Pháp luật

Hải Phòng: Trộm “cuỗm” ô tô của khách, chủ Showroom đứng trước nguy cơ mất nhà

(DNVN) – Cho rằng vụ trộm đột nhập ăn cắp xe tại Showroom nội thất ôtô Thái Sơn có nhiều “uẩn khúc”, ông Phạm Hoài Nam đã gửi nhiều đơn phản ánh đến các cơ quan chức năng hy vọng làm rõ sự việc, tình tiết bị bỏ “quên”.

Nhiều tình tiết bất thường? 

Theo đơn khiếu nại khẩn thiết của ông Phạm Hoài Nam (trú tại Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) phản ánh đến Doanh nghiệp Việt Nam về vụ trộm đột nhập ăn cắp xe tại Showroom nội thất ôtô Thái Sơn của ông có nhiều “uẩn khúc”. 

Cụ thể, vào khoảng 11 giờ 00 ngày 02/11/2010, ông Nguyễn Mạnh Hà thuộc Công ty TNHH đầu tư xây dựng thương mại Hà Phát đi xe ôtô Toyota Corolla Altis BKS 16N-4815 đến Showroom nội thất ôtô Thái Sơn tại địa chỉ số 2 Văn Cao, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền do ông Phạm Hoài Nam là chủ để rửa xe. 

Chiếc xe bị mất ngay gần quán nước bên cạnh Showroom ô tô Thái Sơn. 

Sau khi giao xe và chìa khóa cho nhân viên rửa xe là ông Nguyễn Khắc Thành đánh lên cầu rửa thì ông Hà sang quán nước đối diện cửa hàng cách cửa hàng 10m để uống nước. 

Sau khoảng 15 phút, ông Hà thấy xe ô tô của ông chạy ra đường về phía đường Nguyễn Bình, thành phố Hải Phòng (cách Showroom khoảng 100m), ông Hà có sang hỏi nhân viên rửa xe thì anh ta trả lời là không biết và ngay sau đó nhân viên của Showroom dùng xe máy đuổi theo nhưng không thấy. 

Ngay sau khi ô tô bị mất, ông Hà cho rằng việc để mất xe là hoàn toàn do lỗi của nhân viên Showroom và yêu cầu đại diện Showroom bồi thường toàn bộ giá trị xe ô tô bị mất nhưng giữa hai bên không thống nhất được phương thức bồi thường. Do ông Hà ký Hợp đồng bảo hiểm vật chất xe theo Hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới và thụ hưởng bảo hiểm số 12231/10/HP-XE-PHH cho xe Toyota Corolla Altis BKS 16N-4815 với Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Quân đội (MIC) nên ngày 24/2/2012 và ngày ngày 28/11/2012, MIC đã đền bù toàn bộ thiệt hại cho Công ty Hà Phát tổng cộng là 730.000.000 đồng. 

Sau đó, ngày 19/12/2012, Công ty Hà Phát có Công văn số 08/2012/CV-HP chuyển toàn bộ quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc đòi người thứ ba cho MIC để đòi tiền bảo hiểm đã chi trả. 

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội gửi thông báo giải quyết đơn đề nghị của ông Phạm Hoài Nam.

Theo đơn khởi kiện của MIC (trên cơ sở Công văn số 08/2012/CV-HP ngày 19/12/2012 của Công ty Hà Phát), Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền đã có Bản án sơ thẩm số 02/2014/DS-ST ngày 26/5/2014 và Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng có Bản án phúc thẩm số 53/2014/DS-PT ngày 19/9/2014 chấp nhận đơn khởi kiện của MIC và buộc ông Phạm Hoài Nam trả cho MIC số tiền 730.000.000 đồng.
Trước bản án của tòa sơ thẩm và phúc thẩm tại Hải Phòng, ông Phạm Hoài Nam nghẹn ngào nói: “Vụ án mất xe ô tô tại Showroom của tôi vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa tìm ra hung thủ. Thêm vào đó, có nhiều tình tiết những người liên quan, chứng kiến vụ việc bị bỏ qua (hai chủ quán nước: một người bán nước cho nghi can và một người bán nước cho chủ xe; anh Vỹ nhân viên salon được chủ xe mời uống nước cùng) nhưng cơ quan chức năng không lấy lời khai”. 

 

Ông Phạm Hoài Nam gửi đơn đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao xem xét, làm rõ sự việc. 

“Đáng chú ý, vị trí hai quán nước mà nghi can và chủ xe uống chỉ cách nhau có 10m, không bị che tầm mắt mà tại sao khi trộm lấy xe chạy đi thì vài phút sau chủ xe mới chạy sang đòi xe? Chính vì vậy, tôi nghi vấn: Có hay không đây là kịch bản dàn dựng mất cắp xe ô tô để trục lợi bảo hiểm? Đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, các cơ quan ban ngành liên quan và cơ quan thông tấn báo chí xem xét vào việc khẩn cấp, làm rõ oan sai giúp đỡ gia đình tôi…” – ông Phạm Hoài Nam nhấn mạnh. 

Quyền và lợi ích hợp pháp của chủ Showroom có bị xâm hại? 

Theo đơn khởi kiện của MIC và 02 cấp tòa của thành phố Hải Phòng xét xử, hiện tại Chi cục thi hành án dân sự quận Hải An có Quyết định số 01/QĐ – CTHADS ngày 10 tháng 02 năm 2017 về việc cưỡng chế kê biên tài sản quyền sử dụng đất của ông Phạm Hoài Nam có diện tích 100m2 tại thửa đất số 419B, tờ bản đồ số 3 thuộc tổ dân phố 10 phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng.

Trước vụ việc mất xe hy hữu trên, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, đoàn Luật sư Hà Nội về quyền và lợi ích hợp pháp của chủ Showroom có bị xâm hại? 

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Trương Anh Tú cho biết: “Về thời hiệu hơn 02 năm (không có căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện theo Điều 162 hoặc thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện Điều 161 Bộ luật Dân sự) thì thời hiệu khởi kiện đã hết đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hoặc đối với tranh chấp hợp đồng thì thời hiệu 02 năm đã hết. Nếu thời hiệu khởi kiện đã hết mà vẫn thụ lý vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Trường hợp thời hiệu vẫn còn do căn cứ vào Điều 161 hoặc 162 Bộ luật Dân sự (Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện) thì Tòa án thụ lý vụ án để xét xử là đúng quy định của pháp luật”.

 

Luật sư Trương Anh Tú, đoàn Luật sư Hà Nội.

Theo luật sư Trương Anh Tú, về nội dung tranh chấp “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” mà Tòa án nhân dân giải quyết là chưa chính xác, lẽ ra TAND thụ lý vụ án ở cấp sơ thẩm phải yêu cầu người khởi kiện thay đổi yêu cầu khởi kiện, nếu người yêu cầu khởi kiện vẫn giữ nội dung yêu cầu thì đưa ra xét xử bác yêu cầu khởi kiện. Bởi lẽ, trong vụ việc này bản chất là tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản giữa chủ xe và Showroom nội thất ôtô Thái Sơn. Để hiểu hơn, theo khoản 1 Điều 401 Bộ luật Dân sự thì “Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định”, trong trường hợp giao xe để rửa bằng hành động giao xe và nhận xe đã phát sinh hợp đồng gửi giữ giữa chủ xe và nhân viên có trách nhiệm của Showroom và qua lời nói giao kết phát sinh hợp đồng rửa xe. Như vậy, việc thụ lý vụ án và xác định nội dung tranh chấp là “tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” là không phù hợp với quy định của pháp luật, xác định sai nội dung tranh chấp nhưng vẫn chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là có sự sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm cần được đề nghị tiến hành thủ tục Giám đốc thẩm để hủy và xét xử sơ thẩm lại (trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về thời hiệu khởi kiện thì Tòa sơ thẩm xem xét lại vụ việc ở giai đoạn xét xử lại và đình chỉ vụ án). Nếu vụ án được xét xử lại và không thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết thì nội dung tranh chấp là “tranh chấp hợp đồng gửi giữ”. Khi đó, xác định vi phạm hợp đồng của Showroom trong việc giữ tài sản của khách hàng để kẻ gian lấy mất làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường theo quy định của pháp luật về bên giữ tài sản vi phạm hợp đồng gửi giữ, theo đó phải bồi thường tương ứng.

Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh: “Để chủ Showroom nội thất ôtô Thái Sơn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thì cần đề nghị Giám đốc thẩm hai bản án dân sự sơ thẩm và phúc thẩm xét xử vụ việc trên. Sau khi có quyết định Giám đốc thẩm, anh Nam cần chứng minh thời hiệu khởi kiện đã hết hoặc nếu thời hiệu khởi kiện còn thì anh Nam cần chứng minh Showroom nội thất ôtô Thái Sơn hoàn toàn không có lỗi trong việc thực hiện hợp đồng gửi giữ”.

Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật tin tức và gửi thông tin mới nhất đến bạn đọc. 

Nên đọc










Bảo An
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo