Hàng giả, nhái “đánh” cả doanh nghiệp và người dân
Những năm gần đây, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục diễn biến phức tạp với những phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp hơn và mang nhiều yếu tố nước ngoài hơn. Nhiều hàng hóa của các doanh nghiệp có uy tín, các thương hiệu nổi tiếng có nguy cơ bị làm giả, làm nhái.
Hàng giả, nhái tác động tiêu cực đến nền kinh tế
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, “vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có tác động rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”.
Phân tích rõ các tác động đó, Bộ trưởng cho biết: Đối với kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực của vấn nạn này đến môi trường cạnh tranh lành mạnh và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện những cam kết song phương hoặc đa phương về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, Nhà nước thất thu thuế, xã hội mất đi của cải, vật chất, môi trường bị xâm hại, sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với lợi nhuận phi pháp cao còn làm cho đạo đức bị tha hóa, kéo theo đó là những tệ nạn xã hội, gián tiếp gia tăng tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt nghiêm trọng là hành vi sản xuất, tiêu thụ tiền giả có thể lũng đoạn nền kinh tế, làm tổn hại đến an ninh quốc gia, mất ổn định chính trị.
Không những thế, Bộ trưởng cho rằng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính là đối tượng chịu thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế do tệ nạn hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu của doanh nghiệp, gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng và có thể triệt tiêu động lực sáng tạo về trí tuệ của các doanh nghiệp nói riêng, của xã hội nói chung…
Còn người tiêu dùng là “đối tượng trực tiếp và bị thiệt hại về kinh tế, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người sử dụng do những hàng hoá này không được kiểm soát nhà nước về chất lượng, đặc biệt là các mặt hàng như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm…”- Bộ trưởng nói.
Trong bối cảnh đó, lực lượng Quản lý thị trường được coi là chỗ dựa, đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát ngăn chặn hàng giả, hàng nhái… Nhưng thực tế, dù có lực lượng này từ Trung ương đến địa phương, song vẫn có tình trạng hàng giả, hàng nhái xuất hiện trong siêu thị mà báo giới đã tốn không ít giấy mực phản ánh.
Trước thực trạng này, người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định, Bộ đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đã đạt được những kết quả khả quan.
Trong đó, riêng năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 17.396 vụ, giá trị 36 tỷ đồng. So với năm 2013, số vụ phát hiện, xử lý tăng 24,2%, giá trị vi phạm tăng 12,1%.
Nạn hàng giả, hàng nhái vẫn hết sức phức tạp
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, “nạn hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, tổ chức chặt chẽ, trong khi lực lượng Quản lý thị trường cũng như các lực lượng chức năng khác còn mỏng về biên chế, phương tiện kỹ thuật còn hạn chế, trong khi đó còn phải đảm đương nhiều nhiệm vụ do Chính phủ và chính quyền địa phương giao phó”.
Do vậy, để công tác chống hàng giả hiệu quả, Bộ trưởng cho rằng, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của người dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng. Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát, lực lượng Quản lý thị trường cần quan tâm, chú trọng đến việc tuyên truyền để các doanh nghiệp và người dân không vô tình hoặc cố ý tiếp tay cho nạn sản xuất, buôn bán hàng giả.
Về phía các doanh nghiệp, các nhà phân phối (như các siêu thị), theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, “cần lựa chọn cho mình người cung cấp sản phẩm có uy tín để tránh việc đưa hàng giả vào kênh phân phối của mình. Khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, cần thông báo kịp thời và phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm”.
Sẽ thành lập Tổng cục Quản lý thị trường
Năm 2015, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương, “nạn buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây tác hại nhiều mặt tới sản xuất và đời sống của nhân dân”.
Để góp phần hạn chế việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, Bộ trưởng cho biết, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm; phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý hoạt động thương mại và quản lý thị trường để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Cũng trong năm 2015 này, Bộ trưởng cho biết, sẽ hoàn thiện Đề án thành lập Tổng cục Quản lý thị trường; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng Pháp lệnh Quản lý thị trường sau khi được đưa vào chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh.
Về công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, sẽ coi trọng việc hướng dẫn, tuyên truyền trực tiếp tới các hộ kinh doanh, các khu vực được xem là điểm nóng; ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, tập trung vào các mặt hàng: phân bón, mũ bảo hiểm, thuốc lá, thực phẩm.../.
End of content
Không có tin nào tiếp theo