Thị trường

Hàng loạt dự án đội vốn ngân sách hàng nghìn tỷ đồng

(DNVN) - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hàng loạt các dự án đầu tư từ địa phương đến trung ương đội vốn lên gấp nhiều lần, từ vài chục tỷ lên tới hàng nghìn tỷ đồng là không thể chấp nhận được. Các đại biểu yêu cầu, phải làm rõ nguyên nhân vì sao đội vốn. Hàng loạt các câu hỏi: Chậm tiến độ do đâu? Có hay không tình trạng tham nhũng, lãng phí trong các dự án này? Kể cả trách nhiệm giám sát cũng được các đại biểu thẳng thắn nhìn nhận.

Các đại biểu Quốc hội yêu cầu, phải làm rõ nguyên nhân vì sao các dự án đội vốn? Ảnh: Internet

Đội vốn hàng trăm lần

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước cho thấy, Quốc hội quyết định chi cho đầu tư phát triển năm 2016 là 254.950 tỷ đồng nhưng khi quyết toán chi đã tăng hơn 41.501 tỷ đồng, tương ứng tăng 16,3%. Đáng lưu ý là trong khi chi đầu tư từ ngân sách trung ương giảm 952 tỷ đồng thì từ ngân sách địa phương đã tăng tới hơn 42.453 tỷ đồng, tương tứng tăng tới 22,8%. Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó, đáng kể là “còn tình trạng phê duyệt dự án đầu tư khi chủ trương đầu tư chưa được phê duyệt, chưa đủ thủ tục, không phù hợp với quy hoạch vùng, không thuộc giai đoạn 2016 - 2020 hoặc trùng lắp với dự án khác đã được phê duyệt. Có trường hợp phê duyệt vượt định mức, quyết định đầu tư chưa xác định rõ nguồn vốn, thời gian thực hiện dự án, xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần với giá trị lớn. Cá biệt, Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng tới 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng).

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Tp. HCM) cho rằng, việc điều chỉnh tăng vốn lên tới 36 lần cho 1 dự án như thế này là không thể chấp nhận được, không thể biện luận được… Ông thẳng thắn, trước hết những người nào mà để xảy ra cái đó, phải từ chức, phải cách chức. Bởi vì cái đó nó đảo lộn rất nhiều thứ, từ nguồn vốn ngân sách, đến tiến độ… nó là lãng phí…

Báo cáo kiểm toán đã đưa ra những dẫn chứng có thể nói là “rất khó tin” về các dự án đội vốn xảy ra ở rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đáng nói, vẫn là ở tỉnh Ninh Bình, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Ninh Bình (đường tỉnh 477 kéo dài) tăng tới 329% so với tổng mức đầu tư ban đầu. Hay ở tỉnh Bắc Ninh có Dự án đường Nội Duệ - Tri Phương tăng 169% và Dự án Trường THPT Hàn Thuyên, tỉnh Bắc Ninh tăng tới 410%. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng không kém khi Dự án đường từ Bắc Bình (QL2C) đến xã Xuân Hòa (ĐT307), huyện Lập Thạch tăng 330%. Tỉnh Lạng Sơn Dự án mở mới đường Lương Thác - Pá Đa giai đoạn 2 tăng 341%. Rồi Tỉnh Đắc Lắk thì Dự án Trụ sở, hội trường HĐND và UBND tỉnh này tăng 421%; Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai tăng 251%; Dự án công trình Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng (hợp phần A) - Giai đoạn khởi động tăng 299%; Dự án Phát  triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long tăng 273%; Dự án công trình Đường giao thông nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn, Đô Lương (Km15 ÷ Km28+500) tăng 335%...

Theo đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên Huế) việc đội vốn có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, có cả từ khâu thiết kế, thẩm định dự án, đến việc trượt giá, tỷ giá… Vì vậy, cần phải điều tra một cách nghiêm tục việc đội vốn của các dự án này. Ông nêu rõ: Quan điểm của tôi là các cơ quan thanh tra, cơ quan chức năng phải vào cuộc để đánh giá, làm rõ về việc sử dụng này. Trượt giá trên 100% là đã lớn lắm rồi. Cái này phải khách quan, phải kiểm tra. Nhưng tôi đánh giá, như số liệu mà kiểm toán đã nêu là đây có vấn đề trong quá trình đầu tư… Cần thiết thì phải xử lý, quy trách nhiệm cho rõ.

 

Phải làm rõ trách nhiệm trong việc đội vốn

Giáo sư. Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội).

Từ thực tế đội vốn ở nhiều dự án tại các địa phương, Giáo sư Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị, để chấm dứt có rất nhiều vấn đề cần phải làm, từ việc chuẩn bị dự án đến khâu tổ chức thực hiện dự án “thậm chí ngay từ khi chuẩn bị dự án đã phải tính đến hiệu quả của dự án và trong cả quá trình thực hiện dự án cũng như dự án xong rồi trong quá trình vận hành thì công tác giám sát là rất quan trọng. Việc giám sát này bao gồm cả từ việc giám sát của Quốc hội, giám sát của tất cả các ban ngành đoàn thể và kể cả giám sát của nhân dân là phải được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt hơn thì mới được”.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre - Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, việc thu, chi ngân sách sẽ càng ngày càng khó khăn hơn, nợ công tăng cao. Chính phủ cũng đang tìm mọi biện pháp để điều tiết cho nên không thể đòi hỏi ngay tức thời có thể giải quyết được vấn đề tài chính và ngân sách. Bà Thủy hy vọng vào những giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới sẽ giúp sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách, đó cũng là biện pháp chống thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm phải làm rõ trách nhiệm trong việc đội vốn lên nhiều lần của các dự án đầu tư công đã được kiểm toán nêu trong báo cáo. Có hay không tham nhũng ở đây? Thậm chí phải truy trách nhiệm đến cùng đối với những người để xảy ra tình trạng dự án chậm tiến độ gây hậu quả nghiêm trọng, bởi để xảy ra lãng phí, thất thoát lớn thậm chí còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng.

 

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ,  Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (quyết toán nhân sách nhà nước năm 2016) đã phát hiện hàng loạt dự án “đội vốn lên nhiều lần, thậm chí vài chục lần dẫn đến tổng chi cho đầu tư phát triển năm 2016 đội lên gần 2 tỷ đô la so với dự kiến Quốc hội giao cho thấy rất rõ việc quản lý đầu tư công rất yếu kém. Do tính toán ban đầu không đúng, do làm không tốt, do thất thoát vốn, tham nhũng, đủ thứ... Bây giờ đã có luật, đã bớt hơn được phần nào, nhưng “còn phải kiên quyết thực hiện cho bằng được theo luật. Tình hình giải ngân chậm cũng có phần quan trọng, do đó phải xiết chặt theo đúng kế hoạch và làm đúng thủ tục”. Theo TS Lưu Bích Hồ, đầu tư công không phải là chùm khế ngọt nữa!

Nguyên Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo