Thị trường

Hai năm tới, Quốc hội yêu cầu Chính phủ những gì?

Chưa khởi công xây dựng trụ sở mới các cấp, giảm bớt các đoàn tham quan học tập cả trong và ngoài nước… rất nhiều các yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm đã được Quốc hội dự kiến đưa ra với Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch năm sau và năm sau nữa.

Đầu giờ phiên họp sáng thứ Hai (11/11), Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.

Theo nghị trình, ngay đầu giờ phiên họp sáng thứ Hai (11/11), Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.

Từ đầu tuần làm việc thứ ba, bản dự thảo nghị quyết này đã được gửi đến từng vị đại biểu, xin ý kiến để tiếp thu, hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét thông qua.

Có thể không nhiều hơn về số trang, song nội dung của văn bản này lại rộng hơn rất nhiều các bản dự thảo nghị quyết của các kỳ họp cuối năm khác. Bởi, nó bao gồm cả những yêu cầu của Quốc hội với Chính phủ trong cả hai năm 2014 – 2015.

Đánh giá về tình hình 3 năm đầu nhiệm kỳ, dự thảo nghị quyết nêu, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp theo Nghị quyết đại hội Đảng 11 và nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2011 – 2015. Kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trong 1 – 2 năm tới.

Theo dự thảo nghị quyết, hai năm 2014 – 2015 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6%/năm, CPI tăng khoảng 7%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 31 – 32%... nhưng không đề cập con số bội chi.

Như vậy, với GDP ba năm 2011 – 2013 là 5,63% theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì đây sẽ là chỉ tiêu đầu tiên không thể cán đích 6,5 – 7% ở kế hoạch 5 năm. Tương tự, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng hụt xa con số 33,5 – 35% đã được Quốc hội quyết định. Và, bội chi ngân sách dưới 4,5% cho 2015 (có cộng thêm trái phiếu Chính phủ) cũng sẽ chỉ niềm mơ ước.

Nhưng, dự thảo nghị quyết không đặt vấn đề điều chỉnh bất cứ chỉ tiêu nào cho hai năm tới và cho cả nhiệm kỳ.

Quốc hội yêu cầu trong 2014 – 2015 Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành tăng tính ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung xử lý những hạn chế, yếu kém, nhất là ổn định và lành mạnh hóa thị trường tài chính, nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, xử lý cơ bản nợ xấu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý các công trình xây dựng dở dang….

Ở các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cho năm 2014, dự thảo cũng thể hiện sự tiếp thu khá nhiều ý kiến của các vị đại biểu tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội.

Như ưu tiên vốn để xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản; cơ cấu lại hợp lý kỳ hạn nợ, lãi suất, tăng cho vay tiêu dùng; thực hiện công khai minh bạch toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp trước xã hội…

Một yêu cầu khá cứng rắn cũng được Quốc hội đưa ra là kiểm tra, rà soát việc sở hữu và sở hữu chéo trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh vàng, báo cáo kết quả với Quốc hội tại kỳ họp thứ Bảy (giữa năm 2014).

Quốc hội cũng yêu cầu từ nay đến 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế, rà soát sắp xếp lại biên chế cán bộ hiện có theo vị trí việc làm, có đề án xử lý cán bộ dôi dư.

Minh bạch hóa giá thành giá điện và năm 2014 cơ bản thực hiện giá thị trường về giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng là nội dung được thể hiện.

Bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, giữ vững chủ quyền biển đảo, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hiện các giải pháp mạnh mẽ ngăn ngừa sự xuống cấp về lối sống và đạo đức xã hội… là các yêu cầu nhận được sự đồng tình cao của đại biểu khi góp ý cho dự thảo nghị quyết.

Về các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2014, GDP được dự kiến tăng khoảng 5,8%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP, bội chi ngân sách nhà nước không quá 5,3% GDP và CPI khoảng 7%.

Theo Vneconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo