Môi trường

Hạn đến sớm, dân Ninh Thuận ​thiếu nước

Dù đang là mùa xuân nhưng tại Ninh Thuận - nơi có lượng mưa hằng năm thấp nhất trong cả nước - đã phải đối mặt với cảnh thiếu nước.

Người dân thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái,  lấy nước tại bể công cộng sáng 28-2 - Ảnh: Ch.An

 

Tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái, nhiều người dân phải chen chúc đi lấy nước từ mờ sáng. Bà Chamaléa Thị Hân (ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung) phải dậy sớm mang con sau lưng đến bể nước công cộng, cùng hàng trăm người dân khác chờ xe cung cấp nước sinh hoạt về thôn.

 
Nước cung cấp không đủ
 
Theo ông Katơ Tân - trưởng thôn Đồng Dày, mỗi ngày thôn chỉ được xe chở cấp 10m3 nước sinh hoạt nên không đủ cung cấp cho 154 hộ (750 khẩu) uống, nấu ăn.
 
Ông Phạm Quý Dương, chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết toàn xã có 284 hộ (1.210 khẩu) ở hai thôn Đồng Dày và Tham Dú thiếu nước sinh hoạt. Hơn 100ha đất sản xuất nông nghiệp trong xã không canh tác được vì nguồn nước từ hồ Phước Nhơn đã cạn kiệt nên xã đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để đào thêm ao dọc suối, nạo vét giếng để lấy nước.
 
Về nước sinh hoạt, xã đề nghị tăng thêm khối lượng cung cấp nước trong ngày, đồng thời xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho dân.
 
Còn Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Thuận đề nghị UBND xã Phước Trung không cho người dân hai thôn Đồng Dày và Tham Dú canh tác cây trồng vì nguồn nước hồ Phước Nhơn cạn kiệt, hiện chỉ còn cung cấp nước uống cho đàn gia súc. Nếu tình hình tiếp tục khô hạn thì phải di chuyển đàn gia súc về xuôi tìm nguồn nước từ sông Dinh.
 
Chiều 2-3, ông Phan Quang Thựu, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết tính đến cuối tháng 2-2015, tổng dung tích 20 hồ chứa nước toàn tỉnh hiện chỉ còn 30,37 triệu/192,21 triệu m3, chiếm 15,8% dung tích thiết kế.
 
Trong đó, nhiều hồ thủy lợi nhỏ đã cạn kiệt nước. Sắp tới vụ hè thu nếu trời không mưa, không có lũ tiểu mãn thì 10.000ha nằm ngoài hệ thống cung cấp nước tưới từ Nhà máy Đa Nhim sẽ không gieo trồng được.
 
Để tập trung chống hạn, theo ông Trần Xuân Hòa - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Thuận, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi phải duy trì mức xả nước từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim.
 
Trong đó, ưu tiên hàng đầu nguồn nước phục vụ dân sinh, nước uống cho đàn gia súc, nước tưới cho số diện tích gieo trồng trong kế hoạch. Ngoài ra, phải khẩn trương tổ chức nạo vét kênh mương, giếng, đào ao lấy nước và thực hiện công nghệ tưới nước tiết kiệm.
 
“Nếu tháng tới thời tiết khô hạn còn tiếp tục thì các huyện cần vận động người dân có giải pháp di dời đàn gia súc đến nơi thuận lợi về nguồn nước, thức ăn...” - ông Hòa nói.
 
Hạn sẽ gay gắt từ cuối tháng 3
 
Tại hội nghị chỉ đạo công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn khu vực Trung bộ và Tây nguyên ở Ninh Thuận do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 27-1, ông Hoàng Đức Cường - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho biết thời gian tới, nhất là từ lúc vào mùa khô đến tháng 8-2015, các tỉnh ven biển Trung bộ từ Nghệ An đến Ninh Thuận nhiều khả năng xảy ra tình trạng khô hạn sớm trên diện rộng và nguy cơ khô hạn, xâm nhập mặn sẽ lớn hơn hai năm trước.
 
Nhiệt độ trung bình từ tháng 2 đến tháng 9 cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5-1oC. Tổng lượng mưa thiếu hụt khoảng 15-30% và dòng chảy các sông ở Tây nguyên từ nay đến tháng 6-2015 sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm 20-40%.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hòa - phó cục trưởng Cục Trồng trọt, mực nước và dòng chảy các sông ở khu vực Trung bộ - Tây nguyên trong tháng 12-2014 và 1-2015 bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 40-90%, dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới khoảng 12% diện tích gieo trồng.
 
Đáng lo ngại là có gần 16.000ha không có nguồn nước tưới (trong đó Ninh Thuận hơn 8.700ha, Quảng Ngãi hơn 2.600ha, Khánh Hòa 1.800ha). Bên cạnh đó, nạn thiếu nước sinh hoạt xảy ra ở nhiều tỉnh (nhiều nhất là Bình Định với khoảng 25.000 hộ và Phú Yên 6.500 hộ).
 
Tại hội nghị này, ông Hoàng Văn Thắng - thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn - chỉ đạo sau khi kết thúc thu hoạch vụ đông - xuân 2014-2015, các địa phương cần tập trung cân đối lượng nước dự trữ trong các hồ, đập để chủ động khoanh vùng sản xuất cho vùng an toàn tập trung thâm canh.
 
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ngắn ngày, đặc biệt đẩy mạnh phát triển hệ thống tưới nước tiết kiệm, tưới luân phiên, tưới ẩm để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng khô hạn.
 
Ngày 2-3, thông tin từ Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho hay hiện hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa có khoảng 6.000ha diện tích vụ đông xuân không có nước và đã phải dừng sản xuất.
 
Các địa phương miền Trung và Tây nguyên khác hiện vẫn đang đủ nước sản xuất theo kế hoạch, nhưng giai đoạn cuối vụ đông xuân (từ cuối tháng 3 kéo dài sang tháng 4-5) sẽ có thêm nhiều diện tích sản xuất thiếu nước nghiêm trọng (xảy ra ở tỉnh Quảng Trị và một số địa phương Nam Trung bộ, cùng Đắk Lắk, Đắk Nông ở Tây nguyên).
 
Nếu mùa mưa tới mà lượng mưa sẽ tiếp tục dừng ở mức như năm 2014 (chỉ tương đương 40-50% lượng mưa trung bình nhiều năm) thì các tỉnh thành kể trên sẽ còn thiếu nước trong cả vụ hè thu.
 
Tổng cục Thủy lợi cho biết đã có những phương án chống hạn gửi các địa phương và hiện các địa phương đang tích cực triển khai.
 
Trong số này, biện pháp chủ động quản lý hạn hán, thay vì bị động chống hạn đang được các địa phương triển khai, như khuyến cáo nông dân chuyển sang các giống lúa ngắn ngày, mở rộng diện tích tưới theo hình thức ướt - khô xen kẽ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa (năm 2015 có trên 63.000ha chuyển đổi từ lúa kém hiệu quả sang rau màu), điều phối tưới theo giai đoạn sinh trưởng của cây để tiết kiệm nước...
 

 Quảng Nam: xây đập bổi để chống hạn sớm


Ngày 2-3, ông Nguyễn Đức Chơi - trưởng Phòng nông nghiệp huyện Điện Bàn (Quảng Nam) - cho biết địa phương vừa triển khai ra quân đắp đập ngăn mặn dài 100m trên sông Vĩnh Điện.


Theo ông Chơi, chưa năm nào tình trạng nước mặn xâm nhập sông sớm và trên diện rộng như năm nay. Tình trạng này ảnh hưởng đến hơn 1.700ha diện tích đất của toàn huyện. Trước tình thế này, tuyến đập bổi được xây dựng trên sông Vĩnh Điện được triển khai để ngăn mặn.


Đập được xây với chiều cao 5m, mặt đập rộng 3m được bọc vải và đắp một lớp bao cát ngăn nước chảy tràn.


“Mọi năm phải sau tết 20 ngày mới có hiện tượng nước mặn lên sông, nhưng vừa qua giữa tháng chạp các sông đều bị nhiễm mặn gây ảnh hưởng đến việc cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt.


Có sông nước nhiễm mặn từ biển lên tới 5km với độ mặn 3,7/1.000, vượt xa so với mức chịu đựng của cây lúa. Với thời tiết nắng nóng đầu năm như thế này, năm nay nạn thiếu nước sản xuất sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn mọi năm nên việc xây đập là giải pháp tất yếu đảm bảo việc bơm nước tưới tiêu” - ông Chơi nói.


Theo ông Chơi, cùng với việc làm các đập bổi ngăn mặn trên các con sông, huyện Điện Bàn đang triển khai quyết liệt các biện pháp chống hạn như đẩy mạnh phát triển bêtông hóa kênh mương, yêu cầu người dân sử dụng nước tưới tiết kiệm và đúng lịch...


TRƯỜNG TRUNG


Tỏi Lý Sơn “lao đao” do thiếu nước tưới


Hơn 300ha tỏi trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang có nguy cơ mất trắng vì hạn hán đang diễn ra gay gắt tại đây. Để cứu tỏi, hơn một tuần qua, nhiều nông dân nơi đây phải thức trắng đêm để lấy nước tưới.


Ông Đinh Văn Thoại, một nông dân trồng tỏi ở thôn Đông (xã An Vĩnh), cho biết: “Chỉ 10 ngày nữa là tỏi thu hoạch, gần 60 triệu đồng đã đầu tư vào đây. Đây là vụ tỏi chính trong năm, nên ai cũng như ngồi trên đống lửa”.


Ông Nguyễn Văn Lê, trưởng Phòng kinh tế và hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn, cho biết trước khó khăn của nông dân, huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức nạo vét các giếng nước trên đồng.


Đồng thời vận động người dân chuyển nước từ giếng nước sinh hoạt tại các khu dân cư lên đồng để tưới tỏi, tiết kiệm nguồn nước để duy trì độ ẩm thường xuyên, không để tình trạng tỏi mất mùa, sụt sản lượng.


VĂN MỊNH

Theo Tuổi Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo