Hải Phòng: Khánh kiệt vì kiện đòi bồi thường án oan
17 năm trước, ông Nguyễn Hồng Cầu - một nông dân ở xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) - bị bắt về tội trộm cắp tài sản công dân khi… thu hoạch lúa trên chính mảnh ruộng của gia đình mình. Các phiên tòa hình sự sơ thẩm, phúc thẩm ở Hải Phòng đều khẳng định người này phạm tội “trộm cắp tài sản”. Sau nhiều năm kiên trì khiếu nại, kháng nghị, TAND tối cao kết luận các cấp tòa đã xử không đúng pháp luật và tuyên người này vô tội.
Suốt hơn 10 năm qua, ông Nguyễn Hồng Cầu dù gia đình khánh kiệt vẫn kiên trì đi kiện vì cho rằng có quá nhiều kẽ hở dẫn đến án oan của mình trong khi đó những người gây ra vụ việc vẫn không chịu trách nhiệm gì.
Bắt người, tịch thu tài sản trái luật
Cuối tháng 5.1997, gia đình ông Nguyễn Hồng Cầu (SN 1964, ở thôn Thủy Hưng, xã Đông Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) xuất hiện các cán bộ xã. Họ bắt ông Cầu lên xã, sau đó giải lên huyện vì tội trộm cắp tài sản.
Nguyên nhân xảy ra vụ việc xuất phát từ việc ông Cầu tự ý gặt lúa trên phần đất của mình, nhưng mảnh đất này đã bị xã tịch thu, giao cho một người khác cấy lúa.
Từ năm 1994, ông Nguyễn Hồng Cầu được UBND huyện Tiên Lãng giao quyền sử dụng 3.040m2 đất để sản xuất nông nghiệp.
Năm 1996, ông Cầu nợ đọng sản phẩm 97kg thóc (gồm thóc thủy lợi phí, thóc quỹ dịch vụ nông nghiệp và thóc thổ cư dư thừa).
Việc ông Cầu nợ đọng thuế xuất phát từ việc ông cùng 11 hộ dân khác phản ứng về việc UBND xã cho một người trong xã nuôi cá trên diện tích đất của họ, dẫn đến việc cá ăn lúa của những hộ gia đình này.
Các hộ gia đình khiếu kiện lên UBND xã, ông Cầu cho rằng UBND xã Đông Hưng chưa giải quyết xong vụ việc cá ăn lúa của gia đình ông (tương đương 240kg thóc) nên ông phản ứng lại bằng cách không nộp thóc cho UBND xã vụ mùa 1997.
Thắc mắc của ông Cầu chưa được giải quyết thì ngày 15.1.1997, UBND xã Đông Hưng ra quyết định tạm rút 1.080m2 đất của gia đình ông Cầu giao cho anh Phạm Minh Tuân. Khi anh Tuân cấy lúa, ông Cầu phản ứng lại bằng cách gặt lúa trên diện tích (lúc đó vẫn thuộc quyền quản lý của ông Cầu).
Ngày 25.5.1997 ông Cầu gặt lúa thì 2 ngày sau, lực lượng UBND xã Đông Hưng gồm chính quyền, công an đến bắt ông Cầu đưa về trụ sở, sau đó Công an huyện bắt giam ông Cầu về tội “trộm cắp tài sản”.
Cùng với việc bắt ông Cầu, chính quyền xã Đông Hưng đã đưa lực lượng đến, chở 9 bao thóc với trọng lượng 261 kg (theo ông Cầu số thóc là hơn 1 tấn).
Sau khi cơ quan CSĐT (Công an huyện Tiên Lãng) hoàn chỉnh thủ tục điều tra chuyển Viện KSND cùng cấp, ngày 30.6.1997, TAND huyện Tiên Lãng mở phiên tòa xử Nguyễn Hồng Cầu phạm tội trộm cắp tài sản, tuyên phạt ông Cầu 3 tháng tù giam.
Cho rằng bị oan, bị cáo Nguyễn Hồng Cầu tiếp tục kháng cáo lên TAND TP.Hải Phòng và phiên tòa này vẫn giữ nguyên tội danh, giảm mức hình phạt xuống còn 2 tháng 10 ngày.
Trước nỗi oan khuất khi chỉ vì một vụ việc mình gặt lúa người khác cấy trên đất của mình, ông Cầu đã kháng nghị lên TAND tối cao.
Tại phiên xử này, TAND tối cao xét các tình tiết liên quan đã ra phán quyết: TAND các cấp kết án Nguyễn Hồng Cầu về tội “trộm cắp tài sản của công dân” là không đúng pháp luật…
Việc tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Hồng Cầu xuống còn 2 tháng 10 ngày tù là không đúng pháp luật, vì theo điều 25 Bộ luật hình sự thì mức phạt tù tối thiểu là 3 tháng.
Khánh kiệt vì án oan
Tính tới thời điểm này, đã 17 năm trôi qua kể từ ngày ông Nguyễn Hồng Cầu bị bắt về tội “trộm cắp tài sản”.
17 năm qua, trong thời gian ngồi trong tù ông Cầu một mực kêu oan. Tuy vậy, thay vì lắng nghe ý kiến của ông, cơ quan CSĐT huyện Tiên Lãng lại cho rằng đây là hành vi ngoan cố trong Bản kết luận điều tra vụ án hình sự này do ông Phạm Văn Kết - Phó trưởng CA huyện Tiên Lãng lúc đó - ký...
Ông Cầu vẫn cho rằng có nhiều khuất tất đằng sau vụ việc ông bị bắt tù.
Không chỉ có vậy, trong thời gian ông Cầu bị bắt giam, xưởng mộc do gia đình ông bỗng bị cháy rụi. Thóc lúa bị tịch thu, xưởng mộc bị cháy khiến gia đình ông Cầu lâm vào cảnh khốn cùng, con cái phải bỏ học giữa chừng vì nhà chạy ăn từng bữa.
Sau khi TAND tối cao tuyên ông Cầu vô tội, ông Nguyễn Hồng Cầu nộp đơn khởi kiện các cấp tố tụng đã gây nên oan sai cho ông, khiến cả gia đình ông rơi vào cảnh khốn cùng.
Sau đó, TAND Tp Hải Phòng bị buộc phải bồi thường cho ông Cầu số tiền 17.377.000 đồng và xin lỗi, cải chính công khai cho ông Nguyễn Hồng Cầu bằng các hình thức: Đăng trên một tờ báo trung ương 3 số liên tiếp và xin lỗi ông tại địa phương.
Tuy vậy, không đồng ý với bản án trên, ông Cầu cho rằng thiệt hại của mình lớn hơn thế nhiều. Với các chi phí phải vay nợ để theo kiện, trong thời gian ông đi tù bị cháy xưởng mộc… mọi chi phí ông đề nghị là hơn 600 triệu đồng. Ngoài ra, theo ông Cầu đề nghị những cán bộ tố tụng đã làm sai phải bị xử lý.
Việc TAND TP.Hải Phòng bác đề nghị này khiến ông Cầu tiếp tục kháng nghị nhưng suốt nhiều năm qua chưa được giải quyết.
Sự việc kéo dài tới mức những cán bộ đã gây nên án oan cho ông Cầu đã… quên chuyện này. Ông Trưởng công an xã và ông Chủ tịch UBND xã Đông Hưng (những người trực tiếp bắt, tịch thu thóc của ông Cầu) khi trả lời phóng viên Lao Động đều khẳng định: Việc đó xảy ra lâu lắm rồi, làm sao chúng tôi nhớ được. Chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên cấp trên nên phải chờ tìm hồ sơ đã. Thậm chí ông chủ tịch xã Đông Hưng còn vô tư hỏi lại phóng viên “Ông Cầu có oan thật không?”.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo