Xã hội

Hải Phòng: Chợ cá sẽ trôi về đâu?

Doanh Nghiệp và Hội Nhập vừa nhận được đơn kêu cứu của 11 hộ kinh doanh cá cảnh tại vườn hoa Nguyễn Du dải Trung tâm TP Hải Phòng về việc bị cưỡng chế thu hồi mặt bằng ki-ốt kinh doanh khi chợ cũ chưa thể đi và chợ mới thì không thể đến.

Sẽ cưỡng chế chợ cũ?

Qua trao đổi, ông Dương Đình Ổn, Phó chủ tịch UBND quận Hồng Bàng cho  biết : “Chúng tôi không hỗ trợ cho các hộ vì trong hợp đồng thuê số 06/2011/HDKT ghi rõ về điều 7 khoản c là nếu thành phố hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền quyết định thu hồi mặt bằng cho thuê sử dụng vào mục đích khác theo quy hoạch chung của thành phố. Bên A có trách nhiệm thông báo cho bên B trước 15 ngày. Bên B phải bàn giao lại nguyên trạng mặt bằng và không yêu cầu bồi thường hoặc đền bù. Ngày 31/12/2011 đã chấm dứt hợp đồng và đã ký biên bản thanh lý hợp đồng”

11 hộ kinh doanh cá cảnh tại vườn hoa Nguyễn Du dải Trung tâm TP Hải Phòng đang kêu cứu.

 “Chúng tôi sẽ cưỡng chế thực hiện đúng nhiệm vụ, chỉ đạo của thành phố, không ai muốn phải cưỡng chế, mong sao các hộ kinh doanh chấp hành theo pháp luật để chúng tôi không cần sử dụng đến biện pháp cuối cùng là cưỡng chế.” Lãnh  đạo Công an quận Hồng Bàng tiếp tục cho chúng tôi biết.

Theo đơn kêu cứu, thì năm 2008 các hộ kinh doanh được Công ty công viên Hải Phòng cho thuê mặt bằng kinh doanh bán cá cảnh tại vườn hoa Nguyễn Du, Hải Phòng theo hợp đồng số 01/HDKT. Sau khi nhận được thông báo  từ UBND quận Hồng Bàng về chủ trương di rời để bàn giao trả lại mặt bằng theo định hướng phát triển  đô thị của thành phố họ hoàn toàn ủng hộ. Họ không muốn mình phải làm trái, phải bị cưỡng chế thi hành chỉ tha thiết mong mỏi UBND quận bồi thường hỗ trợ phần nào cho những hộ gia đình kinh doanh để họ có thể tự nguyện di rời. Bên cạnh việc đề nghị UBND bồi thường tài sản trên đất và hỗ trợ do thu hồi đất cùng chi phí di rời, các hộ kinh doanh cũng mong muốn được hỗ trợ theo lộ trình trả dần tiền thuê mặt bằng theo từng năm một nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế, áp lực khó khăn , tạo điều kiện cho họ tới nơi mới tiếp tục kinh doanh ổn định nuôi sống gia đình.

Có mặt  tại  ki-ốt số 5, chị Vũ Thị Huệ nói : “Do không có tiền nên tôi đã phải bán nhà, bán hết tài sản của cả gia đình để đầu tư thiết bị vào việc buôn bán hàng cá cảnh. Hiện gia đình tôi vẫn phải sinh hoạt tại ki-ốt, cuộc sống bấp bênh do kinh tế không ổn định.Giờ phải tháo dỡ coi như là phá tan toàn bộ tiền của công sức đã đầu tư vào đây rồi lại có vài trăm triệu ở nơi chợ mới chúng tôi biết làm sao? Mong các cấp đừng ép chúng tôi vào chân tường!”

Gia đình chị Hoàng Thị Hồng chủ ki-ốt số 7 và 8 nhiều năm nay đã làm đơn đề nghị tới các cấp chính quyền yêu cầu về việc bồi thường tài sản trên đất và hỗ trợ do thu hồi đất. Ngày 15/12 vừa qua chị đã làm đơn khởi kiện hành chính tới TAND quận Hồng Bàng, gặp chúng tôi chị trần tình chia sẻ:“ Hiện tôi đang phải cầm cố nhà cửa để có vốn kinh doanh giờ UBND quận Hồng Bàng yêu cầu cưỡng chế phải di rời sang ki-ốt mới với số tiền thuê cửa hàng quá lớn, chưa kể toàn bộ cá, bể cá, dụng cụ nuôi cá…đều phải thay thế mất mà việc gián đoạn kinh doanh mất cả vài trăm triệu đồng.Không những  chúng tôi  thiệt hại hữu hình  mà còn thiệt hại  những thứ vô hình như cơ hội kinh doanh, hỏi rằng bao giờ chúng tôi mới lấy lại được sự ổn định cân bằng?Nhất định chúng tôi sẽ không di rời nếu thành phố không xem xét  đến những khó khăn chồng chất cho chúng tôi.”. Éo le không kém là trường hợp của chị Vũ Thị Liên :“Tôi đang bị bệnh hiểm nghèo phải chạy thận, con trai thì bị thiểu năng trí tuệ, mẹ già bệnh tật, nên cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào cửa hàng kinh doanh cá cảnh. Mong thành phố và các cấp chính quyền hãy quan tâm vì đằng sau ki- ốt kinh doanh cá là cuộc sống an sinh của tất cả chúng tôi những người bệnh tật đang gắng gượng từng ngày” .

Chợ mới thì không thể tới

 

 11 hộ kinh doanh không những như ngồi trên đống lửa thấp thỏm lo âu trước quyết định cưỡng chế “lạnh băng” của UBND Quận Hồng Bàng. Về được chợ mới để tiếp tục kinh doanh cũng là cả một thách thức đối với họ. Được biết, giá của mỗi ki-ốt ở chợ mới mỗi hộ kinh doanh phải thuê với giá hơn 105tr/3 năm; cơ sở hạ tầng thiếu thốn,tổng số tiền để lắp đặt hệ thống điện nước ở chợ mới ước tính chi phí tới vài tỷ đồng. Một hộ đã mua ki-ốt ở Lạch Tray xong do chưa có điện nước, đường thoát nên họ không thể chuyển đến do đặc thù của việc kinh doanh cá cảnh phải luôn duy trì sự sống cho cá . Theo ông Trần Hữu Xuân, phó chủ tịch UBND quận Ngô Quyền thì :“Vấn đề điện nước các hộ kinh doanh phải cử đại diện ra thì chúng tôi sẽ làm chứ thành phố không cho chúng tôi tiền để làm.Việc thuê cửa hàng thì ba năm trả một lần với số tiền hơn 105 triệu đồng không thể giảm được. Công trình này do chủ  đầu tư họ bỏ vốn ra xây dựng ki- ốt giờ họ phải thu hồi về chứ.”

Vừa gặp PV, một chủ kinh doanh ki- ốt cá cảnh bức xúc: “Chúng tôi ra đây được sự cho phép của lãnh đạo UBND thành phố từ năm 2008. Chúng tôi đầu tư cả tỷ đồng vào đây để mưu sinh, giờ bắt chúng tôi ra đi tay trắng lại chồng hàng tỷ vào nơi mới. Chỉ vì lợi ích của một số cá nhân đã bỏ tiền đầu tư các ki-ốt không phù hợp lại ép chúng tôi vào đó để thu lợi lớn. Chỉ vì lợi ích nhóm núp bóng định hướng của thành phố cho chỉnh trang đô thị mà ép 11 hộ kinh doanh và phía sau không biết bao nhiêu con người của chúng tôi vào chỗ khốn cùng!”

Việc di rời các hộ kinh doanh cá cảnh tại vườn hoa Nguyễn Du dải trung tâm thành phố dường như càng ngày càng trở nên căng thẳng bế tắc. Họ chưa biết đi đâu về đâu bởi khó khăn chồng khó khăn khi nơi cũ chưa thể đi nơi mới không thể đến. Họ  chỉ mong mỏi các ban ngành có chức năng, các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện cho họ để họ có thể tự nguyện di rời, ổn định  kinh doanh và cuộc sống.

Nên đọc
Theo Doanh nghiệp Hội nhập
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo