Hạn hán người dân quay quắt tìm nước sinh hoạt
Dọc tiếp theo quốc lộ 25 xuống các xã Ia Pal, H’Bông (huyện Chư Sê), hiện tượng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra phổ biến. Nhà nào cũng có giếng, nhưng cứ cách nhà lại có một giếng bị khô nước. Các gia đình phải luân phiên nhau để bơm nước hoặc mang xô, mang chậu sang các nhà có giếng khoan xin nước về dùng.
Gia Lai đang ở trong những ngày gần cuối mùa khô hạn nặng nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây. Nhiều sông, hồ và giếng đào của người dân bị cạn kiệt nguồn nước trong khi chưa có hệ thống nước sạch, không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho cây trồng, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hằng ngày của người dân vì thiếu nước sinh hoạt.
Người dân loay hoay tìm nước
Theo Chi cục Thủy lợi – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, mùa khô 2014 – 2015 tỉnh Gia Lai phải đối mặt với hạn hán nặng nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây do lượng mưa ít và kết thúc sớm, trong khi thời tiết nắng nóng gay gắt và kéo dài liên tục. Đồng nghĩa với đó, mực nước tại các sông, hồ tự nhiên sụt giảm mạnh so với nhiều năm trước, thậm chí có nhiều sông, hồ đã cạn hết nước. Còn giếng nước của người dân đều lâm vào tình trạng trơ đáy. Hệ quả là hàng ngàn hecta cây trồng bị thiệt hại và người dân thì luôn phải “cầm chừng” khi sử dụng nước sinh hoạt.
Chị Đào Thị Bích Nguyệt, xã Dun, huyện Chư Sê (Gia Lai) than phiền: “Chưa có năm nào gia đình tôi lại bị thiếu nước sinh hoạt như năm nay. Đã 2 tháng nay, gia đình luôn phải sử dụng nước thật tiết kiệm nhưng vẫn không đủ nước dùng, phải đi xin từ nhà khác. Một ngày chỉ bơm được 2 - 3 chậu nước, ưu tiên hết cho hai cháu nhỏ. Bố mẹ thì tắm lại nước tắm của con, nước rửa rau cũng để lắng rồi dùng rửa chén, dội nhà vệ sinh…”. Theo chị Nguyệt, giếng nước nhà chị sâu 32m nhưng đến hiện tại đã cạn nước, nếu cố bơm chỉ lên toàn bùn đất, nước đục không thể dùng được. Thế nhưng, nếu vét giếng thì rất tốn kém, tiền công gần ngang với việc đào một cái giếng mới. Còn nếu khoan giếng thì mất đến cả hơn trăm triệu, mà nếu khoan không đúng mạch nước thì lại “tiền mất, tật mang”.
Dọc tiếp theo quốc lộ 25 xuống các xã Ia Pal, H’Bông (huyện Chư Sê), hiện tượng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra phổ biến. Nhà nào cũng có giếng, nhưng cứ cách nhà lại có một giếng bị khô nước. Các gia đình phải luân phiên nhau để bơm nước hoặc mang xô, mang chậu sang các nhà có giếng khoan xin nước về dùng. “Từ sau Tết, cả khu này đã bắt đầu thiếu nước sinh hoạt. Đến hiện tại, hầu như giếng nhà nào cũng cạn rồi. Một ngày phải bơm rất nhiều lần, mỗi lần chỉ bơm được vài phút. Giếng nhà tôi sâu 30m, đã vét hai lần mất 20 triệu rồi nhưng vẫn không có nước. Giờ không vét được nữa vì bên dưới đã bị lở đất rồi”, chị Vũ Thị Tươi, xã Ia Pal, huyện Chư Sê cho biết.
Không chỉ ở các huyện, ngay tại thành phố Pleiku cũng xảy ra việc thiếu nước sinh hoạt do hạn hán. Bà Thái Thị Hoa ở tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku cho hay, giếng nước nhà bà đã cạn nước cách đây một tháng. Tối nào bà cũng qua nhà hàng xóm có giếng khoan gánh hơn chục gánh nước về đổ vào hai thùng phuy dùng trong ngày. Cách đây vài ngày, bà thuê người vét giếng xuống thêm 2m. Lượng nước giếng có tăng lên một chút, 6 người trong nhà phải sinh hoạt thật tiết kiệm, còn nước uống vẫn phải xin về dùng. “Ở thành phố nhưng chúng tôi vẫn chưa được sử dụng nước sạch. Thời tiết khô hạn, nước dùng còn thiếu thì ai mà quan tâm đến chất lượng của nó thế nào. Người dân ở đây, ai cũng mong có hệ thống nước sạch về để bà con an tâm sử dụng nước”, bà Hoa nói.
Chờ mưa, chờ dự án cấp nước
Thực tế cho thấy, nhiều nơi trong tỉnh Gia Lai vẫn chưa có hệ thống cấp nước sạch, nguồn nước duy nhất của người dân là giếng đào thì lại cạn trơ do mực nước ngầm xuống thấp. Hy vọng của họ chỉ trông chờ vào trời mưa hoặc dự án cấp nước sạch được thực hiện.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Chư Sê thừa nhận, trên địa bàn huyện Chư Sê đã bắt đầu xảy ra hiện tượng thiếu nước sinh hoạt từ một tháng trước ở một số các xã như Dun, H’Bông, Ia Pal. “Phòng Nông nghiệp huyện đã vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và hỗ trợ nạo vét giếng nước. Ở các xã này chưa có hệ thống nước sạch nên chỉ có thể đợi thêm thời gian khoảng một tháng nữa, khi bắt đầu vào mùa mưa thì mực nước ngầm sẽ được phục lại. Riêng địa bàn xã H’Bông là xã gặp hạn và thiếu nước nghiêm trọng hơn thì đã có dự án xây dựng nhà máy nước để bảo đảm cung cấp nước sạch, vệ sinh cho người dân. Tuy nhiên, đây cũng mới là kế hoạch, còn thời gian triển khai thì chưa rõ”, ông Hợp nói thêm.
Tại TP. Pleiku, ngoài nhà máy nước thuộc Công ty Cấp thoát nước Gia Lai với công suất 20.000m3/ngày đêm thì nay mới có thêm nhà máy nước Sài Gòn – Pleiku với công suất 30.000m3/ngày đêm. Hoạt động của nhà máy nước mới sẽ nâng tỷ lệ số người được sử dụng nước sạch trên địa bàn TP. Pleiku từ 40% lên 80 – 85%. Ông Nguyễn Hoàng Nguyên – Cán bộ Kỹ thuật Công ty cấp thoát nước Gia Lai cho biết: “Hiện Công ty Cấp thoát nước Gia Lai và Công ty cấp nước Sài Gòn – Pleiku đã hợp tác để khảo sát, thiết kế mở rộng đường ống cấp nước trên địa bàn thành phố Pleiku thêm 78 km. Tuy nhiên, dự án đang trình lên Sở Xây dựng chờ thẩm tra và UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt mới có thể tiến hành thi công, lắp đặt đường ống”.
Theo TNMT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo