cũng xuống xin nhặt mang về cho gà chứ có tranh cướp gì của ai đâu.
Nếu nói ăn cắp, ăn trộm họ đã lấy từ lúc tối, từ lúc mà xe cứu hộ đến lấy xe cứu người đi. Dân ở đây họ đã đảm bảo cho đến lúc xe công ty đến mang đi. Tôi cũng có nhặt, người ta cũng có nhặt, người đi đường cũng rất nhiều. Người ta có giúp cho tổ bốc vác lên xe với cũng cho người ta là ăn trộm à?", bà Bình nói.
"Người nông dân họ sống tiết kiệm, thấy hạt thóc hạt lúa rơi vãi còn nhặt. Nếu hôm ấy người ta không cho nhặt, với lại thấy trời sắp mưa thì chắc cũng không ai lấy. Đoạn đường này là điểm đen tai nạn, từ xưa đến nay có rất nhiều người chết vì tai nạn giao thông. Gặp ai chúng tôi cũng giúp đỡ, cứu chữa chứ không bao giờ có ý nghĩ lợi dụng để lấy tài sản của người khác. Nói chúng tôi không giúp đỡ người đi đường mà lao vào hôi của là quá đáng” - bà Bình nói thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo