Hàng hóa Tết "phủ sóng" thị trường nông thôn
Nhiều doanh nghiệp, siêu thị, đại lý đã cam kết không tăng giá bán, đồng thời tăng cường xúc tiến bán tận tay người tiêu dùng ở nông thôn, khu công nghiệp để kích cầu mua sắm Tết Ất Mùi 2015.
Sức mua tăng, giá bán không tăng
Ngày 13/12, tại siêu thị Metro Thăng Long, hộp trà Lipton Yellow Tea mẫu mừng xuân có tặng thêm ly sứ cao cấp có giá không đổi 118 nghìn đồng; Xà phòng giặt Omo mẫu Tết 3 kg giá 108 nghìn đồng… Theo nhân viên bán hàng tại đây, chưa đến giai đoạn tung hàng Tết lên kệ, tuy nhiên một số mẫu hàng Tết bày sớm đều giữ nguyên giá, thậm chí có thêm khuyến mãi so với thông thường.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng của Big C cho biết, Big C dự kiến sức mua Tết năm 2015 sẽ tăng khoảng 15% so với năm ngoái, nhưng giá bán sẽ không tăng. “Big C đã làm việc với các nhà cung cấp, không chấp nhận bất kỳ hình thức tăng giá nào cho đến tháng 3/2015. Và từ tháng 12 đến hết tháng 2/2015 - giai đoạn cao điểm mua sắm Tết, Big C đảm bảo giá cả hàng hóa ổn định và vẫn giảm giá đến 50% gần 4 nghìn sản phẩm chủ đạo lễ và Tết”, ông Nguyên khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Giám đốc ngành hàng thực phẩm, siêu thị Co.op Mart thông tin, tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho ba tháng trước, trong và sau Tết được Co.op Mart dự trữ khoảng 90 nghìn tấn, tăng gần 15% so với Tết Giáp Ngọ 2014. Dù dự kiến sức mua tăng trong dịp Tết, Co.op Mart sẽ giữ giá thấp hơn so với thị trường tối thiểu 5-10% và dự kiến trong những ngày cận Tết, vẫn triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá 10 - 50%.
Cũng dự báo sức mua thị trường có thể tăng trưởng 10%, nhưng ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan khẳng định, Tết năm nay, Vissan sẽ tăng cường các chương trình khuyến mãi đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến, các chương trình giảm giá các mặt hàng tươi sống vào các ngày cận Tết.
Cô Lan, chủ đại lý Diệu Linh trên đường Trần Cung (Hà Nội) cho hay, hiện đại lý đang tích cực trữ hàng Tết. “Để có nguồn hàng giá rẻ, tôi phải nhập số lượng lớn từ tận doanh nghiệp, nhà máy sản xuất. Đến thời điểm này, tôi chưa thấy mối giao hàng nào thông báo tăng giá”, cô Lan nói.
Bán hàng đến tận tay người tiêu dùng nông thôn
Theo bà Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, dự kiến sức mua các mặt hàng gạo, thực phẩm tươi sống, rau xanh Tết Nguyên đán Ất Mùi có thể tăng 20% so với ngày thường nên giá bán có thể tăng nhẹ vào dịp giáp Tết như gạo nếp ngon, gạo đặc sản dự báo tăng 1-3% vào trước Tết; Thịt bò, thịt lợn tăng 5-10% những ngày cận Tết và trong Tết; Thịt gà và thủy sản tăng 10-15%... Do đó, để kìm chế tối đa việc tăng giá hàng hóa Tết, ngoài việc tăng cường dự trữ hàng sớm với số lượng lớn, năm nay, Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai những chương trình bán hàng đến tận tay người tiêu dùng ở vùng nông thôn, khu công nghiệp.
Bà Lan thông tin: “Ngoài hơn 600 điểm bán bình ổn giá và khoảng 1.600 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, công ty trên địa bàn; Hà Nội sẽ tổ chức hơn khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng thiết yếu bình ổn giá kết hợp với các nhóm hàng khác về khu vực nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất… để phục vụ nhu cầu mua sắm nông dân và công nhân có thu nhập thấp trong dịp Tết”.
Theo đại diện siêu thị Co.op Mart, dự kiến trong thời gian Tết Ất Mùi sẽ tổ chức ít nhất 141 điểm bán hàng lưu động thuộc các xã nghèo vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp, khu chế xuất. Hàng được lựa chọn trong những chuyến đi này chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu, được sản xuất trong nước, có giá bán ưu đãi giảm từ 3-5% so với giá bán lẻ khuyến mãi tại siêu thị.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan cho biết, Vissan cũng sẽ triển khai chương trình bán hàng tại vùng sâu, vùng xa vào dịp Tết, giúp người tiêu dùng không phải qua nhiều kênh phân phối, góp phần bình ổn thị trường.
Theo Giao thông Vận tải
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo