Thị trường

Hàn Quốc cho phép bán tòa nhà Keangnam để trả nợ

(DNVN) - Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết Tòa án quận trung tâm Seoul ngày 27/5 đã quyết định cho phép Tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises Inc. được bán tòa nhà Hanoi Landmark Tower Hà Nội để trả nợ.

Theo đó, tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises Inc. được bán tòa nhà Hanoi Landmark Tower thuộc sở hữu của công ty Keangnam Vina Ltd, một công ty con của Keangnam Enterprises Inc., tại Hà Nội để ứng phó với cuộc khủng hoảng thanh khoản hiện nay của tập đoàn này. 

Theo đề nghị của cơ quan quản lý độc lập được chỉ định cho tập đoàn này, tòa án đã cho phép bắt đầu quá trình bán tòa nhà 72 tầng trên và cho rằng quyết định này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ. Trước đó, tòa án đã chấp nhận kế hoạch “hồi sinh công ty” của Keangnam Enterprises và hai công ty con. 

Trong 2 năm gần đây, do tình hình thị trường bất động sản và xây dựng ở Hàn Quốc trở nên trầm lắng, hoạt động kinh doanh của Keangnam Enterprises gặp nhiều khó khăn và liên tục thua lỗ. Hiện Keangnam Enterprises đã vay tổng cộng 2.200 tỷ won (khoảng 2 tỷ USD) từ các chủ nợ đứng đầu là bốn ngân hàng Shinhan, Woori, Nonghyup và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Hàn Quốc, song không có khả năng thanh toán. 

Hàn Quốc cho phép bán Keangnam để trả nợ.
Hàn Quốc cho phép bán Keangnam để trả nợ.

Trước khi tự sát, hôm 17/3, Chủ tịch Keangnam Enterprises Sung Wan-jong tuyên bố sẵn sàng từ chức nhằm thuyết phục các chủ nợ tiếp tục cho tập đoàn vay tiền để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, đến ngày 27/3, nhóm chủ nợ từ chối cho Keangnam Enterprises vay thêm 110 tỷ won theo đề nghị của tập đoàn cũng như từ chối tham gia chương trình hoán đổi trái phiếu thành cổ phiếu trị giá 90,3 tỷ won do cổ phiếu của Keangnam Enterprises đã bị ngừng giao dịch trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc từ ngày 11/3. 

Trước tình hình trên, ngay trong buổi chiều 27/3, Keangnam Enterprises đã phải nộp đơn lên Tòa án quận trung tâm Seoul để tham gia tiến trình “hồi sinh công ty”, theo đó tòa án sẽ tiếp quản quyền quản lý để xử lý các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính đến hạn và tiến hành cơ cấu lại công ty. Từ ngày 7/4, tòa đã tiến hành xem xét toàn bộ sổ sách kế toán, thống kê công nợ, tài sản của Keangnam Enterprises ở trong và ngoài Hàn Quốc, trong đó có tòa nhà Hanoi Landmark Tower tại Hà Nội. 

Theo tòa án, quá trình tiến hành thủ tục “hồi sinh công ty” phụ thuộc rất lớn vào việc Keangnam Enterprises có bán được tòa nhà trên, một trong những tài sản lớn nhất hiện nay của họ ở nước ngoài, hay không vì quy mô nợ của tập đoàn hiện đã ở mức trên 1 tỷ USD.
Trong hai năm gần đây, do tình hình thị trường bất động sản và xây dựng ở Hàn Quốc trở nên trầm lắng, hoạt động kinh doanh của Keangnam Enterprises gặp nhiều khó khăn và liên tục thua lỗ.

Đến cuối tháng 4/2014, truyền thông Hàn Quốc đưa tin tòa nhà Keangnam đã được rao bán. Cụ thể, ngân hàng Goldman Sachs và quỹ đầu tư Qatar Investment Authority (QIA) là hai đơn vị bày tỏ ý định mua lại tòa nhà này.

Goldman Sachs dự kiến sẽ mua lại khoản nợ mà Keangnam đã vay để đầu tư cho dự án trị giá 1.000 tỷ won (khoảng 900 triệu USD) và thành lập một công ty chuyên biệt để tiếp nhận vai trò là cổ đông lớn tại tòa nhà Keangnam Landmark Tower.

 

Tuy nhiên, ngày 15/5, tờ Korea JoongAng Daily, 1 trong 4 tờ báo lớn nhất tại Hàn Quốc, đã gây chấn động dư luận nước này khi đưa tin Quỹ QIA đã lên tiếng phủ nhận thông tin họ sẽ mua tòa nhà trên và cho rằng Ban Joo-hyun, cháu trai của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon và là giám đốc chi nhánh New York của Colliers International, bị tình nghi làm giả giấy tờ trong thương vụ mua bán tòa nhà này nhằm chiếm đoạt tiền của Tập đoàn Keangnam.. 

Đỗ Thúy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo