Quốc tế

Hận thù đe dọa các công ty gia đình trị châu Á

Báo chí châu Á gần đây tràn ngập chuyện về những công ty gia đình trị bị vây trong các cuộc chiến pháp lý tranh chấp tài sản, hoặc các cuộc đấu đá tranh giành quyền thừa kế giữa vợ nọ con kia của các ông trùm.

Từ Samsung (Hàn Quốc) và Reliance Industries (Ấn Độ), đến Hon Hai, nhà sản xuất iPad (Đài Loan), các doanh nghiệp gia đình trị hiện có nhiều ảnh hưởng đến kinh tế châu Á và ngày càng ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới nói chung.

 

Các công ty gia đình trị chiếm một nửa số công ty châu Á niêm yết công khai; chiếm 1/3 giá trị thị trường chứng khoán của khu vực và sử dụng hàng triệu lao động. Theo Credit Suisse, các công ty gia đình trị là chìa khóa thành công của Credit Suisse ở các nền kinh tế mới nổi châu Á.

 

Tuy nhiên, các công ty gia đình trị ở châu Á (phần lớn thành lập sau chiến tranh thế giới thứ II) hiện đang phải đối mặt với những thách thức mới khi người sáng lập dần phải trao quyền cho thế hệ sau.

 

Nhiều nhà sáng lập không lên kế hoạch cho quá trình chuyển đổi này, dẫn đến sự bất ổn. Nhiều mối thù hận gia đình từ quá trình trao quyền có thể gây nhiều tác động tồi tệ.

 

"Nhiều doanh nhân châu Á làm kinh doanh rất thành công nhưng lại thất bại trong việc này", Joseph Fan, Giáo sư tài chính và kiểm toán Đại học Trung Hoa, Hong Kong, người từng nghiên cứu nhiều công ty gia đình trị ở Đài Loan, Hong Kong và Singapore cho biết.
 
 
Tranh chấp gia đình
 

Các trang báo và tạp chí của châu Á đang lan tràn với các ví dụ về các công ty gia đình bị vây trong các cuộc chiến pháp lý tranh chấp tài sản của gia đình.

 

Tháng trước, Lee Kun-hee, 70 tuổi, Chủ tịch công ty điện tử Samsung, đã bị anh trai và em gái kiện về cổ phần thừa kế do người cha quá cố để lại. Hồi tháng 12, Winston Wong, con trai cả của ông trùm Đài Loan Wang Yung-ching, đã kiện để đòi lại 4 tỷ USD giá trị tài sản tranh chấp mà ông cho rằng đã bị thất thoát do các thành viên gia đình thứ ba của cha mình. Người đàn ông giàu nhất Ấn Độ, Mukesh Ambani, cũng bị dính vào một vụ tranh chấp kéo dài 5 năm với Anil, anh trai của mình về khoản thừa kế khổng lồ của người cha. Năm ngoái, tại Hong Kong một vụ tranh chấp giữa ông trùm casino, tỷ phú Stanley Ho và những đứa con riêng cũng làm tốn không ít giấy mực của báo chí.

 

Khi nhiều ông trùm châu Á đã bắt đầu sang tuổi 80, 90, có lẽ châu Á sẽ chứng kiến nhiều sự chuyển giao quyền lãnh đạo mới trong thập kỷ tới.

 

"Đây có thể là một rủi ro hệ thống", Giáo sư Fan nói thêm, "Công ty gia đình trị là thành phần rất quan trọng trong nền kinh tế các nước châu Á." Ví dụ, gia đình họ Hồ được cho là đã đóng góp 40% cho kinh tế Macao.

Samsung Electronics là một trong những công ty gia đình trị lâu đời của HQ.

 

Hiệu suất thị trường giảm

 

Giáo sư Fan cũng nói thêm, trong khi không phải tất cả các doanh nghiệp gia đình đều trải qua những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực, một sự thay đổi về thế hệ lãnh dạo vẫn có tác động sâu sắc về hiệu suất thị trường cổ phiếu của mỗi công ty.

 

Trong một nghiên cứu mới đây, Giáo sư Fan đã theo dõi hiệu suất thị trường của 250 công ty gia đình trị khi trải qua quá trình chuyển giao quyền lực cho thế hệ mới. Giáo sư Fan phát hiện ra rằng, trung bình, giá trị cổ phiếu của các công ty này giảm khoảng 60% trong giai đoạn từ 5 năm trước khi chuyển giao và kéo dài đến tận 3 năm sau khi lãnh đạo mới nắm quyền.

 

Giáo sư Fan cho biết, sự giảm sút trong thành công của một công ty gia đình trị trong giai đoạn này thường là về uy tín, kỹ năng và tính kết nối, điều mà các thế hệ kế thừa sau thường rất khó để duy trì, kế thừa từ ông cha. "Thách thức lớn nhất là truyền cho thế hệ tiếp theo những tài sản vô hình này", Giáo sư Fan khẳng định.

 

"Ví dụ, bất cứ ai cũng có thể xây một ngôi nhà hoặc một tòa nhà như của Li Ka-shing, nhưng không phải ai cũng có được sự nổi tiếng và những mối quan hệ chính trị như ông ấy", Giáo sư Fan liên hệ ngay đến trường hợp của người đàn ông giàu nhất châu Á hiện đang lãnh đạo tập đoàn Hong Kong - Hutchison Whampoa và Cheung Kong.

 

Đấu đá giữa vợ nọ con kia

 

Li & Fung, công ty niêm yết trên sàn Hong Kong đang quản lý chuỗi cung ứng của các công ty như Wal-Mart, thường được nhắc đến như một ví dụ về một công ty lớn đã xử lý những áp lực của một doanh nghiệp gia đình trị rất tốt.

 

Li & Fung được điều hành bởi anh em William và Victor Fung. Họ là thế hệ thứ ba của gia đình lên nắm quyền quản lý công ty, tiếp quản công ty từ năm 1972 sau khi tốt nghiệp Trường Kinh doanh Harvard.

 

"Một trong những thách thức đầu tiên mà Victor và tôi phải đối mặt khi chúng tôi trở lại công ty là làm thế nào để mở rộng khi bạn đã trội gia đình về kỹ năng quản lý và các nguồn lực tài chính", William Fung cho biết.

 

Gần đây, Li & Fung đã bổ nhiệm một giám đốc điều hành là người ngoài gia đình. Các nhà quan sát nói rằng việc tái cấu trúc sẽ cho công ty thời gian để kiểm chứng liệu những đứa con của hai anh em nhà họ Fung hiện đang còn non trẻ, có yêu thích và đủ khả năng để điều hành công ty về sau này hay không.

 

William cũng nói đùa rằng, công ty hưởng lợi từ ông nội của họ vốn là một người Công giáo. Điều đó có nghĩa rằng không giống như nhiều tổ phụ của các công ty gia đình trị khác ở Đông Nam Á, ông nội của họ chỉ có một người vợ.

 

Điều này cũng cho thấy, rất nhiều các mối hận gia đình cay đắng như chuyện của gia đình họ Hồ ở Hong Kong, Ma Cao và gia đình họ Wang ở Đài Loan - đều bắt nguồn từ đấu đá nội bộ giữa những người vợ và và con cùng cha khác mẹ.

 

Vấn đề lớn hơn nữa còn xuất phát từ tư duy, thái độ khác nhau của cùng một thế hệ trẻ, những người sớm được đào tạo ở nước ngoài, và có thể không chia sẻ tâm huyết và quyết tâm của ông cha mình.

 

"Những gia đình kiểu này đóng một phần rất quan trọng trong việc giải thích cho sự phát triển kỳ diệu của kinh tế châu Á", Giáo sư Fan khẳng định.

 

"Họ có động lực cao và sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích gia đình và công ty. Câu hỏi đặt ra hiện nay là những liệu giá trị tương tự có thể được truyền lại cho thế hệ sau hay không".
 
 
Theo VEF
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo