Hạm đội tàu cá hủy diệt Biển Đông của Trung Quốc
Hôm 14/8, Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc đưa tin Bộ Nông nghiệp nước này đã yêu cầu các địa phương ven biển, trong đó có tỉnh Hải Nam giáp với Biển Đông, cắt giảm hoặc không tăng thêm số lượng tàu cá đang hoạt động nhằm "bảo vệ nguồn lợi hải sản", trong bối cảnh các vùng biển xung quanh Trung Quốc đang trở nên cạn kiệt, theo SCMP.
Giới quan sát cho rằng động thái trên của Trung Quốc thể hiện rằng nguồn lợi hải sản đang trở thành một mối quan tâm rất lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông, và chính nhà chức trách nước này cũng thấy lo sợ trước sức hủy diệt mà hạm đội tàu cá của họ gây ra đối với các loài hải sản.
Thảm họa cận kề
Tờ Conversation của Australia dẫn lời các chuyên gia ngư nghiệp cho hay dù có diện tích tương đối nhỏ, chỉ khoảng 3 triệu km vuông, Biển Đông lại là một khu vực có trữ lượng hải sản rất dồi dào, nơi có ít nhất 3.365 loài cá, chiếm 12% sản lượng đánh bắt của toàn thế giới, mang về giá trị tới 21,8 tỷ USD.
Các loài hải sản này được đánh giá là có giá trị lớn hơn cả dầu mỏ và khí đốt, bởi chúng đóng vai trò quan trọng với an ninh lương thực và sinh kế của hàng trăm triệu ngư dân ven biển, mang lại công ăn việc làm thường xuyên cho gần 4 triệu lao động trong khu vực.
Một báo cáo do tiến sĩ Rashid Sumaila và tiến sĩ William Cheung thuộc Đại học British Columbia, Canada công bố hồi năm ngoái cho thấy có đến 55% số tàu cá của toàn thế giới đang hoạt động ở Biển Đông, trong đó đội tàu cá của Trung Quốc đại lục và Đài Loan chiếm đa số.
Đội tàu cá của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc hiện nay có hàng chục nghìn chiếc, trong đó có nhiều tàu vỏ thép công suất lớn có thể đánh bắt xa bờ, dài ngày, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về hải sản trong nước. Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính Trung Quốc tiêu thụ hơn 1/3 lượng hải sản toàn cầu, và nhu cầu của người dân nước này sẽ tăng lên 30% vào năm 2030.
Ngư dân Trung Quốc áp dụng các biện pháp đánh bắt mang tính hủy diệt như dùng thuốc nổ, thuốc độc tại các rặng san hô để bắt cá, cộng với đó là hoạt động cải tạo, bồi lấp đảo nhân tạo phi pháp của nước này trên Biển Đông đã phá hủy các rặng san hô trên quy mô lớn.
Các rặng san hô bị hủy diệt ngày càng nhiều khiến cá mất đi chỗ đẻ trứng, các con non không còn nơi ẩn náu. Hậu quả là nhiều vùng biển ven bờ của Trung Quốc hiện nay đã sạch bóng cá, trong khi lượng cá trung bình đánh bắt được trong mỗi giờ trên Biển Đông đã giảm 1/3 trong vòng 30 năm qua.
Theo ước tính của tiến sĩ Sumaila, nếu ngư dân Trung Quốc tiếp tục duy trì quy mô và hình thức đánh bắt như hiện nay, trữ lượng các loài cá ở Biển Đông có thể suy giảm đến 59% vào năm 2045, gây ra thảm họa cho tương lai của nghề đánh cá ở vùng biển này.
Tham vọng
Trong khi yêu cầu các địa phương khác cắt giảm số lượng tàu cá 3%, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc chỉ yêu cầu cơ quan ngư nghiệp Hải Nam không tăng số lượng tàu cá ở tỉnh này. Giới phân tích cho rằng điều này chứng tỏ Bắc Kinh quyết tâm mở rộng vùng khai thác hải sản trên Biển Đông nhằm phục vụ tham vọng lãnh thổ.
Khi các vùng biển ven bờ đã cạn kiệt nguồn cá, Trung Quốc đang tìm cách đẩy hạm đội tàu cá ở Hải Nam của mình thọc sâu xuống Biển Đông, bằng cách xây các cảng cá cỡ lớn, hỗ trợ tài chính để ngư dân có thể đóng những con tàu lớn hơn, mạnh hơn, có thể hoạt động dài ngày hơn. Tàu cá Trung Quốc giờ đây đã tăng cường xâm nhập vùng biển gần các nước láng giềng, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ quyền lịch sử mà Bắc Kinh tuyên bố trên Biển Đông.
Trên biển, lực lượng hải cảnh Trung Quốc sẵn sàng tiếp tế xăng dầu cho tàu cá, thậm chí ra tay can thiệp khi tàu cá Trung Quốc bị cơ quan hành pháp của nước khác truy đuổi, bắt giữ vì hành vi đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Theo các chuyên gia phân tích của Conversation, tàu cá Trung Quốc không chỉ dùng để đánh bắt cá, mà còn là một lực lượng quan trọng để Bắc Kinh củng cố các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Họ được trang bị, huấn luyện để trở thành "dân quân biển", sẵn sàng truy đuổi, chèn ép tàu cá nước khác, thậm chí chống lại lực lượng chấp pháp trên biển.
Tuy nhiên, có vẻ như chính các quan chức Trung Quốc cũng bắt đầu lo ngại trước sức hủy diệt mà hạm đội tàu cá được họ hỗ trợ này gây ra cho nguồn lợi hải sản trên Biển Đông. Han Changfu, bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc, cho rằng hoạt động đánh bắt trên biển của nước này phải được đặt dưới "sự giám sát, quy định và kỷ luật chặt chẽ", đồng thời "dần dần loại bỏ các phương thức sản xuất hủy diệt môi trường".
Giáo sư Cai Shengli, nhà sinh vật học hải dương tại Đại học Hải dương Thượng Hải, cho rằng việc cắt giảm số lượng tàu cá của Trung Quốc là chưa đủ để bảo vệ nguồn lợi hải sản, nhất là khi Bắc Kinh vẫn khăng khăng muốn thực hiện tham vọng chủ quyền của mình bằng cách tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích ngư dân thay thế tàu nhỏ bằng những phương tiện lớn hơn để tiến xuống Biển Đông với quy mô "đáng sợ".
Theo tiến sĩ Sumaila, nếu Trung Quốc để tiếp diễn cách thức tận diệt, ngành đánh bắt cá trên Biển Đông sẽ đối diện với nguy cơ sụp đổ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chính Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Rốt cuộc, "chính ngư dân và các loài cá sẽ là kẻ thất bại" nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục chính sách này, Sumaila nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo