Môi trường

Hạn hán khốc liệt

Trong khi các tỉnh bắc và trung Trung bộ hứng chịu một đợt mưa lớn gây lũ bất thường vào những ngày cuối tháng 3 vừa qua thì ở nam Trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ, người dân đang phải đối mặt với khô hạn gay gắt, thậm chí khốc liệt nhất trong 10 năm trở lại đây.
Trên nhiều cánh đồng khoai mì, mía tại H.Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên, Trảng Bàng... của tỉnh Tây Ninh, những ngày này đi tới đâu cũng chứng kiến hàng trăm máy bơm đang hối hả bơm nước ngầm cứu cây. Đứng giữa trời nắng nóng như thiêu đốt, ông Đặng Văn Dũng (ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận, H.Bến Cầu) thở hắt: “Tôi sống ở đây ngót nghét trên 50 năm mà lần đầu mới thấy nắng hạn đến như vậy”.
 
Tại xã Tiên Thuận, Long Thuận (H.Bến Cầu), nhiều cánh đồng mía, mì đang xơ xác, cây cháy vàng quạch.
 
Khắc nghiệt nhất trong 10 năm qua
 
Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc (Đồng Nai), nhận định: “Năm nay tình hình khô hạn đến sớm và khắc nghiệt nhất trong 10 năm trở lại đây. Nắng nóng kéo dài khiến cho cây rừng thiếu nước, khô khốc, lá héo úa, một số nơi đã xảy ra tình trạng cây bị chết khô. Keo lai là cây chịu hạn tốt, những năm trước không sao nhưng năm nay chết cháy là đủ biết nắng hạn cỡ nào rồi”.
 Di chuyển đàn cừu đến nơi có thức ăn và nước uống - Ảnh: Thiện Nhân
 
 
Mùa mưa đến trễ
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư nhận định mùa mưa ở Tây nguyên, Nam bộ và Bình Thuận có khả năng đến muộn hơn so với bình thường. Cụ thể, mùa mưa năm nay ở Nam bộ được dự báo sẽ đến muộn hơn trung bình năm từ 10 - 20 ngày, tùy theo vùng, hầu hết tập trung vào khoảng từ giữa đến cuối tháng 5. Thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Nam bộ có sự khác nhau tùy theo vùng. Mùa mưa đến trước ở các tỉnh ven biển phía tây (Kiên Giang, Cà Mau) và phía bắc miền Đông, khoảng từ ngày 5 - 15.5. Vùng ven biển các tỉnh từ Sóc Trăng - Bà Rịa-Vũng Tàu mùa mưa xuất hiện muộn hơn, có khả năng vào nửa cuối tháng 5 (khoảng từ ngày 20 - 30.5). Trong mùa mưa, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, dự báo sẽ xảy ra 3 đợt hạn bà chằn ở Nam bộ, vào tháng 7 và 8.
 
 
Tại Ninh Thuận, hàng trăm hộ dân xã Phước Trung, H.Bác Ái cũng ngày đêm vật vã với thời tiết khô hạn kéo dài. Ông Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung, cho biết đã có nhiều gia súc (cừu, bò) ở các trang trại bị chết do thiếu thức ăn và nước uống.
 
Theo ông Phan Quang Thựu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, mực nước của 20 hồ thủy lợi trên địa bàn chỉ còn hơn 22 triệu/192 triệu m3, tương đương 11% dung tích thiết kế.
 
Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ở Ninh Thuận nắng hạn sẽ kéo dài và diễn ra trên diện rộng, đến giữa tháng 9 mới có mưa. Điều này có nghĩa là hơn 10.000 ha diện tích gieo trồng vụ hè - thu ngưng sản xuất.
 
Còn ở Bình Thuận, hàng chục nghìn người đang thiếu nước sinh hoạt do hạn hán gia tăng. Theo ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân (H.Tuy Phong), người dân phải đào giếng ngầm và đi chắt nước từ 2 - 3 giờ sáng nhưng vẫn chỉ đủ nước uống.
 
Hiện nay nguồn nước sinh hoạt của cả xã đều phải đi mua từ thị trấn Liên Hương, cách chừng 15 km.
 
Cũng theo ông Sang, không chỉ Vĩnh Tân mà cả xã Vĩnh Hảo bên cạnh cũng cạn nguồn nước sinh hoạt. Người dân hai xã phải mua nước từ thị trấn Liên Hương sử dụng cho cả người và gia súc với giá khoảng 50.000 đồng/m3.
 
Ở phía nam Bình Thuận, Nhà máy nước Tân Minh, Tân Nghĩa (H.Hàm Tân) đã phải ngưng hoạt động do nhánh suối từ sông Dinh và đập Cô Kiều cạn kiệt.
 
Tại Lâm Đồng, khảo sát của Chi cục Thủy lợi tỉnh cũng cho thấy mực nước trên các sông suối tự nhiên, khe lạch nhỏ hầu hết đã khô cạn; một số hồ thủy lợi lớn mực nước xuống thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 0,7 - 1 m.
 
Nếu tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài thì Lâm Đồng sẽ có 60.000 ha cà phê bị giảm năng suất hoặc mất trắng.
 
Trong khi đó, bà Phạm Thị Nhung, Trưởng phòng Quản lý nước Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Đắk Lắk, nhận xét: “Phần lớn hồ đập chỉ còn khoảng 20 - 50% dung tích”. Theo khảo sát của Sở NN-PTNT Đắk Lắk, hiện một số sông, suối quan trọng đã hoàn toàn cạn nước, mất tác dụng; có 102 công trình thủy lợi bị khô cạn.
 
Ưu tiên nước sinh hoạt
 
Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung nhiều biện pháp chống hạn, như tổ chức nạo vét khơi thông các dòng chảy, hướng dẫn nông dân áp dụng những phương pháp tưới phun mưa, nhỏ giọt, gieo trồng các cây chịu hạn; tổ chức đào giếng, ao hồ dự trữ nước và vận động các hộ chăn nuôi gia súc di chuyển đàn nuôi đến khu vực chủ động nguồn thức ăn để tránh thiệt hại.

Di chuyển đàn cừu đến nơi có thức ăn và nước uống - Ảnh: Thiện Nhân
 
Tại Bình Thuận, Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh đang đào kênh dẫn nước từ hồ Lòng Sông tiếp nước cho hồ Đá Bạc. Dự kiến khoảng ngày 30.4 sẽ thông kênh tiếp nước này. Tuy nhiên cũng chỉ khắc phục phần nào nước cho gia súc. Nếu chưa có mưa thì vẫn phải vận chuyển từ Nhà máy nước Liên Hương cho dân sinh hoạt.
 
Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án phòng, chống hạn vụ đông - xuân 2014 - 2015 trên toàn tỉnh, với kinh phí 25 tỉ đồng, trong đó tập trung hỗ trợ giống cho diện tích chuyển đổi cây trồng; đào ao, khoan giếng trữ nước...
 
Các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi, thủy điện, căn cứ tình hình cụ thể của nguồn nước để cân đối cấp nước theo thứ tự ưu tiên: nước sinh hoạt cho dân, các ngành công nghiệp, dịch vụ, chăn nuôi gia súc và cho nông nghiệp.
 
Tương tự, UBND tỉnh Đắk Lắk thành lập tiểu ban chống hạn, trực tiếp chỉ đạo công tác chống hạn ở các địa phương bị khô hạn gay gắt; đồng thời làm việc với các đơn vị thủy điện, lập phương án điều tiết nước từ hồ chứa Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah góp phần giải hạn cho vùng hạ lưu.

Sông Krông Năng (Đắk Lắk) trở thành dòng sông chết dưới nắng hạn - Ảnh: Ngọc Quyền
 
Trong khi đó, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan ưu tiên giải pháp duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi; nạo vét kênh mương để tận dụng tối đa nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp...
 
Tỉnh Bình Thuận thì chủ động làm việc với Tập đoàn điện lực VN đề nghị xả nước ở hai thủy điện lớn là Hàm Thuận Đa Mi và Đại Ninh.
 
Trời nắng nóng, bệnh gia tăng
 
Những ngày qua, tại Khoa Hô hấp và Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhi. Phần lớn bệnh nhi phải nằm ghép, có trẻ không có giường nằm. Thống kê của Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 những ngày qua luôn có trên dưới 200 trẻ nằm viện (tăng hơn khoảng 50 ca so với trước); Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 bình quân cũng có gần 200 trẻ nằm viện.
 
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trời nắng nóng, oi bức, ngoài bệnh tiêu hóa, hô hấp gia tăng, còn thuận lợi cho bệnh tay chân miệng phát triển. Tại TP.Hà Nội từ đầu năm đến nay ghi nhận 322 ca mắc bệnh tay chân miệng - tăng cao so với cùng kỳ 2014 (chỉ 11 ca). Mới đây, Hà Nội phát hiện chùm ca bệnh với 6 trường hợp mắc tay chân miệng ở P.Thụy Phương, Q.Bắc Từ Liêm.
 
Ông Phu cảnh báo bệnh tay chân miệng gây biến chứng viêm não, nguy hiểm, do đó các địa phương cần quyết liệt truyền thông phòng bệnh, nhất là tại các trường học. Ông Phu cho biết thêm các ca viêm não do vi rút cũng tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm và còn gia tăng trong những ngày tới. Tại BV Nhi T.Ư, Khoa Nhi (BV Bạch Mai) trong các tháng đầu năm nay cũng tiếp nhận các bệnh nhi viêm não do vi rút, trẻ lứa tuổi từ 7 - 13.
Lương Ngọc - Liên Châu

 

Theo Thanh Niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo