Xã hội

Hải Phòng: Người thất nghiệp “chê” hỗ trợ học nghề

Người thất nghiệp không những được hưởng trợ cấp thất nghiệp mà còn được hỗ trợ học nghề để có cơ hội quay lại thị trường lao động. Một chính sách mang ý nghĩa rất nhân văn nhưng tại Hải Phòng, người thất nghiệp “chê” hỗ trợ, còn người thực thi chính sách thì lắc đầu bó tay.

Thờ ơ học nghề

Chính sách hỗ trợ học nghề cho những người thất nghiệp được ban hành từ năm 2010. Nhưng trong 3 năm đầu, từ năm 2010 đến năm 2012, theo thống kê của Trung tâm giới thiệu việc làm Hải Phòng thì tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 11.575 người, với số tiền lên đến hơn 62 tỷ đồng nhưng không ai đăng ký học nghề.

Sang năm 2013, Hải Phòng mới “ngấp nghé” có người đăng ký hỗ trợ học nghề. 4 tháng đầu năm 2013, trong số người hưởng trợ cấp thất nghiệp là 2.242 người (nhận số tiền là 19 tỷ đồng) thì mới có 187 người đăng ký hỗ trợ học nghề và số tiền hỗ trợ học nghề là 168 triệu đồng (tính ra số tiền hỗ trợ học nghề chỉ bằng 0,88% số tiền trợ cấp thất nghiệp).

Chúng tôi gặp chị Vũ Thị Hồng ở xã Trường Thọ, huyện An Lão, chị cho biết vừa bị mất việc do nhà máy nơi chị làm việc phá sản và đang tính nhận tiền hỗ trợ thất nghiệp để làm việc khác.

Khi được hỏi về nhu cầu đăng ký học nghề, chị Hồng trả lời: “Ôi trời, từ quê ra thành phố học nghề chi phí rất lớn, số hỗ trợ học nghề không thấm vào đâu. Hơn nữa, có học cũng vẫn thế, chưa chắc xin được việc làm mới. Về quê tìm việc nhì nhằng gì đó cũng được”.

Anh Đỗ Đoàn Hưng, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng đứng kế bên chị Hồng nói thêm: “Mình cũng muốn học nghề sửa chữa xe máy nhưng thời gian học ngắn quá, 3 tháng chẳng thấm vào đâu, cầm cái chứng chỉ nghề sơ cấp mang đi xin việc thì không xin được mà mở cửa hàng ở nhà thì cũng làm không xong. Vì thế cũng chẳng thiết tha học nghề”.

Hỗ trợ cần “ra tấm ra món”

Lý giải cho thực trạng trên, bà Bùi Thị Nga- Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hải Phòng cho biết, hiện nay, các nghề được dạy ở Trung tâm Dạy nghề Hải Phòng chủ yếu nhóm nghề giản đơn như nấu ăn, tin học, sửa chữa xe máy, pha chế đồ uống...

Khi người thất nghiệp đăng ký học nghề sẽ được hỗ trợ tối đa 300.000 đồng/tháng để học nghề (không hỗ trợ tiền trực tiếp cho người học nghề) và học không quá 1 năm cho tất cả các nghề nhưng hầu hết các lớp ở trung tâm cũng chỉ học từ 3 -6 tháng. Vì số tiền trợ cấp học nghề quá ít, cộng với thời gian học nghề quá ngắn theo kiểu đào tạo chờ đợi hỗ trợ học phí nên người học nghề học chỉ để... cho biết.

Chị Nguyễn Thị Nhung, xã Lâm Động, huyện Thủy Nguyên nêu thực tế từ chính lao động quê mình: “Chúng tôi từ quê vào làm các khu công nghiệp, hầu hết là lao động phổ thông. Khi bị mất việc, cuộc sống sẽ rất khó khăn vì không có tích lũy nên rất e dè học nghề, đầu tư kỹ năng làm việc”.

Hiện chị Nhung cũng đang học nghề mát xa ở Trung tâm giới thiệu việc làm Hải Phòng nhưng chị cũng bày tỏ là “Học để cho biết, để về nhà mát xa cho những người thân trong gia đình chứ tôi chưa nghĩ tới việc mở cửa hàng bởi tôi chỉ được học những cách mát xa cơ bản ở đầu, mặt, tay, chân…”.

Chị Kiều Thị Hạnh (xã Trường Thọ, huyện An Lão) nêu một thực tế nữa, học nghề trong 3-6 tháng, các chị chỉ được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp, khi xin vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp như may mặc, giày da, lao động, ít có nơi nào cần đến bằng sơ cấp này “và nếu cần có bằng sơ cấp thì lương của người lao động cũng chỉ hơn lao động không biết nghề được vài đồng nên chúng tôi cũng chẳng muốn mất thời gian, tiền bạc để học nghề”- chị Hạnh bày tỏ.

 

 

Thảo Nguyên

Theo Dân Việt

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo