Pháp luật

Hải Phòng tràn ngập lao động Trung Quốc

Phía nhà thầu Trung Quốc tìm mọi cách hạn chế tuyển dụng lao động của Việt Nam, đồng thời đưa lao động phổ thông của họ sang làm các công việc thủ công như đào đất, phụ hồ, mang vác, quét dọn, đổ bê tông - những công việc mà lao động Việt Nam có thể đảm đương.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng (xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên) được triển khai từ tháng 11/2005. Đây là dự án do nhà thầu Trung Quốc và Nhật Bản thực hiện cung ứng, thi công và lắp đặt toàn bộ thiết bị (EPC) với hai hạng mục: nhà máy nhiệt điện 1 và nhà máy nhiệt điện 2.

 

Để hoàn thành dự án đúng tiến độ, số lượng công nhân có mặt trên công trường luôn đảm bảo ở con số 2.000 - 3.000 người.



Xử ép tiền lương lao động trong nước

 

Trên lý thuyết, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Hải Phòng sẽ giải quyết được hàng chục ngàn việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Ông Đỗ Văn Hải, Trường phòng hành chính, Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng cho biết, có thời điểm phía nhà thầu Trung Quốc đưa sang hơn 2.000 lao động phổ thông.

 

Hiện số công nhân Trung Quốc đang lao động tại công trường nhà máy số 2 gần 1.300 người.

 

Còn theo số liệu báo cáo từ phía Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng gửi Công an huyện Thủy Nguyên, con số này gần 1.500 người. Đây là số người được Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hải Phòng cấp giấy phép lao động 1 năm.
 
 
Tuy nhiên, qua kiểm tra bước đầu phát hiện ra một số người trung Quốc sang lao động phổ thông tại công trường không có giấy tờ tùy thân, buộc cơ quan chức năng của thành phố phải tìm cách trục xuất về nước. Còn con số chính thức thì chưa ai thống kê nổi.
 

Do lao động của Trung Quốc áp đảo về lực lượng, nên số ít lao động người Việt Nam may mắn tìm được việc ở đây cũng luôn bị xử ép mà không biết kêu ai. Ông Hoàng Văn T., xã Tam Hưng, Thủy Nguyên, cho biết, ông cùng nhiều lao động Việt Nam khác được trả 100.000 đồng/ngày.

 

Trong khi đó, mức lương thấp nhất của lao động phổ thông Trung Quốc cũng cao hơn nhiều so với lao động Việt Nam, khi cùng làm một công việc như nhau. Một bảo vệ người Việt Nam tại khu chung cư My Sơn cho biết, anh được nhà thầu Trung Quốc trả 1,5 triệu đồng/tháng, không có phụ cấp.

 

Mới đây, nhà thầu đưa sang một bảo vệ người Trung Quốc, mức lương của họ tính ra tiền Việt Nam khoảng 10 triệu đồng/tháng, cao gấp gần 7 lần so với tiền lương của bảo vệ người Việt Nam.

 

Phức tạp

 

Đại diện Sở Lao động - Thương binh - Xã hội Hải Phòng cho biết, tính đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng lao động là người nước ngoài. Số lượng người nước ngoài được cấp giấy phép lao động tính hết tháng 5/2012 là 2.206 người, trong đó riêng người Trung Quốc chiếm 87%.

 

Sau một năm hết thời hạn, chủ sử dụng lao động nước ngoài phải đến cơ quan chức năng của thành phố trình báo xin được cấp lại hoặc gia hạn. Nếu về nước phải có công văn gửi Sở và nộp lại giấy phép lao động nhưng trên thực tế, số đơn vị đến làm thủ tục rất ít, họ không trả lại giấy phép lao động.

 

“Số lao động là người nước ngoài di biến động rất bất thường, cho nên họ về nước, cơ quan chức năng cũng không hay biết và số người mới đến theo nhiều con đường khác nhau thâm nhập vào Hải Phòng vẫn diễn ra khá phức tạp”, vị đại diện này nói và cho biết thêm, phía Trung Quốc là nhà thầu thi công, họ thực hiện theo đúng cam kết hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) cho chủ dự án, nên phía Việt Nam chỉ có vai trò giám sát về tiến độ và chất lượng của dự án.

 

Đối với việc sử dụng lao động và tiền lương, phía chủ dự án không có quyền can thiệp. Tình trạng quá nhiều lao động Trung Quốc làm việc tại Thủy Nguyên, phía chủ đầu tư đã có ý kiến nhưng nhà thầu Trung Quốc đưa ra nhiều lý do, trong đó có lý do bất đồng ngôn ngữ, tình trạng mất cắp thường xảy ra..., trong khi lao động Trung Quốc “có tay nghề, bằng cấp” (?). 

 

Khó quản lý

 

Tuy nhiên, một cán bộ Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng khẳng định, không ít lao động phổ thông Trung Quốc không biết chữ, thậm chí chỉ biết ký vào bảng lương lĩnh tiền công, nên việc nói “có bằng cấp, tay nghề” là vô lý.

 

Trung tá Nguyễn Quang Hảo, Trạm trưởng Trạm cảnh sát Bến Rừng, Công an huyện Thủy Nguyên, cho biết, trên địa bàn xã Ngũ Lão và Tam Hưng hiện có khoảng 1.600 lao động là người Trung Quốc đang lưu trú. Họ sinh sống  tại 2 khu nhà ở tập trung (một tại My Sơn, xã Ngũ Lão và một ngay sát công trường thi công) do nhà thầu xây dựng; số còn lại lên tới 300 - 400 người thuê nhà dân trong làng tá túc.
 
 
Theo ông Hảo, đối với số người Trung Quốc nhập cảnh hợp pháp, có visa, thị thực, hộ chiếu, có giấy phép lao động, có đăng ký tạm trú còn dễ bề quản lý, còn số nhập cảnh theo con đường du lịch, nhập cảnh trái phép vào để làm việc là rất khó. Những ngày vừa qua, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, rà soát ban đầu và đã phát hiện một số lao động không có giấy phép, buộc trục xuất về nước.
 
 
 
“Nhiều đêm tuần tra do không có phiên dịch, cán bộ, chiến sĩ Trạm gặp các sự việc xảy ra liên quan tới người nước ngoài không biết xử trí thế nào, ngay ngày hôm sau số người này đã lặng lẽ rút về nước từ lúc nào không hay biết”, ông Hảo nói.
 

 

 

Theo DVO

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo