Hãi hùng rau muống trên sông...độc
Hái cho lợn ăn, lợn còn tiêu chảy
Chị Bùi Thị Quy cầm trên tay bó rau muống xanh tốt đến kỳ lạ và rất vô tư nói với từ dưới thuyền lên cho chúng tôi nghe về những “món lời phù sa” trên dòng sông Nhuệ.
Chị bảo, từ mùa đông năm 2011 đến nay, thôn Yên Lão có mười bảy, mười tám người sáng nào cũng mang thuyền nan ra sông Nhuệ (đoạn qua xã Hoàng Tây) hái rau muống tự nhiên, bán kiếm tiền phụ thêm cho cuộc sống gia đình.
Chiều đến, thương lái từ Thường Tín (Hà Nội) đi ô tô tải dọc theo tuyến đê sông Nhuệ mua gom rau muống trái mùa với giá 2.500 đồng/bó, rồi chở về phân phối cho các chủ rau tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội.
Trong lúc chị Quy xếp từng bó rau muống xuống mép nước đen ngòm, sặc mùi tanh hôi của dòng sông Nhuệ, để lộ hai bàn tay với nhiều nốt mẩn đỏ, các khứa xước nứt thâm đen trên từng vành móng tay.
Qua trò chuyện, chị Quy thừa nhận gia đình chị và các hộ dân ở thôn Yên Lão cũng như các hộ gia đình đang sinh sống dọc theo hai bên bờ sông Nhuệ đoạn qua xã Hoàng Tây từ nhiều năm qua không ăn rau muống sông Nhuệ.
Việc trên, ông Lê Văn Lợi (Cán bộ thú y xã Hoàng Tây) cho biết: “Bà con thấy rau muống ven sông Nhuệ kết bè xanh tốt quanh năm, nhiều hộ gia đình hái về cho lợn ăn, lợn còn bị tiêu chảy... hàng loạt; do vậy, bà con không dám ăn, chỉ bán thôi, bán đi đâu xã Hoàng Tây không quản lý, không biết...”.
Hiện tượng ô nhiễm nghiêm trọng sông Nhuệ - Đáy đã tồn tại nhiều năm qua, khiến nhiều loài cá và các loài động, thực vật thủy sinh trên lưu vực sông này chết hàng loạt.
Duy chỉ còn loài cá dọn bể, ốc bươu vàng, hến và rau muống là có khả năng thích ứng, tồn tại và sinh sản, phát triển một cách lạ thường.
Tuy nhiên, bác sỹ Lê Văn Tuấn - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoàng Tây - cho biết: “Sở Y tế tỉnh Hà Nam nhiều lần khuyến cáo bà con xã Hoàng Tây không sử dụng các loại rau và thủy sản có nguồn gốc bị ảnh hưởng trực tiếp do ô nhiễm môi trường của lưu vực sông Nhuệ - Đáy làm thức ăn cho người và gia súc, gia cầm”.
Ai “giết” dòng sông?
Chứng minh cho việc sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng, các cơ quan chuyên môn Hà Nam đã lấy mẫu nước sông Nhuệ phân tích thấy một số chất ô nhiễm đều vượt mức cho phép, trong đó hàm lượng Amoni (NH4) vượt tiêu chuẩn từ 96 - 360 lần; Nitrit vượt 8,7 lần; COD vượt 12,32 - 72 lần; BOD vượt 4,5 - 24,7 lần.
Theo Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lưu vực hai sông Nhuệ - Đáy hiện đang hứng chịu nguồn rác thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp của 6 tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Hà Tây, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.
Tại các địa phương này, hàng ngày có khoảng 116 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và gần 300 làng nghề xả khoảng 321.000m3 nước thải chưa qua xử lý ra lưu vực hai sông Đáy - Nhuệ.
Liên quan tới sự việc ô nhiễm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo, chỉ tính riêng Hà Nội, mỗi ngày có khoảng 44.000 - 62.000m3 nước thải hỗn hợp và 10.000m3 nước thải y tế, trong đó có khoảng 63% chưa qua xử lý, xả thẳng vào lưu vực sông Nhuệ.
Trong đó, cứ 100ml nước thải qua xét nghiệm có 9.500 vi khuẩn gây bệnh và 75 vi khuẩn kỵ khí.
Làm rõ tác hại trên, Trường Đại học Y khoa Hà Nội có cuộc điều tra và đánh giá về tác động môi trường ô nhiễm của sông Nhuệ đối với đời sống một số địa phương ở Hà Nam, trong đó có xã Hoàng Tây và xã Tây Sơn của huyện Kim Bảng, cho thấy: Trẻ em dưới 5 tuổi của xã Hoàng Tây có 21% mắc bệnh ỉa chảy, xã Tây Sơn là 12,4%.
Cả hai xã có tỷ lệ trẻ em mắc bệnh giun đũa là 86%, giun tóc 76%, giun móc 9%; số người mắc bệnh về mắt 59%; phụ nữ mắc bệnh phụ khoa 53%. Số người mắc bệnh mẩn ngứa ngoài da như chị Quy là 20%.
Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường đã tiến hành chọn mẫu khám sức khỏe cho 219 hộ và làm xét nghiệm cho 100 người dân các xã Bồ Đề, Hòa Hậu và thị trấn Vĩnh Trụ có tiền sử dùng nước giếng khoan và sử dụng các loại thực phẩm, thức ăn có nguồn gốc từ các dòng sông bị ô nhiễm, phát hiện số trường hợp có dấu hiệu mắc bệnh ung thư đang có xu hướng gia tăng.
Những câu hỏi
Các cụ đã cảnh báo “bệnh nhập tòng khẩu”, hiểu theo nghĩa: bệnh tật nhập vào cơ thể qua con đường ăn uống. Với hiện trạng ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông Châu Giang, sông Nhuệ - Đáy trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện nay, các loại động, thực vật thủy sinh còn tồn tại vì đã thích ứng với môi trường độc hại, liệu chúng có bị nhiễm khuẩn và các độc tố như thạch tín Asennic?
Các loại sản phẩm như những bó rau muống trái mùa xanh non mơn mởn trên dòng sông Nhuệ mà chị Quy và một số phụ nữ của xã Hoàng Tây vẫn thường ngày hái bán cho thương lái để mưu sinh, liệu có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?
Câu trả lời như thường thấy, có lẽ lại dành cho những “người tiêu dùng thông thái” là các chị, các bà ở Hà Nội thường ngày lo công chuyện bếp núc. Còn rau muống vốn được mang danh quốc hồn quốc túy, vẫn là món không thể thiếu trên mỗi mâm cơm...
Theo Phapluatvn.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo