Hàng loạt lò đốt rác ở Việt Nam thải dioxin: Do công nghệ lạc hậu
“Tôi có thể nói thẳng là hầu hết lò đốt rác thải ở Việt Nam đều thải dioxin”, ông Lê Kế Sơn, Giám đốc Dự án “Xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng ở Việt Nam” cho biết. Lý do là phần lớn các lò đốt rác thải công nghiệp, lò đốt y tế hiện nay đều sử dụng công nghệ lạc hậu.
Theo báo cáo hiện trạng ô nhiễm dioxin trong môi trường ở Việt Nam (công bố tháng 11/2014), nhiều nhà máy xử lý rác thải ở Hà Nội, TPHCM, Hải Dương có nồng độ dioxin và hợp chất có độc tính giống dioxin trong khí thải và nước thải vượt mức cho phép từ vài lần đến 5.000 lần như một công ty môi trường ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương; lò đốt rác thải công nghiệp ở xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội hay một trạm xử lý chất thải nguy hại ở TPHCM. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Kế Sơn, đây chỉ là những nhà máy được lấy mẫu. Vẫn còn nhiều nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt khác thải dioxin nếu tiếp tục lấy mẫu. “Tôi có thể nói thẳng là hầu hết lò đốt rác thải ở Việt Nam đều thải dioxin”, ông Sơn nói.
Nguyên nhân giải thích việc nhà máy xử lý rác thải ở Việt Nam thải dioxin ra môi trường là do sử dụng công nghệ đốt lạc hậu. Theo các chuyên gia, công nghệ lò đốt càng lạc hậu, công nghệ xử lý các nguồn thải của lò đốt càng kém và nguyên liệu là rác thải nguy hại thì mức độ thải dioxin vào môi trường càng cao.
Để xử lý triệt để dioxin trong khí thải của nhà máy xử lý rác thải phụ thuộc vào ba yếu tố gồm loại rác thải và công suất lò đốt; nhiệt độ lò đốt và công nghệ xử lý khí thải. Phần lớn các lò đốt rác thải ở Việt Nam có công suất nhỏ. Nhiệt độ của lò đốt ở buồng thứ cấp phải là 1.200 độ C mới triệt tiêu dioxin, nhưng đây là ngưỡng lý tưởng mà không phải lò đốt nào đang hoạt động ở Việt Nam có thể đạt được. Ngoài ra, một số nhà máy có công nghệ kém thì khí thải chỉ được xử lý bằng cách làm nguội, nguy cơ khí thải chứa dioxin của các lò đốt vào môi trường rất cao.
Với nước thải, phần lớn các lò đốt hiện nay còn sử dụng công nghệ xử lý khí thải kiểu ướt, tiềm ẩn nguy cơ lớn về việc xả thải dioxin ra môi trường. Bằng chứng là nước thải một công ty môi trường ở TPHCM có hàm lượng dioxin vượt 5.000 lần mức cho phép (theo tiêu chuẩn của Nhật Bản).
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, công nghệ lò đốt đã bị cấm sử dụng ở các nước tiên tiến từ nhiều năm nay vì là công nghệ bẩn, gây ô nhiễm môi trường và dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến cáo mạnh mẽ việc không sử dụng công nghệ lò đốt.
Lo ngại lò đốt y tế
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Việt Nam hiện có khoảng 400 lò đốt rác thải y tế. Các lò đốt này phần lớn được sử dụng ở Việt Nam từ năm 2000. Suốt 15 năm qua phần lớn rác thải y tế được xử lý bằng công nghệ lò đốt tại cách bệnh viện, chỉ có một số ít thành phố, xử lý rác thải y tế tập trung.
Theo PGS Nga, các lò đốt y tế có nhiều nguồn gốc khác nhau, đều có quy mô nhỏ, công suất thấp và công nghệ lạc hậu. Do đó, nguy cơ phát thải dioxin vào môi trường rất cao. Công nghệ đốt có ưu điểm là giảm thể tích, tiêu diệt mầm bệnh nhưng nhược điểm là chi phí ban đầu cao, vận hành phức tạp và gây ô nhiễm môi trường. Khí thải chưa được lọc dioxin và các hợp chất có độc tính giống dioxin, tro sau khi đốt xong là chất thải nguy hại chứa dioxin và furan. Nếu chôn lấp hay thải ra sông, hồ thì nguy cơ dioxin nhiễm vào đất, vào nước.
“Năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố QCVN 30:2012 về lò đốt công nghiệp. Áp theo quy chuẩn này 100% các lò đốt rác thải y tế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này”, ông Nga nói. Trong khi đó, đa phần các lò đốt rác thải bệnh viện lại nằm ngay cạnh trong các khu dân cư, nhất là các lò đốt y tế cấp tỉnh, cấp huyện. Khí độc khi bay vào khu dân cư có nguy gây ra các bệnh về hô hấp, tác động đến chuyển hóa, miễn dịch, gene dẫn tới ung thư, tai biến sinh sản, suy giảm miễn dịch.
Nhật Bản phải trả giá đắt từ ô nhiễm dioxin công nghiệp
Theo PGS Lê Kế Sơn, Nhật Bản, đất nước từng có thời kỳ phát triển công nghiệp ồ ạt sau thế chiến thứ 2 đã phải trả giá đắt do ô nhiễm dioxin từ hoạt động công nghiệp, trong đó có vấn đề sữa mẹ nhiễm dioxin. Ban đầu, các nhà khoa học phân tích nồng độ dioxin trong sữa mẹ thì thấy vượt mức cho phép. Họ kết luận, thức ăn chứa dioxin khiến sữa mẹ nhiễm dioxin. Tuy nhiên ngay khi thực phẩm được giám sát chặt chẽ, không còn dioxin thì nồng độ hóa chất này trong sữa mẹ vẫn cao. Các nhà khoa học tìm ra, ngoài thức ăn, khí thải chính là nguồn lây nhiễm dioxin với con người.
“Tại Việt Nam, ngay ở một số nơi không có dioxin nguồn gốc từ chiến tranh vẫn đo được nồng độ dioxin trong máu, mỡ và sữa mẹ”.
PGS.TS Lê Kế Sơn, GĐ Dự án “Xử lý dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng ở VN”
Không giám sát dioxin trong khí thải, nước thải lò đốt
Trước câu hỏi vì sao lò đốt rác thải công nghiệp, y tế được sử dụng ở Việt Nam nhiều năm nay nhưng thông tin các nhà máy này phát thải dioxin và hợp chất có độc tính giống dioxin bây giờ mới có?PGS. TS Lê Kế Sơn cho biết, Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến phát thải dioxin có nguồn gốc từ hoạt động công nghiệp như lò đốt rác thải là do điều kiện công nghệ còn hạn chế. Cả nước chỉ có hai phòng thí nghiệm có khả năng phân tích dioxin là Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga của Bộ Quốc phòng và Trung tâm Quan trắc Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thứ nữa là chi phí để phân tích dioxin đắt đỏ, hơn 10 triệu đồng một mẫu trong khi muốn phân tích dioxin của một nhà máy phải dùng tới hàng chục, hàng trăm mẫu.Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, theo quy định phải giám sát hàm lượng dioxin và hóa chất có độc tính tương tự dioxin đối với các lò đốt. Tuy nhiên do điều kiện kỹ thuật hạn chế, chi phí tốn kém nên yếu tố này thường bị bỏ qua.
Theo Tiền phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo