Môi trường

Hạn Nam bộ mặn gay gắt hơn năm trước

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết độ mặn trên các cửa sông Tiền và sông Hậu đang tăng cao và đã xâm nhập vào nội đồng 40-50km.

Độ mặn đo được vào giữa tuần này trên sông Hàm Luông có nơi đã tới 7,9‰, sông Cổ Chiên tại Trà Vinh là 6,4‰. Còn tại nơi rất xa biển là sông Vàm Cỏ Đông (khu vực Bến Lức, tỉnh Long An) độ mặn cũng đã tới 2,6‰. Rất nhiều nơi gần biển đã thiếu nước ngọt, người dân phải đổi nước sinh hoạt với giá cao. Nước tưới tiêu cho sản xuất trên nhiều kênh đã cạn tới đáy.

Lúa và người đều thiếu nước ngọt

Sau mấy ngày nghỉ tết, nông dân xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) ra đồng thăm lúa và giật mình khi thấy ruộng cạn khô, kênh nhìn thấy đáy. Vụ lúa đông xuân ở đây chỉ mới làm đòng và còn cả tháng nữa mới thu hoạch. Ngoài sông Tiền nước đã mặn chát. Các cống thủy lợi phải đóng kín để chống nước mặn xâm nhập. Để có nước cứu lúa, người dân phải bơm chuyền 2-3 cấp, từ kênh lớn đến kênh nhỏ rồi bơm lên ruộng của mình.

Chúng tôi đến ấp Ruộng Cạn, xã Bình Nghị gặp lúc anh Trần Công Dân đang hì hục bơm nước dưới con kênh nhỏ lên ruộng. Do có máy bơm nên anh nhận bơm nước cho những hộ có ruộng gần đó luôn. Lúc này kênh sườn (kênh nhỏ) đã cạn nước. Anh Dân cho biết đây là chặng bơm thứ hai. Trước đó, để có nước bơm chặng hai, anh phải bơm nước ở kênh lớn cách đó khoảng 500m vào kênh sườn.

“Thời điểm này năm 2012 tôi mất 20 giờ để bơm đủ nước cho 1ha lúa, nhưng mấy ngày qua phải mất tới 30 giờ. Cực khổ dữ lắm nhưng nếu không bơm nước vào ruộng thì lúa sẽ chết” - anh Dân nói.

Anh Dân cho biết do lúa đang ở giai đoạn trổ nên cứ bốn ngày phải bơm nước một lần. Từ nay đến khi thu hoạch còn phải bơm nước cho ruộng khoảng sáu lần nữa, nhưng hiện tại kênh chứa nước ở vùng này đang cạn đi rất nhanh. Chỉ khoảng một tuần mà mực nước tụt xuống hơn 30cm. Nhiều xã ven biển của huyện Gò Công Đông như: Tân Điền, Tân Thành, Phước Trung... cũng đang đối diện với tình trạng thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp.

Thiếu nước ngọt cho sinh hoạt hằng ngày đã và đang xảy ra tại hai huyện Bình Đại và Ba Tri (Bến Tre) từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Những ngày này đi dọc các tuyến đường ở thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri dễ dàng nhìn thấy nhiều xe máy cày chở các bồn nước ngọt khoảng 2m3 đi đổi cho người dân. Bà Phạm Thị Kim Chi, một người dân ở đây, cho biết việc đổi nước ngọt cũng gian nan vì nhu cầu nhiều mà người cung cấp thì ít nên phải xếp hàng. Giá nước ngọt khá cao, 20.000-100.000 đồng/m3 nên người dân chỉ dám sử dụng nước ngọt cho nấu ăn và tắm sơ lại sau khi tắm bằng nước nhiễm mặn.

Độ mặn cao hơn, xâm nhập vào đất liền sớm hơn

Ông Trần Đình Phương, chuyên viên dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết theo kinh nghiệm đối với những năm nước lũ từ thượng nguồn xuống thấp thì tình hình hạn và mặn sẽ đến sớm và gay gắt hơn. Cụ thể đến thời điểm hiện tại độ mặn đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 3-5‰ và xâm nhập vào đất liền sớm hơn khoảng một tháng. Đỉnh mặn năm nay có thể đạt vào cuối tháng 3.

Chỉ tính riêng ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh, nước mặn đang ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn hecta lúa, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Hiện tất cả các cống lấy nước dọc sông Cổ Chiên, Hàm Luông, sông Tiền bị nước mặn tấn công đều đã phải đóng kín. Còn các trạm cấp nước, nhà máy nước đang phải hoạt động hết công suất để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt của người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Quý - phó Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), dự báo có sáu xã ven biển và các cửa sông của huyện có thể bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng hạn hán và nước mặn. Nguồn cấp nước cho huyện là hai cống Vàm Giồng và Xuân Hòa dọc sông Tiền thì đã có một cống đóng, cống còn lại cũng sẽ đóng vài ngày tới khi nước mặn đến khu vực này. Hiện tại, huyện đang gấp rút thi công 11 công trình thủy lợi để tích nước phục vụ sản xuất trong mùa khô.

Ngoài ra, huyện Gò Công Đông cũng đã đề nghị tỉnh cho mở 57 vòi nước công cộng trên địa bàn các xã, thị trấn phục vụ cho gần 7.000 hộ trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt. Nếu tình trạng hạn kéo dài, nước nội đồng xuống thấp sẽ có 2.100ha lúa bị đe dọa. Lúc đó huyện sẽ cho vận hành ngay hệ thống bơm chuyền hai cấp ở 61 điểm để đảm bảo đủ nước sản xuất lúa trong vụ đông xuân này.

Ông Trần Văn Tiền, phó Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành (Bến Tre), cho biết độ mặn 1‰ đã vào đến xã Quới Sơn và An Hiệp có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 1.000ha cây ăn trái. “Hiện tại các cống ngăn mặn đều được đóng để ngăn mặn xâm nhập. Ngoài ra, thời gian trước huyện đã khuyến cáo người dân trữ nước ngọt trong những ao, kênh nên nhu cầu nước sản xuất không gặp nhiều khó khăn. Riêng nguồn nước sinh hoạt các nhà máy nước của huyện sẽ chuyển sang lấy nước từ hệ thống nước ngầm nếu nguồn nước trên sông nhiễm mặn”.

Còn người dân ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) ở cách cửa biển hơn 50km cũng đang lo lắng bởi dự báo nước mặn sẽ xâm nhập sâu. Hiện nhà vườn đang tự lo tích nước ngọt trong ao vườn, đồng thời gia cố đê, cống để phòng nước mặn xâm nhập gây thiệt hại.

Tại Trà Vinh, độ mặn ở các nơi đều cao hơn cùng thời điểm năm 2012 và dự báo có tới 30.000ha lúa bị đe dọa bởi hạn mặn. Tỉnh cũng đang gấp rút thi công các công trình thủy lợi để tích nước.

Mặn bất thường “đe dọa” nhà máy nước

Theo ông Nguyễn Minh Giám - phó giám đốc Đài dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đầu tháng 1-2013 độ mặn trên các sông tại một số tỉnh ĐBSCL đã xuất hiện và ở mức cao (4,1-13,8‰) - điều chưa từng thấy trong vòng tám năm trở lại đây.

Tại sông Sài Gòn, tình trạng xâm nhập mặn đã “tấn công” nhà máy nước. Theo lãnh đạo Nhà máy nước Tân Hiệp, vào khoảng trung tuần tháng 2-2012 độ mặn cao nhất tại trạm bơm Hòa Phú chỉ 0,5-0,6‰, nhưng trung tuần tháng 2-2013 độ mặn lên đến 2,4‰. Nhà máy phải  nhờ Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa xả gần 14 triệu m3 nước đẩy mặn nên nguồn nước do nhà máy xử lý đảm bảo được chất lượng.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo